Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế: Lưới điện cao áp 22kv “kêu cứu”!
Pháp luật - Bạn đọc 16/11/2019 15:02
Người dân bất an!
Tỉnh lộ 12B (TL12B) là đường kết nối các tuyến phía Tây Tp Huế, đồng thời đi qua các điểm di tích, du lịch quan trọng như Văn Miếu, chùa Thiên Mụ… Từ khi nâng cấp mở rộng vào năm 2009 đến nay người dân rất phấn khởi. Thế nhưng cũng không ít lo lắng do nhiều doanh nghiệp tại Tổ dân phố 7, phường Hương Hồ đã chiếm dụng phần hàng lang an toàn giao thông, an toàn lưới điện làm bãi tập kết nguyên vật liệu.
Những bãi tập kết gỗ lớn nằm sát đường Tỉnh lộ 12B, dưới hành lang an toàn lưới điện 22kv khiến người dân hoang mang. |
Anh T. thường xuyên qua khu vực này cho hay: “TL12B giao với đường tránh TP Huế (Quốc lộ 1A) nên xe chở hàng hóa, khách du lịch qua lại rất đông. Các doanh nhiệp như Công ty Hòa Nga; Công ty Dũng Thịnh lại xếp gỗ ngay sát đường, ai cũng sợ gỗ đổ sập đè lên người khi đi qua đây. Hơn nữa hoạt động bốc dỡ gỗ và các công trình xây dựng dưới lưới điện 22kV rất nguy hiểm. Tình trạng này diễn ra thường xuyên nhưng không thấy đơn vị nào nhắc nhở, xử lý?”
Thực tế cho thấy, hành lang an toàn giao thông, an toàn lưới điện 22kV bên ngoài tường rào các doanh nghiệp này nhiều đống gỗ được xếp cao, có nơi đè lên cả mặt đường tỉnh lộ kéo dài hàng trăm mét; có thể bất ngờ lăn trượt ra mặt đường gây nguy hiểm giao thông. Hoạt động của xe máy cẩu bốc xếp gỗ sát đường dây điện cao áp có dấu hiệu vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện rất nguy hiểm, gây cản trở các hoạt động bảo trì, vận hành lưới điện.
Không chỉ thế, Công ty Hòa Nga còn xây nhà để xe nằm dưới đường dây làm bằng chất liệu dễ cháy, trái với quy định về an toàn lưới điện. Những điều này cho thấy lo lắng mất an toàn giao thông, lưới điện của người dân là có căn cứ.
Nhà xe, bãi tập kết gỗ… của doanh nghiệp bao vây công trình điện 22kV. Trước tình trạng này người dân băn khoăn, Đơn vị quản lý sẽ tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật bộ phận công trình lưới điện này như thế nào? |
Sáng 15/10, PV trao đổi với ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đơn vị quản lý để kiểm tra, xử lý theo quy định. Ông Phúc cho biết: “Hành lang An toàn bảo vệ lưới điện cao áp tính từ đáy móng trụ đến đỉnh cột cộng thêm 2m với cấp điện áp 22kV. Trường hợp này đã vi phạm, tôi sẽ cử anh em đi kiểm tra ngay”. Rất nhanh chóng, chiều cùng ngày ông Phúc đã cung cấp báo cáo của Điện lực Hương Trà vừa đi kiểm tra theo chỉ đạo, Văn bản này nêu: Hiện nay Công ty Hòa Nga đang tập kết gỗ thành phẩm ở gần Trạm biến áp và dưới tuyến đường dây 22kV XT 482 Huế 2.., cùng với đó đưa ra một số lưu ý với Công ty.
Đến ngày 18/10, Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục cung cấp Văn bản thứ 2 dài hơn, trong đó khẳng định: Đối với nhà để xe của Doanh nghiệp Hòa Nga lấn ra phía đường không thuộc quản lý của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế ; Về tồn tại công trình nhà ở này đảm bảo điều kiện an toàn theo Khoản 3. Điều 13 của NĐ 14/NĐ-CP ; Ở phía cổng phụ có cột điện nằm phía trong gần bờ rào của doanh nghiệp, vấn đề này đã có từ rất lâu. Đồng thời, Điện lực Thừa Thiên Huế kết luận: “Trạm biến áp cấp điện cho doanh nghiệp Hòa Nga đảm bảo an toàn theo quy định về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp - Đường dây 22kV cấp điện cho doanh nghiệp Hòa Nga và khu vực Hương Hồ đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp”.
