Tỉnh Sóc Trăng: Công ty Kim Anh gửi Đơn “kêu cứu” đến Trung ương
Pháp luật - Bạn đọc 27/06/2021 17:52
Vụ kiện kéo dài
Đơn của ông Đỗ Ngọc Quí, Tổng Giám đốc Công ty Kim Anh cho biết: Cuối năm 1992, ông Quí thành lập Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh với vốn đầu tư 100 triệu đồng. Đến năm 1994, do nhu cầu mở rộng kinh doanh nên ông Quí đã điều chỉnh vốn lên 109,8 triệu đồng và được cấp Giấy phép thành lập Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh. Do hạn chế của loại hình Doanh nghiệp tư nhân là không được xuất khẩu thủy sản trực tiếp sang nước ngoài nên ông Quí đã nhờ mẹ là bà Kim Anh và các anh em trong gia đình đứng tên dùm làm thành viên công ty và ấn định số vốn điều lệ là 2,868 tỷ đồng. Trong đó, ngoài ông Quí còn có bà Kim Anh cùng các anh em Dương Việt Trung, Đỗ Ngọc Tươi, Đỗ Thị Ngọc Sương và Đỗ Ngọc Tài.
Công ty Kim Anh tại TP Sóc Trăng |
Theo Giấy đăng ký kinh doanh, bà Kim Anh sở hữu 30,75% vốn, ông Quí 36,39%, ông Tài 11%, ông Tươi 0,94%, bà Sương và ông Trung mỗi người 10,46%. Sau 9 lần thay đổi Giấy phép kinh doanh vốn tăng lên trên 113 tỷ đồng và vẫn có 6 thành viên nói trên góp vốn.
Tháng 6/2010, ông Quí làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án xác lập quyền sở hữu toàn bộ Công ty Kim Anh, hủy tư cách thành viên của mẹ với 4 anh chị em trong Hội đồng thành viên do những người này không góp vốn vào Công ty.
Bản án sơ thẩm tháng 5/2012 của TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên chấp nhận đơn khởi kiện, công nhận toàn bộ số vốn góp của Công ty Kim Anh do ông Quý góp. Tháng 8/2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Tháng 4/2013, Viện KSND Tối cao có Quyết định kháng nghị, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có Quyết định giám đốc thẩm số 33/2013/KDTM-GĐT (gọi tắt là QĐ 33), tuyên hủy án sơ thẩm và phúc thẩm năm 2012.
Tháng 2/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử lần 2, chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Kim Anh và đơn yêu cầu độc lập của ông Quí, công nhận toàn bộ số vốn góp của Công ty Kim Anh là do ông Quí góp. Tuy nhiên, bản án này yêu cầu ông Quí phải có trách nhiệm giao lại cho các bị đơn mỗi người 1% vốn điều lệ, tương ứng với trên 1,13 tỷ đồng. Tháng 10/2016, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy bản án sơ thẩm này.
Tháng 3/2019, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm (lần 3), tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Kim Anh. Tháng 1/2020, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ lại cho TAND tỉnh Sóc Trăng giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Đến ngày 9/3/2020, Công ty Kim Anh có đơn yêu cầu TAND Tối cao xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Ngày 23/7/2020, TAND Tối cao có công văn gửi TAND tỉnh Sóc Trăng để rút hồ sơ lên TAND Tối cao để xem xét theo yêu cầu của ông Quí.
Những vấn đề mâu thuẫn
Tháng 4/2021, Phó Chánh án TAND Tối cao, ông Lê Hồng Quang kí kháng nghị số 06/2021/KN-KDTM (kháng nghị 06), đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy án phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Cũng trong tháng này, ông Quang kí Quyết định giám đốc thẩm số 04/2021/KDTM-GĐT (QĐ 04), chấp thuận kháng nghị của chính mình kí ra.
