Thái Bình: Cần cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Văn Đới
Pháp luật - Bạn đọc 18/10/2019 08:17
Chuyện quýt làm cam chịu
Báo điện tử Ngày mới, Người cao tuổi đã phản ánh vụ ông Nguyễn Văn Tế nhiều năm đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Đới, tại số 39(1983) ngày 9/3/2017, với tiêu đề: “Oan khuất của liệt sĩ Nguyễn Văn Đới bao giờ được giải quyết”. Gần đây, ông Nguyễn Văn Tế, 79 tuổi quê ở thôn An Lệnh, xã Thụy Liên, tỉnh Thái Bình lại trở lại tòa soạn báo. Ông kể về hành trình 14 năm đi đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Đới, mà vẫn chưa được giải quyết. Ông Tế nói: “Bây giờ tôi sức đã kiệt, lực đã kiệt, mắt đã mờ, nhưng vẫn phải cắn răng nuốt nước mắt, dãi bày, mong quý báo lên tiếng bảo vệ sự thật sự hy sinh vì nước của liệt sĩ Nguyễn Văn Đới.”
Ông Nguyễn Văn Tế 14 năm đi đòi trả lại Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Văn Đới |
Liệt sĩ Nguyễn Văn Đới, sinh năm 1928, ở thôn An Lệnh, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, năm 1948 tham gia quân chủ lực, năm 1952, bị giặc Pháp trong một trận chống càn, sau khi tù ở Hải Phòng bị đày ra Côn Đảo. Năm 1954, ông Đới được trao trả tù binh tại Sầm Sơn và tiếp tục gia nhập quân đội, thuộc đơn vị 55 với một số đồng đội cùng quê.
Ngày 6/2/1955, ông Đới hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ngăn cản người di cư vào Nam tại Ba Làng (Thanh Hóa). Cùng năm 1955, gia đình ông Tế nhận được giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công, do Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp kí.
Năm 1975, thống nhất đất nước, Quốc hội họp đầu năm 1976, quy định Bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí, các địa phương đã thu lại bằng cũ để cấp đổi bằng mới. Tại thời điểm đó ông Vũ Văn Hộ là cán bộ LĐ-TB&XH của xã Thụy Liên đã thu lại Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Văn Đới, để đổi bằng mới. Đầu năm 1977, các gia đình đã nhận được bằng mới, còn một số gia đình trong đó có gia đình liệt sĩ Đới chưa được nhận, cũng từ đó địa phương cắt mọi chế độ của thân nhân liệt sĩ.
Về việc trên, cụ Dương Đình Đường, 82 tuổi, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, nguyên Chủ tịch UBND xã Thụy Liên từ năm 1969-1976 kí giấy xác nhận ngày 16/8/2019, có nội dung khẳng định: “Liệt sĩ Nguyễn Văn Đới được cấp Bằng Tổ quốc ghi công do Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp ký và ông Vũ Văn Hộ thu lại để đổi là có thực”.
Như vậy việc địa phương thu hồi và để thất lạc không cấp đổi lại Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Văn Đới là có thật, nhưng hậu quả lại đổ xuống đầu gia đình liệt sĩ, bố, mẹ, liệt sĩ bị cắt chế độ tiền tuất, còn em liệt sĩ đã hơn 14 năm nay gõ cửa các cấp đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công đến nay các văn bản đá lên đá xuống vẫn giải quyết chưa xong !?.
Gian nan hành trình 14 năm đòi quyền lợi cho liệt sĩ Nguyễn Văn Đới
Ông Nguyễn Văn Tế tìm gặp được 2 đồng đội của anh là cụ Nguyễn Ngọc Tàm, 92 tuổi, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và cụ Nguyễn Quốc Trung, 90 tuổi. Hai cụ đã nghỉ hưu, là người cùng quê đã xác nhận cùng tham gia cách mạng với liệt sĩ Đới, bị giặc bắt tù và trao trả tại Thanh Hóa, cùng tham gia quân đội, Đơn vị E55 chứng kiến sự hy sinh của liệt sĩ, được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông Tế đã vào nghĩa trang này tìm ra ngôi mộ số 343 mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn Đới, hy sinh ngày 6/2/1955, đúng như giấy báo tử của liệt sĩ nhưng thiếu thông tin về quê quán, (ngôi mộ này từ trước đến nay chưa có ai nhận).
Mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Đới ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa từ năm 1955 |
Nhà ông Tế cách Sở LĐ-TB&Xã hội tỉnh Thái Bình 35km, cách huyện 5 km, chỉ xin một mẫu đơn mà ông đi lại những 3 lần lên Sở và 1 lần xuống Phòng mới có được. Còn việc xin giấy đề nghị giám định ADN, ông Tế lên Hà Nội gặp ông Cục trưởng Cục Người có công nộp đơn. Hai tuần sau ông Tế nhận được văn bản trả lời: “Theo Nghị định 150 của Chính phủ thì trường hợp gia đình ông đề nghị chưa đủ điều kiện để giám định”. Thế nhưng thì Mục 4 của của Nghị định này lại ghi rõ điều kiện được giám định ADN là “mộ liệt sĩ nằm trong nghĩa trang còn thiếu thông tin”. Không hiểu ông Cục trưởng không thuộc Nghị định, hay nhầm lẫn mà lại bút phê từ đủ điều kiện thành không đủ? Ông Tế lại phải lên Hà Nội tìm gặp ông Cục trưởng lấy bút đỏ gạch chân mục 4 của Nghị định 150, đưa cho ông Cục trưởng đọc và sau đó 2 tháng thì ông nhận được văn bản cho phép đi giám định ADN. Tháng 7/2017, gia đình ông Tế trở lại nghĩa trang để khai quật mộ, lấy được 2 răng và 1 đoạn xương gửi đi giám định. Ba tháng sau gia đình nhận được văn bản trả lời: “Xương mục không giám định được, yêu cầu lấy mẫu lần thứ 2”. Lần thứ 2, gia đình ông Tế lấy được 5 răng và 2 đoạn xương, chuyển mẫu xét nghiệm đến Cục Người có công tháng 11/2017. Sau 20 tháng chờ đợi ngày 30/7/2019 gia đình ông Tế có giấy trả lời: “Mẫu xương xấu không giám định được yêu cầu lấy lại mẫu lần thứ 3”. (Gia đình ông Tế có thắc mắc bởi xương có thể mục xấu nhưng răng thì không mục tại sao lại không giám định được?).
Ngày 6/8/2019 ông Tế làm đơn đề nghị Sở LĐ-TB&XH, trả lời về việc cấp lại giấy xác nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Đới. Ngày 23/8/2019, ông Tế nhận được Công văn của Sở LĐ-TB&XH trả lời: “Sở sẽ có văn bản sang Tỉnh đội”. Chuyện này thật như “đèn cù”, vì năm 2017, Giám đốc Sở này đã có văn bản sang Tỉnh đội và Tỉnh đội đã trả lời: “Ông Đới tham gia bộ đội thuộc đơn vị E55 ở Thanh Hóa hy sinh ở Thanh Hóa, chứ có hy sinh ở Thái Bình đâu mà có danh sách…”
Cứ như vậy nhiều năm qua ông Tế đã đi khắp nơi để đòi hỏi Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Văn Đới, khi bị đá xuống huyện, lúc lại đá lên Sở, lúc vào Thanh Hóa, lại về Thái Bình, khi lên Cục Người có công, lúc lại sang tiếp dân Bộ Quốc phòng, sang cả ông Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, rồi lại về Tổng cục Chính trị, lại đến Thanh tra Chính phủ… như quả bóng lăn chẳng vào gôn.
Ông Nguyễn Văn Đới đủ điều kiện được công nhận liệt sĩ
Theo điểm a Khoản 1 Điều 17, điều kiện để xác nhận liệt sĩ theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 quy đinh: “Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ:
- a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia”, theo quy định này thì ông Đới đủ điều kiện được công nhận lại liệt sĩ và sự thật liệt sĩ Nguyễn Văn Đới đã có giấy báo tử, được Nhà nước tặng Bằng Tổ quốc ghi công năm 1955, do Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp ký.
Tại Khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ LĐ-TB&XH với Bộ Quốc phòng, quy định về căn cứ xác nhận liệt sĩ: “Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước”. Ông Đới đã được tỉnh Thanh Hóa suy tôn là liệt sĩ, án táng tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện Hoằng Hóa, có tên trong danh sách liệt sĩ của Tỉnh đội Thanh Hóa và Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoằng Hóa.
Theo Khoản 11, Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ LĐTB&XH quy định về căn cứ cấp giấy báo tử đối với những trường hợp hy sinh từ ngày 31/12/1994 trở về trước “đã được ghi là liệt sĩ trong lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản”, thì ông Đới đã được công nhận là liệt sĩ trong sổ vàng truyền thống của xã .
Hồ sơ xin xác nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Đới |
Ngay cả việc công nhận lại liệt sĩ Nguyễn Văn Đới, xã Thụy Liên đã hoàn chỉnh hồ sơ, có xác nhận của 2 đồng đội cùng đơn vị, cùng địa phương chứng kiến sự hy sinh của liệt sĩ, có biên bản họp hội nghị liên tịch thôn từ năm 2006. Như vậy ông Nguyễn Văn Đới đủ điều kiện để được công nhận liệt sĩ. Theo Quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình sẽ cấp giấy báo tử cho liệt sĩ Nguyễn Văn Đới. Theo Khoản 3 Điều 18, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hồ sơ thủ tục xác nhận liệt sĩ chuyển Bộ LĐ-TB&XH thẩm định trình thủ tướng Chính phủ để cấp Bằng Tổ quốc ghi công.