Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu: Viện KSND huyện Côn Đảo có vi phạm các quy định của pháp luật?
Pháp luật - Bạn đọc 29/05/2020 07:45
Khoảng 20h ngày 24/4/2019, do mâu thuẫn trong việc tranh giành khách, anh Nguyễn Xuân Kỳ, chủ quán Gia Long và chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm, chủ quán ăn Bình Nguyên xảy ra cãi nhau. Sau đó một nhóm người của quán Bình Nguyên đã có hành vi đập phá tài sản của quán Gia Long.
Người dân tố cán bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Côn Đảo cố tình làm sai các quy định của pháp luật khiến nhiều người vô tội không liên quan vẫn bị bắt đi tù |
Vụ việc xảy ra đã được Viện KSND huyện Côn Đảo đề nghị khởi tố. Thế nhưng quá trình điều tra kéo dài và luật sư đại diện các bị cáo cho biết, việc Viện KSND huyện Côn Đảo vi phạm nghiêm trọng các quy định về tố tụng. Giam giữ người kéo dài, không đúng người, đúng tội.
Gửi đơn cầu cứu tới báo chí, bà Đào Thị Thúy, trú tại Khu dân cư số 3, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Vụ án bị một số cán bộ công an, cán bộ Viện KSND huyện Côn Đảo có dấu hiệu dàn dựng nhân chứng giả, làm sai lệch hồ sơ vụ án để kết tội oan sai cho các bị cáo. Qúa trình giải quyết vụ án, cán bộ tại huyện Côn Đảo còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp. Bà Thúy không vi phạm nhưng bị giam giữ 3 tháng 8 ngày là rất vô lý.
Theo bà Thúy, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Côn Đảo đề nghị Viện KSND huyện Côn Đảo truy tố bà cùng 5 người nữa về tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Khoản 2, Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015 là không đúng người, đúng tội.
Minh chứng cho việc này, bà Đào Thị Thúy khẳng định, bà không hề tham gia đập phá hay làm bất cứ hành vi gì xúi giục Trần Hữu Nhân, Lê Thành Nhân và Nguyễn Hạo Đông đập phá tài sản của quán Gia Long như bản Kết luận điều tra khẳng định. Trong các video quay lại sự việc đều chứng minh bà vô tội nhưng lại bị giam giữ nhiều ngày trái quy định.
Bà Thúy bức xúc cho biết bà không hề vi phạm pháp luật nhưng bị bắt giam tới 3 tháng 8 ngày mới thả |
Ngược lại, chính bà Thúy lại là người đã ngăn cản không cho Nguyễn Hạo Đông ném chiếc ghế màu đỏ vào quán Gia Long và la rầy: “Đứa nào làm hư hỏng đồ người ta thì đến cuối tháng trích lương ra mà bồi thường”. Toàn bộ hành vi đập phá của Trần Hữu Nhân, Lê Thành Nhân và Nguyễn Hạo Đông là hoàn toàn xuất phát từ phía cá nhân của những người trên.
Ngoài ra, bà Thúy còn cho biết, người làm chứng cho câu nói: “Tụi bay đập đi, rồi tao bồi thường một lần luôn” là bà Nguyễn Thị Xa, mẹ của Lê Thành Nhân. Việc bà Xa khẳng định nghe thấy bà Thúy nói câu nói trên hoàn toàn bịa đặt, vô căn cứ, vì lúc diễn ra sự việc, bà Xa không hề có mặt ở đó mà đang rửa bát dưới nhà.
“Nếu tôi là người xúi giục các cháu đập phá tài sản của quán Gia Long thì ngay từ đầu đã không kéo Nguyễn Hạo Đông lại. chị Xa khai, nghe thấy tôi xúi giục các cháu. Vậy đặt giả thiết, chị Xa có mặt ở đó thật thì liệu rằng chị ấy có để cho con mình nghe theo lời tôi không?...”, bà Đào Thị Thúy chia sẻ.
Ngoài việc cho rằng mình bị oan sai, bà Đào Thị Thúy còn phản ánh về quá trình điều tra, Công an huyện Côn Đảo vi phạm tố tụng hình sự như: không thông báo về việc bắt, giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo Điều 116; vi phạm Khoản 2, Điều 131; Khoản 4, Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
“Quá trình điều tra, Công an huyện Côn Đảo đã bắt tạm giam tôi và 5 người nữa nhưng không hề thông báo cho gia đình chúng tôi được biết. Họ chỉ cho người đến mời lên Công an huyện để làm việc rồi sau đó bắt luôn...”, đơn bà Thúy trình bày.
Đồng thời, bà Thúy cũng tố Kiểm sát viên Bùi Hữu Sỹ, Viện KSND huyện Côn Đảo, đã gặp gỡ nhân chứng là bà Nguyễn Thị Xa cùng người phụ nữ tên Tiên (vợ sắp cưới của Nguyễn Phát Lợi) tại quán cà phê để thuyết phục Tiên vào trong trại tạm giam gặp Lợi, động viên khai là bà Thúy hay ai đó xúi giục thì sẽ được tại ngoại và giảm nhẹ hình phạt.
Bà Nguyễn Thị Hợp bức xúc cho biết, việc con trai bà là Nguyễn Trọng Bình khi đó mới đi mua trà sữa cho cháu nhỏ chưa có bất kỳ hành động gì vi phạm pháp luật nhưng đã bị giam giữ hơn 10 tháng nay là không đúng quy định pháp luật. |
Trước đó trả lời các cơ quan báo chí, điều tra viên Phùng Văn Chinh, Phó Đội trưởng Đội điều tra Công an huyện Côn Đảo cho biết, vụ án này đã được khởi tố điều tra. Liên quan đến vấn đề bắt tạm giam thì các quyết định của CQĐT đã được Viện KSND phê chuẩn. Việc thắc mắc lý do tại sao không gửi các thông báo cho gia đình người bị bắt, ông Chinh cho biết, tất cả các quyết định thông báo bắt bị can tạm giam, CQĐT đã gửi theo quy định.
Ngày 6/5/2020, ông Trần Thanh Tâm, Viện trưởng VKSND huyện Côn Đảo chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí và xác nhận có sự việc gặp gỡ của Kiểm sát viên Bùi Hữu Sỹ và cho rằng, hành vi này là sai với quy định của ngành Kiểm sát và ông Tâm cũng cho biết Viện KSND huyện Côn Đảo đang xem xét hình thức kỷ luật.
Đối với phản ánh việc một số người liên quan đến việc điều tra của vụ án bị đánh, ông Tâm cũng xác nhận là có điều đó và việc đó là do công an đi lính nghĩa vụ đánh.
Ngày 11/3/2020, TAND huyện Côn Đảo đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên ông Nguyễn Đăng Khoa, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa, Chánh án TAND huyện Côn Đảo đã trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung. Trao đổi với phóng viên về vụ án, ông Khoa cho biết, vụ án có dấu hiệu oan sai.
Tính đến thời điểm hiện nay vụ án đã kéo dài 10 tháng 15 ngày và các bị can cũng đã bị tạm giam 10 tháng 15 ngày. Luật sư bảo vệ cho các bị cáo ông Nguyễn Đức Nam, Giám đốc Công ty luật Phú Định, thuộc Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai rõ rệt, kiểm sát viên vi phạm các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, có nhiều dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án khiến bản chất vụ án bị thay đổi và những người bị tạm giam nhiều người bị oan sai. Theo luật sư, việc tạm giam của các bị can đã quá thời hạn tạm giam theo quy định số 173 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!