Đơn khiiếu nại của ông Quí nêu ra những khuất tất của vụ án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn. |
Theo ông Đỗ Ngọc Quí, quyết định giám đốc thẩm số 04 (QĐ 04) đã nêu ra những lập luận trái chiều so với kháng nghị số 10 (kháng nghị 10) năm 2013 của Viện KSND Tối cao và Quyết định giám đốc thẩm số 33 (QĐ 33) năm 2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Cụ thể, mấu chốt đầu tiên trong QĐ 04 nhận định việc góp vốn vào công ty TNHH Kim Anh phù hợp với quy định của Luật Công ty năm 1990… nên có cơ sở pháp lý xác định các thành viên sáng lập đã góp đủ vốn vào Công ty.
Trước đó Kháng nghị 10 nêu: “Theo quy định tại Khoản 1, Điều 25 Luật Công ty năm 1991 thì Công ty TNHH là công ty, trong đó: Phần góp vốn của tất cả các thành viên phải được đóng đủ ngay khi thành lập công ty, nhưng phần vốn góp của các thành viên công ty phải được thể hiện trong sổ sách kế toán của công ty và việc giao nhận tài sản là vốn góp của các thành viên phải có chứng từ, biên bản giao nhận. Việc thể hiện tên và tỷ lệ góp vốn trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chưa đủ cơ sở để khẳng định có việc tham gia góp vốn của các thành viên công ty. Thực tế, đến ngày 1/5/2010, công ty cũng có công văn yêu cầu các thành viên công ty phải đóng góp vốn, nếu không vị trí các thành viên trong công ty sẽ bị hủy bỏ”.
Đồng thời, tại trang 10 của QĐ 33 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thể hiện đơn khởi kiện và các lời trình bày của ông Quý cũng như lời khai của ông Dương Thái Bảo (chồng đầu tiên của bà Kim Anh), Trương Tiết Thanh (con bà Kim Anh) và lời khai ban đầu của bà Trần Mỹ Lệ (vợ bị đơn Dương Việt Trung) thì trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án thì để hợp thức hóa chuyển đổi từ Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh thành Công ty TNHH Kim Anh nên việc lập hồ sơ chuyển đổi ông Quí nhờ mẹ ruột và các anh em ruột trong gia đình đứng tên giùm làm thành viên công ty, tỷ lệ góp vốn chỉ trên danh nghĩa. Thực chất toàn bộ tài sản của Công ty Kim Anh là do ông Quí tự đầu tư (vốn từ Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh chuyển sang). Việc thể hiện tên và tỷ lệ góp vốn trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chưa đủ cơ sở để khẳng định có việc tham gia góp vốn của các thành viên công ty.
Vấn đề thứ hai mà QĐ 04 nêu (nguyên đơn khởi kiện cho rằng tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh chuyển sang, nhưng sau thời điểm thành lập Công ty Kim Anh thì Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh vẫn còn hoạt động, đến năm 1998 mới giải thể) được ông Quí khẳng định là không chính xác vì tháng 12/1994, Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế, không ký kết bất kỳ hợp đồng nào và tất cả tài sản cũng đã chuyển sang cho Công ty Kim Anh.
Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh thời điểm này chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa về mặt pháp luật và do thủ tục hành chính kéo dài nên đến ngày 20/11/1998 mới thực hiện xong thủ tục giải thể.
Tại Quyết định số 917 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ngày 20/11/1998 cũng đã xác nhận lý do xin giải thể Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh là để “chuyển đổi loại hình hoạt động thành Công ty TNHH”.
QĐ 04 nhận định: “Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án không công nhận tư cách thành viên của các bị đơn tại Công ty Kim Anh nên theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp…”.
Lập luận này của QĐ 04 được ông Quí cho không phù hợp với nhận định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại QĐ 33. Lý do, Công ty Kim Anh được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh, các thành viên công ty đều là những người ruột thịt trong gia đình. Vấn đề mấu chốt cơ bản là xác định ai là người góp vốn thực sự khi thành lập Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh và sau đó chuyển đổi thành Công ty Kim Anh (ông Quí hay bà Kim Anh). Bởi vì, các thành viên còn lại là ông Đỗ Ngọc Tài, Đỗ Ngọc Tươi, Đỗ Thị Ngọc Sương, Dương Việt Trung đều trình bày vốn góp khi thành lập Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh là của bà Kim Anh, khi chuyển đổi thành công ty thì bà Kim Anh cho ông Quí đứng tên và chia cho mỗi người con một phần vốn góp để cùng sáng lập công ty, còn bản thân họ không góp.
