Tiếp vụ một thẩm phán TAND huyện Phú Quốc bị tố cáo: Người bị tố cáo xúc phạm danh dự người tố cáo?
Pháp luật - Bạn đọc 06/12/2019 14:39
Đơn tố cáo thẩm phán Bình của ông Nguyễn Văn Thương.
Ông Thương chỉ ra hai điểm khác nhau của tờ giấy thư ký đưa và bản án ông Bình ký phát hành để tố cáo bổ sung.
Do có thành tích trong đấu tranh chống tiêu cực, ông Nguyễn Văn Thương từng được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang tuyên dương năm 2004
Ngày 4/12, ông Nguyễn Văn Thương, 52 tuổi, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc tiếp tục gửi đơn đến Huyện ủy và TAND huyện Phú Quốc để tố cáo ông Hồ Văn Bình, Thẩm phán TAND huyện Phú Quốc.
Thẩm phán Bình là chủ tọa phiên tòa ngày 19/11/201 xét, xử vụ "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hủy chỉnh lý biến động Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất". Ông Thương là đại diện nguyên đơn trong vụ án này, bị đơn là bà Nguyễn Phương Thảo, 42 tuổi, ngụ ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ.
Xử một đằng, tuyên một nẻo?
Theo ông Thương, lý do tiếp tục tố cáo ông Bình vì bị một số cơ quan báo chí chất vấn những sự việc cách đây 20 năm. Ông Bình đã cung cấp thông tin cho báo chí vào cuối tháng 11/2019, mà ông Thương cho là có dấu hiệu vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín ông.
Cụ thể, ngày 25/11/2019, ông Thương làm đơn gửi Chánh án TAND huyện Phú Quốc và TAND tỉnh Kiên Giang để tố cáo Thẩm phán Bình. Vụ việc liên quan đến chuyện vợ chồng ông Phù Quang Hy (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hai (78 tuổi, ở ấp 4, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc) bán 22.000 m2 đất (sổ đỏ là 23.337,8 m2) cho bà Thảo với giá trên 2,7 tỷ đồng. Bà Thảo trả trước 1,4 tỷ đồng, phần còn lại trả hết cho bên bán khi được sang tên trên sổ đỏ. Tuy nhiên, bà Thảo được cho là bội tín, vì sổ đỏ đã được chỉnh lý sang tên nhưng không chịu trả hết tiền nên vợ chồng ông Hy yêu cầu tòa án hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng đất ký tại văn phòng công chứng (ngày 12/5/2011) và quyết định chỉnh lý biến động đất sau đó hai tuần.
Tháng 3/2017, TAND huyện Phú Quốc đưa vụ án ra xét xử, chấp nhận đơn kiện của vợ chồng ông Hy. Nửa năm sau đó, TAND tỉnh Kiên Giang hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Phú Quốc xét xử lại.
Ngày 20/12/2018, ông Bình đưa vụ án ra xét xử, nhưng không tuyên án được vì không thống nhất quan điểm với hai Hội thẩm Nhân dân. Năm ngày sau, ông Thương nhận được quyết định về việc tạm dừng phiên tòa nhưng không ghi hoãn đến ngày nào. Vụ án kéo dài thêm 11 tháng với nhiều lần định giá đất giao động từ 24,2 đến gần 40 tỷ đồng.
Tại phiên tòa ngày 19/11/2019, ông Bình tiếp tục làm chủ tọa nhưng Hai hội thẩm Nhân dân ban đầu đã được thay thế. Lần này, ông Bình tuyên bác toàn bộ đơn khởi kiện của vợ chồng ông Hy, buộc nguyên đơn di dời nhà để giao đất cho bà Thảo.
Theo ông Thương, thẩm phán Bình có dấu hiệu xét xử không khách quan, không xem xét hết các chứng cứ, lời khai của người làm chứng là có dấu hiệu bất thường.
"Ông Bình có dấu hiệu vi phạm tố tụng đặc biệt nghiêm trọng, xét xử không khách quan, không xem xét toàn diện nội dung vụ án, xử ép nguyên đơn", ông Thương nói.
