Thà bỏ tất chứ không bỏ cuộc
Pháp luật - Bạn đọc 12/03/2021 14:22
Trong cái quán cóc đơn sơ ven đường TP Bắc Ninh, bà Nhữ Thị Lưu nói nhỏ nhẹ nhưng đầy kiên quyết: “Tôi thà bỏ tất cả chứ nhất định không bỏ cuộc, dù có phải đi bất cứ đâu”. Bà cười nhẹ cho biết, ngày 5/11/2019, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm, ra Bản án số 31/2019/HC-ST, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà gồm: Hủy Kết luận số 2453/KL-UBND ngày 7/10/2016 của Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh; Yêu cầu UBND TP Bắc Ninh bồi thường, hỗ trợ theo Công văn số 1073/NCN-CT ngày 20/9/1997 và bồi thường một suất đất, theo Công văn số 470/VN-UB ngày 19/9/2002; Yêu cầu lập phương án bồi thường bổ sung cho gia đình bà 300 cây xoài, giếng nước, nhà lợp Fibro xi măng, theo Quyết định số 344/QĐ-CT ngày 16/3/2004 và Quyết định số 1580/QĐ-CT ngày 22/3/2003 của UBND tỉnh Bắc Ninh; Yêu cầu giao cho gia đình bà một ki ốt và một cầu chợ như đã hứa. Đến tận ngày 25/12/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội mới đưa ra xét xử phúc thẩm, ra Bản án số 437/2020/HC-PT. “Bản án phúc thẩm này cũng bác kháng cáo của tôi, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nhận bản án có thất vọng, nhưng với tôi, kéo được họ ra tòa là một thắng lợi. Tôi đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm” – Bà Lưu cho biết.
Lần theo những tâm sự của bà Lưu và các tài liệu thu thập được mới biết, từ năm 1998, chính quyền thị xã Bắc Ninh (cũ) liên tục thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân thôn Đọ Xá, trong đó có đất của gia đình bà Lưu, để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở để bán và xây dựng khu nhà ở, giao đất ở cho cán bộ, Nhân dân thị xã Bắc Ninh, tổng diện tích 135.208,5m2. Riêng gia đình bà Nhữ Thị Lưu mất khoảng 4.000m2, trong đó có 288,9m2 bà đang khiếu kiện. Theo bà Lưu, gia đình bà không được hưởng trọn vẹn quyền lợi theo quy định của pháp luật và quyết định của UBND tỉnh.
Bà Nhữ Thị Lưu (người ngồi bên phải) và bà Đỗ Thị Sửu, hai trong số những “người đàn bà làng Đọ Xá” kiên trì hành trình tìm công lí |
Những đòi hỏi của bà Lưu hoàn toàn xứng đáng. Ngày 20/9/1997, tại Công văn số 1073/NCN-CT của Chủ tịch UBND tỉnh có nội dung: “Đối với những ô đất để lại cho UBND xã, phường, UBND xã có trách nhiệm chỉ đạo giao đất ở cho Nhân dân địa phương, theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn…”. Thế nhưng, nhiều hộ dân bị mất đất, trong đó có gia đình bà Lưu không được bảo đảm quyền lợi này. Ngày 15/7/2002, UBND thị xã Bắc Ninh có Côn văn số 470/CV-UB, thế hiện rất rõ nội dung: “… còn 30 suất (100% số còn lại) dành cho UBND phường Ninh Xá giải quyết cấp đất cho các hộ thuộc đối tượng được cấp đất quy định của địa phương. Thế nhưng trên thực tế, UBND phường Ninh Xá chỉ cấp cho 5 hộ dân khu Đọ Xá bị mất ruộng, còn 25 suất không biết biến đi đâu? Các hộ dân thắc mắc nhiều năm, nhưng chính quyền im lặng, không giải thích làm rõ. Tại thời điểm cưỡng chế thu hồi đất, gia đình bà Lưu có hơn 300 cây xoài bắt đầu cho ra quả, một giếng nước, một lán trông coi vườn cây ăn quả, nhưng không được tính vào phương án bồi thường. Khi thu hồi đất, chính quyền có hứa với các hộ dân sẽ bố trí ki ốt, cầu chợ tại chợ Đọ Xá, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh doanh, buôn bán chuyển đổi nghề nghiệp. Chính Kết luận số 2453/KL-UBND của Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh cũng xác nhận điều này. Thế nhưng, khi xây dựng xong ki ốt, chính quyền địa phương lờ đi, ngấm ngầm giao ki ốt cho 58 hộ dân thuê qua hình thức đấu thầu, những người mất đất, trong đó có gia đình bà Lưu không được hưởng chính sách này.
Nơi đây nguyên là đất ruộng của bà con nông dân làng Đọ |
Bà Lưu và một số hộ dân khác bắt đầu hành trình đấu tranh đòi công bằng, công lí từ năm 1999, qua nhiều lần kiến nghị, khiếu nại nhưng không cấp chính quyền nào quan tâm xem xét. “Họ cứ thấy chúng tôi xuất hiện là đuổi, hoặc đùn đẩy trách nhiệm không ai giải quyết. Mãi sau này chúng tôi tìm được tới Văn phòng luật sư Đồng Đội, được sự vào cuộc kiên trì và hết sức trách nhiệm của luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng), chính quyền mới bắt tay giải quyết, nhưng giải quyết không đúng, quanh co. Tôi khởi kiện hành chính thì Tòa cũng đứng về phía chính quyền, xử cho chúng tôi thua…” – bà Lưu cay đắng nói.
