Tỉnh Đồng Nai: Vụ án có nhiều tình tiết kì lạ!
Pháp luật - Bạn đọc 18/08/2019 17:57
Nhà đất của Công ty Sài Gòn – Cây Cảnh |
Tách vụ án gây hậu quả
Vụ án được khởi tố theo Quyết định số 05/QĐ-PC46 ngày 16/4/2010, đến ngày 5/3/2014, có Quyết định số 01/QĐ-PC46 tách thành 2 vụ án (“Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”); và tang vật là QSDĐ 10.2ha đã vào tay ông Lê Đình Tài nhờ xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Như vậy, không còn tang vật để khắc phục hậu quả vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hậu quả nhãn tiền: Ông Tình và bà Sương sẽ bị kết tội nặng vì không có tài sản khắc phục hậu quả; và hơn 200 người bị hại trong vụ án không lấy lại được tài sản.
Sai phạm về thẩm quyền
Công ty SGCC nằm ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh, có trụ sở đàng hoàng tại 244 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2. Vụ việc xảy ra ở văn phòng công ty này, nhưng Công an Đồng Nai điều tra, khởi tố là trái điều luật quy định Khoản 4 Điều 110 Bộ luật TTHS và Khoản 2 Điều 171 Bộ luật TTHS năm 2003.
Không mời đại diện pháp nhân tham gia tố tụng?
Kết luận điều tra, Cáo trạng đều ghi rõ hơn 200 người bị hại kí hợp đồng góp vốn với Công ty SGCC; và tiền chuyển về cho pháp nhân là Công ty SGCC, có 4 thành viên sáng lập: Nguyễn Văn Tình góp 50% vốn; Nguyễn Thị Chí Sương 8%; Đặng Đức Trung 30% và Hoàng Quốc Võ 12%.
Theo Luật Doanh nghiệp, những người bị khởi tố, bắt giam thì không được quyền đại diện pháp nhân, một trong những người còn lại của Công ty SGCC sẽ là người đại diện pháp nhân. Do đó, khi xét xử phải có ý kiến của pháp nhân về một số nội dung: Có đúng Công ty SGCC đã đền bù và có tài sản là QSDĐ 10,2ha? Số tiền đã nhận của những người góp vốn là bao nhiêu? Tiền của 2 công ty môi giới Hằng Linh và Nam Tiến là bao nhiêu? Các phương án khắc phục hậu quả ra sao? Cá nhân ông Tình, bà Sương hiện lấy của Công ty SGCC bao nhiêu tiền v,v … Thế nhưng, Luật sư Trần Việt Cường 2 lần có đơn đề nghị Tòa đưa pháp nhân Công ty SGCC vào tham gia xét xử sơ thẩm, nhưng không được chấp thuận!
Không làm rõ trách nhiệm cá nhân của ông Tình, bà Sương?
Từ khi thành lập Công ty SGCC đến nay, ông Tình đều khai là Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, chịu trách nhiệm chính trước pháp luật. Vốn của ông Tình là 50%, bà Sương chỉ là 8%. Bà Sương không giữ cương vị gì trong Công ty SGCC.
Nhưng khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can, cơ quan điều tra đã đánh đồng trách nhiệm, không xem xét tình tiết là 2 vợ chồng, không phải là 2 người cùng góp vốn. Đây là dấu hiệu không khách quan, cố ý đưa cả 2 vợ chồng vào tù, để chuyển hết tang vật cho ông Tài.
Nhiều dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự
Một, không chứng minh được ông Tình, bà Sương phạm tội. Để kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, phải hội đủ các yếu tố cấu thành: Có ý đồ chiếm đoạt tài sản từ trước lúc kí Hợp đồng góp vốn; có hành vi gian dối, trốn tránh không trả nợ và không còn khả năng trả nợ, v.v …. Nhưng cả 3 yếu tố này, trong bản cáo trạng đã không chứng minh được vợ chồng ông Tình, bà Sương phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mặt khác, hợp đồng góp vốn là quan hệ dân sự được pháp luật bảo vệ, không có một điều khoản nào của luật ngăn cấm. Cáo trạng viện dẫn Nghị định số 153/2007/NĐ-CP này 15/10/2007, cho rằng Hợp đồng góp vốn thức chất là bán nền. Nhưng Nghị định này quy định chủ đầu được thu tiền ứng trước theo tiến độ, không cấm góp vốn.
Hai, không có hành vi gian dối. Hành vi gian dối theo cáo trạng quy kết là: “…Việc Công ty SGCC rao bán nền trong khi dự án chưa triển khai, đang trong giai đoạn phê duyệt chi tiết quy hoạch 1/500 mà Công ty đã huy động vốn bằng cách rao bán nền đất trong diện tích 20ha (đã bồi thường) là không đúng theo quy định tại Nghi định số 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ. Do đó đề nghị Công ty SGCC ngưng ngay các thỏa thuận góp vốn đầu tư dự án khu dân cư Tam Phước cho đến khi được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư và đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở…”
Tuy nhiên, quảng cáo cho “dự án có thật khu dân cư Tam Phước” không thể kết luận là sai. Hợp tác với Công ty Quốc tế E.Vo Gobbal, có những con người vào Việt Nam thật nhưng họ lừa Công ty SGCC, nên quy gian dối là không khách quan.
