Tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và chế tài của pháp luật
Pháp luật - Bạn đọc 15/11/2023 09:21
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, UBND huyện U Minh Thượng là chủ đầu tư Dự án xây dựng Trung tâm hành chính huyện, tổng mức đầu tư là 143 tỉ đồng, triển khai từ năm 2013 đến 2017, với 9 hạng mục. Sau đó, công trình được nghiệm thu, thanh toán hơn 115 tỉ đồng, gồm: Chi phí xây dựng gần 92 tỉ đồng, mua sắm thiết bị 14,1 tỉ đồng, rà phá bom mìn, bảo hiểm xây dựng, phòng cháy chữa cháy... 9,2 tỉ đồng.
Năm 2017, UBND tỉnh Kiên Giang lập đoàn thanh tra dự án trên, phát hiện có dấu hiệu tội phạm nên chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Giữa năm 2019, Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cơ quan điều tra xác định, các đơn vị gồm: Chủ đầu tư, thiết kế, giám sát, thi công đã thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế không bảo đảm kết cấu, khai khống đơn giá, đổi chủng loại vật tư, chuyển hình thức đấu thầu, xử lí kĩ thuật, nghiệm thu trái quy định... gây thiệt hại hơn 16 tỉ đồng.
Các cựu cán bộ huyện, đơn vị giám sát, thi công bị tạm giam để điều tra. |
Trong đó, ông Tước gây thiệt hại 3,9 tỉ đồng, ông Dinh gây thiệt hại 3,2 tỉ đồng và một người khác gây thiệt hại 3,6 tỉ đồng.
Dưới góc độ pháp lí, TS. luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, đây là công trình có nhiều dấu hiệu sai phạm, đã được UBND cấp tỉnh thanh tra và phát hiện sai phạm từ năm 2017.
Sau đó, hồ sơ được chuyển cho cơ quan điều tra và một số cán bộ, cá nhân đã bị khởi tố về hai tội danh là “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; trong đó một số bị can đã bị xét xử và bị Tòa án kết tội.
Việc cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bị can đối với hai cựu Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng và nhiều người khác là do mở rộng điều tra vụ án đã được khởi tố, xét xử từ trước.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: “Tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự, đây là một trong những tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lí kinh tế. Hành vi phạm tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi như: Quyết định đầu tư xây dựng không đúng quy định của Luật Xây dựng; lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng; dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình… gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên.
Để buộc tội đối với các bị can trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các đối tượng thực hiện hành vi nào trong số các hành vi được liệt kê, mô tả tại Điều 224 Bộ luật Hình sự nêu trên. Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, các bị can đã thực hiện hành vi phạm tội, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạm quy định về xây dựng công trình gây thiệt hại cho Nhà nước từ 1 tỉ đồng trở lên, các bị can sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”.
Luật sư Cường cho biết thêm: Về nguyên tắc chung, trường hợp bị kết tội, các bị can sẽ phải đối mặt với hình phạt thấp nhất là 10 năm tù, cao nhất là 20 năm tù. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định trường hợp bị kết tội và bị can có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có thể được chuyển sang khung hình phạt khác nhẹ hơn theo quy định. Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp bị kết tội với hai tội danh, các bị cáo sẽ bị tổng hợp hình phạt nhưng không quá 30 năm tù.