Thật vậy, cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử đều không phù hợp với những tình tiết khách quan, không công tâm, toàn diện khi đánh giá tài liệu, chứng cứ, xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích chính đáng của gia đình bà. Về yêu cầu bồi thường phần đất hỗ trợ, theo Công văn số 1073/NCN-CT và một suất đất theo Công văn số 470/CV-UBND, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng: “Công văn số 1073 của Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ liên quan đến tỉ lệ trích lại và mức phân bổ cụ thể 30% số lô đất trích lại cho các đối tượng giao đất ở, chứ không phải trích lại 30% cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi…”. Nhận định như vậy là không đúng, thiếu khách quan, khi HĐXX không yêu cầu các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND phường Ninh Xá trình bày, làm rõ tiêu chuẩn đề cập đến trong Công văn này là gì?
Rất nhiều vấn đề uẩn khúc trong việc thực hiện Công văn số 470/CV-UBND không được HĐXX cấp phúc thẩm xem xét, làm rõ để giải quyết vụ án một cách khách quan, bảo vệ cho người dân bị mất đất. Trong phần “Nhận định”, Tòa chỉ hướng tới các tài liệu, chứng cứ do UBND TP cung cấp, mà bỏ qua ý kiến của bà Lưu, là không khách quan, không công bằng. Khi giải quyết cấp đất cho các hộ thuộc đối tượng được cấp theo phần 1 Công văn số 470, thì đáng ra gia đình bà Lưu được lô đất số 57, diện tích 80,5m2. Thế nhưng, thực tế gia đình bà chỉ được xét bốc lô đất giãn dân số 49, diện tích 76,6m2 tại làn 2, mà đáng ra gia đình bà có 7 khẩu phải được ưu tiên bốc lô đất ở làn 1.
Kết luận số 2453/KL-UBND của UBND TP Bắc Ninh cho rằng: “Bà Lưu và một số hộ dân khác trồng cây sau khi dự án được triển khai nên không được bồi thường”; “tại Hội nghị ngày 1/6/2004 không thấy bà Lưu có ý kiến gì, không có đơn phản ánh về vấn đề này”; “bà Lưu đã nhận đủ 12.971.610 đồng bao gồm cả tiền đền bù đất, hoa màu và hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất”. Nội dung này cũng không được HĐXX cấp phúc thẩm làm rõ đúng – sai, mà lại đưa ra nhận định: “Gia đình bà Lưu bị thu hồi 288,9m2 đất nông nghiệp, thì không thể trồng 300 cây xoài, giếng nước, nhà tạm trên đất được. Sau khi nhận kiểm đếm, thì gia đình bà Lưu trồng các cây xoài thân nhỏ bằng chiếc đũa trên đất để đòi tiền bồi thường”. Nhận định như vậy là không chính xác. Thực tế gia đình bà Lưu trông xoài trước khi có thông báo thu hồi đất của UBND thị xã (nay là thành phố). Cây xoài, giếng nước, lán trông coi của gia đình bà Lưu tồn tại một thời gian dài, đến khi thu hồi đất bắt đầu ra quả, nhưng không cá nhân, đơn vị nào kiểm tra, lập biên bản. Luật sư và bà Lưu nhiều lần yêu cầu chính quyền TP Bắc Ninh cung cấp hồ sơ thu hồi đất, trong đó có biên bản kiểm kê tài sản trên đất, nhưng chính quyền lờ đi, không cung cấp.
Các ki ốt chợ Đọ Xá hứa bố trí cho người mất đất, nhưng lại bị ngấm ngầm mang ra đấu giá |
Ki ốt chợ Đọ Xá thuộc quản lí của UBND phường Ninh Xá, nên phường hoàn toàn có quyền giao cho các hộ dân. Đây là những ki ốt xây dựng nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với những người bị mất đất nông nghiệp, nhưng chính quyền phường Ninh Xá lại mang ra đấu giá, là sai lệch đường lối, chủ trương. Bà Lưu nhiều lần đề nghị giải thích, ai thông qua chủ trương đấu giá ki ốt, sao không có chính sách hỗ trợ các hộ bị thu hồi đất, số tiền đấu giá sử dụng vào mục đích gì? Nhưng không được làm rõ, trong khi bản án phúc thẩm số 437/2020/HC-PT ngày 25/12/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng “nhắm mắt làm ngơ”.
Cũng như gia đình bà Nhữ Thị Lưu, gia đình bà Đỗ Thị Sửu, 80 tuổi, cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự, cũng đang chờ để đi tiếp hành trình tìm công lí. Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, ông và các đồng nghiệp vào cuộc với các cụ bà làng Đọ đến nay đã 6 năm, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ mới lấy lại được thời hiệu khiếu kiện theo pháp luật. “Thế nhưng, trong suốt quá trình xét xử ở cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, đại diện UBND TP Bắc Ninh đều vắng mặt. Đây là động thái phản ánh sự coi thường tòa án, coi thường pháp luật, coi thường người dân. Vắng mặt người bị kiện, người dân không có cơ hội tranh luận, đối thoại trước tòa nhằm làm rõ sự thật khách quan, khiến việc giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn. Tôi cho rằng, cải cách tư pháp nên chú ý thêm điểm này, có chế định bắt buộc người bị kiện (chính quyền) phải có mặt tại phiên tòa để giải quyết vụ việc” – luật sư Tiền bức xúc.
Bắc Ninh: Cần xem xét lại mức giá bồi thường cho dân sau thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp Đây là một trong các nội dung được cử tri huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị tại buổi tiếp xúc với Đoàn Đại ... |