Hàng hóa chất đầy dưới hành lang an toàn lưới điện 22kv |
Tuy nhiên, các kết luận này chưa được người dân đồng tình, bởi theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật điện lực thì: Hành lang bảo vệ an toàn của đường dây dẫn điện trên không có chiều dài hành lang được tính từ vị trí đường dây ra khỏi ranh giới bảo vệ của trạm này đến vị trí đường dây đi vào ranh giới bảo vệ của trạm kế tiếp. Chiều rộng hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh; với điện áp 22kV có khoảng cách là 1m đối với dây bọc và khoảng cách 2m với dây trần. Như vậy, với câu trả lời “Nhà để xe của doanh nghiệp Hòa Nga không thuộc quản lý của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế” có chính xác?
Cũng tại Nghị định 14/NĐ-CP nêu, nhà ở, công trình xây dựng được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 22kV nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy; Không gây cản trở đường ra - vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp. Với hình ảnh phần mái nhà xe làm bằng vật liệu dễ cháy thì kết luận: “Tồn tại công trình nhà ở này đảm bảo điều kiện an toàn theo Khoản 3. Điều 13 của NĐ 14/NĐ-CP” của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế có thật sự khách quan?
Gỗ tập kết bên lề đường, dưới đường điện rất nguy hiểm. |
Ông Lê Văn N, 65 tuổi chia sẻ: “Mấy hôm nay, tôi thấy xe cẩu rất lớn thường xuyên đến bốc gỗ đi nơi khác, nhiều lúc cần cẩu tiến sát dây điện luôn, nếu lỡ va vào thì nguy hiểm lắm. Thấy gỗ lăn ầm ầm nên ai đi ngang cũng sợ hãi. Mà tôi cũng không rõ, nếu để cả đống gỗ lớn dưới đường dây điện như vậy thì kiểm tra, bảo trì, thay thế bộ phận lưới điện thế nào được?”
Tiếp thu, xử lý
Ngày 24/10, sau nhiều lần phóng viên Báo điện tử Ngày mới trao đổi về những dấu hiệu vi phạm tại công trình lưới điện cao áp thì đơn vị quản lý đã tiếp thu, kiểm tra lại và đưa ra hướng giải quyết mới. Tại văn bản thứ 3, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết: Công ty đã tổ chức kiểm tra đánh giá, đồng thời mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tham gia Đoàn kiểm tra, trực tiếp làm việc với doanh nghiệp.
Xe cẩu hoạt động dưới hành lang an toàn lưới điện rất nguy hiểm. |
Theo Kết quả kiểm tra, nhà xe của Công ty Hòa Nga dưới đường dây 22kV, nằm trong hành lang an toàn lưới điện. Mái nhà xe làm bằng bạt-Polyme (vật liệu dễ cháy), Đoàn yêu cầu doanh nghiệp phải thay thế mái nhà xe bằng tấm lợp chống cháy. Trạm biến áp Hòa Nga nằm cách tường rào của doanh nghiệp 1m, qua phản ánh, công ty này tập kết hàng hóa dưới chân trạm, gây cản trở đường ra vào kiểm tra. Đoàn đã yêu cầu không được tập kết hàng hóa cồng kềnh, cản trở lối đi vào kiểm tra bảo dưỡng trạm. Vấn đề xe cẩu của các doanh nghiệp bốc, dỡ hàng hóa, hoạt động gần đường dây 22kV gây mất an toàn cho lưới điện, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chấn chỉnh, nếu phát hiện các hành vi tương tự ngành điện sẽ lập biên bản và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo quy định.
Vậy là, văn bản lần này đã ghi nhận lo lắng của người dân, khác với kết luận ngày 18/10 cũng như văn bản “hời hợt” được Điện lực Hương Trà báo cáo lên Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế ngày 15/10.