Nội dung Quyết định 33 năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. |
Ngoài ra, QĐ 33 còn xác định ông Dương Thái Bảo, ông Trương Tiết Thanh, bà Trần Mỹ Lệ đều nêu trong bản tự khai rằng tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh trước đây và Công ty Kim Anh hiện nay đều do ông Quí gây dựng lên.
QĐ 33 cũng khẳng định, giá trị tài sản đất đai của ông Quí trị giá 69,8 triệu đồng, còn số vốn góp bằng tiền 40 triệu đồng đã được TAND tỉnh Sóc Trăng xác định trong bản án ngày 13/2/2015 và bản án ngày 7/3/2019 là thuộc sở hữu hợp pháp của ông Quí. Hai bản án này cũng xác định Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh là của ông Quí.
Vợ bị đơn và chồng, con của bà Kim Anh nói gì?
Trong tất cả những trình bày của mình, bà Kim Anh khẳng định, con dâu Trần Mỹ Lệ (vợ ông Dương Việt Trung) đã nghỉ dạy học để về Công ty Kim Anh làm kế toán trưởng. Là vợ bị đơn và hưởng cổ phần từ ông Trung nhưng bà Lệ có đơn tường trình rất rõ với TAND tỉnh Sóc Trăng khẳng định vốn điều lệ của Công ty Kim Anh thực chất số vốn này do tự kê khai để đưa vào cho khớp với thủ tục chung. Tỷ lệ phân chia trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ mang tính hình thức thủ tục. Việc kê khai khống trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và điều lệ của Công ty Kim Anh nhằm hợp thức hóa thủ tục thành lập công ty.
Tường trình của bà Lệ khẳng định vốn điều lệ của Công ty Kim Anh thực chất là do tự kê khai để đưa vào cho khớp với thủ tục chung |
Về vốn hoạt động của Công ty Kim Anh, bà Lệ trình bày rằng khi chuyển đổi sang Công ty Kim Anh, vốn hoạt động là lấy toàn bộ từ tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh; không có thành viên nào góp thêm tiền hoặc tài sản.
“Sau một thời gian hoạt động, do cần mở rộng quy mô kinh doanh của công ty, lấy uy tín với các đối tác, Công ty Kim Anh đã nhiều lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tăng vốn điều lệ. Những lần thay đổi và tăng vốn điều lệ, ông Quí có nhờ các anh chị em có tên trong danh sách thành viên ký tên vào các giấy tờ, thủ tục kê khai theo mẫu của Sở Kế hoạch và Đầu tư quy định. Thực tế, các thành viên ngoài ông Quí không có góp vốn, do vậy, chỉ có các số liệu hình thức trên bản điều lệ Công ty Kim Anh, chứ không có khoản tiền nào của các thành viên đó nhập vào hệ thống sổ sách kế toán do tôi phụ trách, cũng như không có khoản tiền thực, tài sản thực nào nhập vào quỹ Công ty Kim Anh”, bà Lệ trình bày trong đơn gửi tòa án.
Không chỉ bà Lệ, ông Bảo và ông Thanh cũng được chia thừa kế cổ phần của bà Hoàng Thị Kim Anh nhưng những người này ngay từ ban đầu đều khẳng định ông Quí là chủ sở hữu của Công ty Kim Anh và không có ai góp vốn vào công ty, chỉ đứng tên giùm nhằm hợp thức hóa giấy tờ.
Với những mấu chốt trên, ông Quí mong rằng trong lần xét xử tới, Hội đồng xét xử sẽ có cách nhìn nhận công tâm, thấu đáo hồ sơ để tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, Công ty Kim Anh mà còn làm vụ kiện càng thêm phức tạp và không biết đến bao giờ mới kết thúc được vụ kiện đã kéo dài hơn 11 năm qua (?!)