Thanh Hóa: Cần có giải pháp tích cực giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn
Phóng sự 24/09/2021 09:11
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá hải sản giảm hơn một nửa so với trước khiến ngư dân bỏ tàu, bỏ biển. Người dân đang rất cần hỗ trợ kết nối tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Sáng 23/9, tại cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ngư dân Dương Văn Điệp, ở phường Quảng Tiến cho biết: Sau hơn một tháng lênh đênh trên biển đánh bắt hải sản ở ngư trường miền Trung, tàu cá của anh vừa cập cảng bán nốt số cá còn lại. Tuy nhiên, ngồi bên mạn thuyền, anh tỏ vẻ không hài lòng vì giá hải sản xuống thấp quá, không đủ tiền dầu cho chuyến đi.
Với nét mặt mệt mỏi, anh Điệp chia sẻ: “Chuyến đi biển này cả đội tàu đánh bắt hơn 8 tấn cá nục, bạc má, cá thu…. Mỗi tấn cá, thương lái thu mua tại khơi khoảng 10 triệu đồng, nếu chuyển vào bờ thì giá nhỉnh hơn 2 triệu đồng. Với giá này, tôi không đủ tiền để mua dầu, ngư cụ cần thiết chứ chưa nói đến tiền 7 nhân công trên thuyền. Bên cạnh đó, mỗi tháng tôi cần để ra một khoản để chi tiêu cuộc sống gia đình, con cái, trả nợ lãi ngân hàng”.
|
Theo anh Điệp, chi phí xăng dầu, thực phẩm cho mỗi chuyến ra khơi (30 - 40 ngày) khoảng 100 triệu đồng, chưa kể tiền lương cho 7 nhân công. Thế nhưng, giá hải sản giảm hơn một nửa so với trước đây cũng đồng nghĩa với thu nhập giảm 80%.
Thời điểm này chủ tàu muốn ra khơi cũng khó vì thuyền viên không còn mặn mà với nghề biển. Dịch covid kéo dài khiến thu nhập giảm nên nhiều người trẻ tìm vào khu công nghiệp làm công ăn lương, ổn định hơn.
Dịch Covid nên du khách không đến, nhà hàng, khách sạn đóng cửa triền miên khiến sức mua hải sản giảm 80% so với trước. Hàng hóa ế ẩm, dồn ứ, cơ sở chế biến quá tải, xe đông lạnh không chở hải sản vào phía Nam nên rớt giá thê thảm, doanh nghiệp thu mua cầm chừng.
Ngư dân Phạm Ngọc Tâm, 40 tuổi, ở phường Quảng Tiến, số tàu TH 91434 TS đang chuẩn bị nhu yếu phẩm, nhiên liệu cho chuyến ra khơi tới nhưng trong lòng đầy ắp nỗi lo. Vì mưu sinh nên ngư dân bám biển ra khơi nhưng giờ covid khó khăn đang thách thức lòng kiên nhẫn, trí tuệ của họ.
Không phải người dân không đủ sức để chuyển nghề, mà họ muốn mưu sinh bằng nghề tổ để lại trên vùng biển tổ quốc.
Vị thuyền trưởng cho hay, trước thời điểm dịch covid xảy ra mỗi chuyến đi đánh bắt hơn 15 tấn cá thu, hải sản các loại thu về hơn 50 triệu đồng, có chuyến thu gần trăm triệu đồng . Tuy nhiên, hiện giá cá giảm hơn một nửa nên mỗi chuyến chỉ thu về dăm ba triệu, đỡ tiền thức ăn chứ không bù lại chi phí xăng dầu.
Tàu cá của anh trước đây có 10 thuyền viên đi làm ăn chia với nhau nhưng nay chỉ còn 5 người nên khai thác gặp khó khăn. Hiện nay giá hải sản xuống thấp, giá xăng dầu, nhiều chi phí khác tăng nên chuyến biển vừa rồi bị lỗ.
Nhiều chủ tàu tại Thanh Hóa không muốn ra khơi nhưng để giữ chân thuyền viên nên phải nhổ neo đi đánh bắt.
Theo ngư dân Ngô Văn Kiên, 40 tuổi, phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn, người đi biển giờ không chỉ lo hải sản rớt giá thê thảm mà còn canh cánh nỗi lo giá thực phẩm leo thang khiến chi phí ra khơi tiếp tục tăng.
Khó khăn như thế nhưng các ngư dân vẫn quyết tâm ra khơi, bám biển để kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, covid kéo dài khiến nhiều chủ tàu lao đao, ra khơi thì lỗ vốn nặng mà không đi thì tàu nằm bến tốn kém chi phí bảo quản. Do vậy, nhiều chủ phải rao bán vì không đủ khả năng lo chi phí ra khơi để trả lãi ngân hàng.
Thời điểm này, các tàu cố gắng duy trì đánh bắt để thương lái lấy hàng bán chợ đầu mối địa phương quanh vùng. Hệ thống kho đông lạnh trong thành phố còn ít và thuộc loại nhỏ nên họ cũng chỉ thu mua trữ lượng vừa phải.
Anh Kiên cùng mọi người ở đây rất mong Chính quyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách hỗ trợ kịp thời với ngư dân. Chính quyền có thể đồng hành cùng ngư dân trong đại dịch bằng cách kết nối họ với doanh nghiệp đầu mối thu mua, từ đó dần tạo nên dây chuyền sản xuất thu mua bền vững, khép kín. Chính quyền đứng ra kết nối ngư dân sẽ ít bị ép giá và có nguồn thu mua hàng ổn định để yên tâm ra khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền.
|
“Hồi tháng 8, tôi đọc báo thấy thông tin 10 phương tiện bị tồn ứ hải sản tại cảng cá La Gi sau khi đánh bắt trở về được Đồn Biên phòng Phước Lộc, Bộ đội Biên phòng Bình Thuận và các lực lượng hỗ trợ bốc dỡ, di chuyển đi tiêu thụ gần 30 tấn hải sản. Đây cũng là ý kiến hay để Thanh Hóa nghiên cứu áp dụng giúp ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển” – vị thuyền trưởng cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Lạch Hới, TP Sầm Sơn: Do dịch covid nên giá hải sản giảm mạnh khiến nhiều ngư dân rơ vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong cuộc họp giao ban vừa qua, đơn vị đã nêu những khó khăn của ngư dân với lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp kịp thời hỗ trợ. Đơn vị cũng lên kế hoạch lập chốt đo thân nhiệt thành viên tàu đi và về địa bàn.
|
Tàu cá trước khi ra khơi phải làm thủ tục xuất bến, chủ tàu, thuyền viên phải đăng ký danh sách, đảm bảo điều kiện phòng chống Covid-19, có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, cam kết thực hiện đánh dấu tàu cá theo quy định.
Ban quản lý cảng cá luôn nhắc nhở , hướng dẫn ngư dân đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi thu mua hải sản.
Bà Hoàng Thi Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho hay: Vừa qua, Sở đã sơ kết 9 tháng để báo cáo UBND tỉnh về tình trạng khó khăn của ngư dân trong thời điểm covid. Từ đó, sở tổng hợp ý kiến để kiến nghị với tỉnh có biện pháp hỗ trợ kịp thời đến ngư dân cũng như tìm đầu ra cho hải sản.