Ngoài ra, cho rằng không thực hiện chỉ đạo của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường: Không cho rao bán nền, huy động vốn,… nhưng vẫn làm. Đây là quy chụp để buộc tội, vì trong hồ sơ vụ án có tài liệu nào chứng minh được nội dung Công ty SGCC rao bán? Các ban, ngành cấm Công ty SGCC không cho hợp đồng góp vốn khi dự án đã được phê duyệt 1/500, thì đây là hành vi ngăn cấm trái luật. Luật không cấm, làm sao Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng các ban, ngành ngăn cấm?
Ngoài ra, cho rằng ông Tình, bà Sương gian dối, vì: 10,2ha đất đã thế chấp ngân hàng từ 2006, nhưng đến 2007 còn thế chấp cho ông Tài. Tuy nhiên, thực tế có 5 hồ sơ được thế chấp tại AgriBank từ 2006 đến nay (2019), nhưng chưa lần nào giải chấp. Vậy thì làm sao mà thế chấp cho ông Tài được? Chỉ có ông Tài dựa vào các cơ quan có thế lực ép ông Tình, bà Sương thế chấp bằng viết giấy tay thế chấp.
Điều kì lạ ở đây là các thế chấp bảo đảm có công chứng và chứng thực tại xã thì cáo trạng bác bỏ, còn thế chấp cho ông Tài bằng giấy tay thì cáo trạng khẳng định đúng (?!) Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Tình và bà Nguyễn Thị Chí Sương đang thực hiện dự án thì bị khởi tố bắt giam, khiến dự án ngưng trệ, chứ hoàn toàn họ không bỏ trốn và trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Vậy, hành vi gian dối ở đây là không có.
Ba, Có khả năng trả hết nợ tiền góp vốn. Sự thật là: Tài sản trên đất theo thẩm định giá của Sở Xây dựng là: 11 tỷ đồng (số tròn); giá trị quyền sử dụng đất: 248.212.000.000 đồng. Theo Thẩm định số 9318.817/CT-BTCVLAUE, tháng 11/2018, tổng cộng: 248 tỷ đồng+ 11 tỷ đồng = 259 tỷ đồng. Như vậy tài sản của Công ty SGCC dư khả năng trả nợ. Do đó, kết luận các yếu tố cấu thành tội lừa đảo đối với ông Tình và bà Sương đều không thỏa mãn.
Quan điểm của luật sư về vụ án trên
Luật sư Trần Việt Cường, bào chữa cho ông Nguyễn Văn Tình và bà Nguyễn Thị Chí Sương, khẳng định đây là vụ án kì lạ! Bởi từ khi khởi tố đến lúc xét xử ngày 15/8/2019 (9 năm 4 tháng); xảy ra ở quận 2 TP Hồ Chí Minh nhưng lại được “khai sinh”, thụ lí ở tỉnh Đồng Nai; lúc khởi tố cơ quan tố tụng nói có 2 tội danh: “Lạm dụng” và “lừa đảo”; tang vật - tài sản để khắc phục cho hai tội danh này là 10,2 ha đất trị giá 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đã rất “nghệ thuật, khéo léo”, cắt án thành 2, rồi xét xử tội lạm dụng trước để dồn hết tang vật về tay người tố cáo là ông Lê Đình Tài được mua QSD 9ha đất tang vật chỉ có 9 tỉ đồng/300 tỉ đồng. Còn tội lừa đảo đang xét xử có hậu quả là hơn 200 người bị hại đã trắng tay. Vụ án mà người tố cáo là ông Lê Đình Tài nói gì cơ quan tố tụng cũng gật đầu đồng ý người bị tố cáo có ý kiến gì cũng bị lắc đầu. Kết quả bị hại vào tù, dự án của bị hại chính quyền cấp cho người tố cáo, đồng thời người tố cáo được mua 9ha đất tang vật chỉ có 9 tỉ đồng/300 tỉ đồng. Vụ án chỉ tập trung vào yếu tố buộc tội là chính nhằm đưa cả hai vợ chồng bị hại vào tù; gạt bỏ toàn bộ chứng cứ gỡ tội. Tại phiên tòa ngày 15/8/2019, bị cáo Tình đã phải giơ cả 2 tay lên trời mà than rằng: “Cáo trạng Không thể lập luận kiểu “chợ trời”. Pháp luật không cho phép lập luận: “đầu tư góp vốn nhưng thực chất là mua bán nền”. Rõ ràng vụ án trên đây có nhiều kì lạ! Hiện nay tại tòa đã có nhiều người rút đơn đề nghị khởi tố, yêu cầu Tòa án đình chỉ vụ án hình sự, để chuyển vụ án sang giải quyết về dân sự.”