Trong đơn tố cáo bổ sung gửi TAND tỉnh Kiên Giang, ông Thương cho rằng, khi xin trích lục nội dung bản án để kháng cáo thì thư ký đưa nội dung khác với nội dung bản án được ông Bình ký phát hành. Thấy có sự khuất tất, ông Thương yêu cầu thư ký ghi tên và ký vào tờ giấy đưa cho nguyên đơn để lưu làm chứng cứ.
Nhắc lại tiền án của người tố cáo
Trao đổi với phóng viên, Thẩm phán Bình cho biết, nội dung thư ký đưa cho ông Thương là "bản nháp" chứ không phải trích lục bản án. Thẩm phán này cũng cho rằng, bị ông Thương vu khống nên sẽ yêu cầu công an xử lý người đại diện nguyên đơn.
“Việc xét xử năm 2018 không tuyên án được là do hai Hội thẩm Nhân dân bắt tôi xử nguyên đơn thắng mà không đưa ra điều luật thì làm sao tôi tuyên án được. Vụ này đất nhiều tiền quá, ông ấy không thắng nên tức, quậy lên”, Thẩm phán Bình nói.
Ông Bình cho biết thêm: “Hồi tôi làm tòa án năm 1986, khi Công ty xuất nhập khẩu ở đây, nó (ông Thương-PV) từng ăn trộm, tôi làm thư ký tòa. Sau đó, nó tiếp tục bị xử hành vi "cố ý gây thương tích". Tôi lạ mặt gì nó. Trong vụ án này lúc bán đất có hai tỷ mấy, giao tỷ mấy, còn lại tỷ mấy. Bây giờ đất nhiều tiền quá nên nó muốn quậy. Nó đại diện ủy quyền thôi, nếu nó thắng thì xử nó thắng, còn chuyện nó hợp đổng ủy quyền với người ta thế nào thì kệ cha nó. Còn cái này đất nhiều tiền quá, nó ăn không được nên tức, quậy lên”.
Ông Bình còn nói: “Nó không có quyền hạn gì để tố cáo hết, quyền là của ông Hy, bà Hai. Để tỉnh giải quyết xong rồi tôi sẽ quật ngược lại, yêu cầu khởi tố vụ án đối với hành vi vu khống của nó. Nó vu khống một thẩm phán, cho tôi là tham nhũng, nhưng tham nhũng gì phải làm rõ”.
Bác lời thẩm phán Bình, ông Thương nói 20 năm trước ông từng bị truy tố vì đánh nhau với xe ôm. Tuy nhiên, đó là lần ông phòng vệ chính đáng và được xóa án tích trước thời hạn, vì “có thành tích đặc biệt”. Việc Thẩm phán Bình nói ông Thương từng trộm cắp, ông Thương khẳng định, không có việc này nên thẩm phán Bình có dấu hiệu vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của ông Thương.
Ông Nguyễn Văn Thương từng là người lái xe ôm chống tiêu cực từng được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang tuyên dương năm 2004. Từ tố cáo của ông, vụ tiêu cực đất đai liên quan đến cựu Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc và các đồng phạm bị vạch trần 15 năm trước. Cụ thể, tháng 8/2005, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên ông Đỗ Tố 11 năm tù, Lê Minh Dũng 10 năm tù vì tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ". Liên quan vụ án, các bị cáo còn lại mỗi người lĩnh từ 2 đến 6 năm tù. Theo hồ sơ tố tụng, khi huyên đảo Phú Quốc được Chính phủ cho chủ trương xây dựng thành khu du lịch sinh thái chất lượng cao, nhiều tổ chức, cá nhân trong nước tìm đến mua đất đã đẩy giá đất tại đây tăng đột biến. Lợi dụng tình hình này, ông Tố và ông Dũng đã cấu kết cùng cán bộ dưới quyền làm thủ tục hợp thức hóa nhiều khu vực đất của Nhà nước rồi cấp cho nhau. Khi vụ việc được phanh phui, hàng chục thửa đất liên quan đến sai phạm đã được thu hồi. |
.