TAND TP. Hồ Chí Minh giải quyết vụ án dân sự: Nguyên đơn kêu cứu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao
Đơn thư bạn đọc 24/05/2021 17:55
Công ty Masterise làm trái hợp đồng
Theo đơn của bà Nguyễn Thị Kim Lan: Ngày 16/3/2015, bà Lan và Công ty CP Tập đoàn Masterise (Sau đây gọi là: Công ty Masterise) ký 3 “HỢP ĐỒNG MUA BÁN 3 CĂN HỘ DỰ ÁN KHU DÂN CƯ CAO CẤP MASTERI THẢO ĐIỀN”, gồm có: Hợp đồng số T1-B39.03/HĐMB-TD, Hợp đồng số T1-B39.02/HBMB-TD, Hợp đồng số T1-B34.02/HBMB-TD, mua bán 3 căn hộ hình thành trong tương lai, ở phường Thảo Điền, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Tại thời điểm tháng 7/2015 khi Dự án Khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền vẫn còn là một mảnh đất trống; và bà Lan và ông Guan đã thanh toán tổng số tiền 7.315.514.393 đồng tương đương 95% giá trị đã bao gồm 10% thuế GTGT cho cả ba hợp đồng trên. Cụ thể như sau: Hợp đồng T1-B39.03/HĐMB-TD Em: 3.064.588.732 đồng; hợp đồng T1-B39.02/HBMB-TD: 2.100.168.099 đồng; và hợp đồng T1-B34.02/HBMB-TD: 2.150.757.562 đồng.
Hợp đồng 1 |
Hợp đồng 2 |
3 hợp đồng mua bán 3 căn hộ hình thành trong tương lai giữa bà Nguyễn Thị Kim Lan và Công ty CP Tập đoàn Masterise |
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Masterise làm trái hợp đồng, vì không bàn giao 3 căn hộ theo đúng nội dung các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng và khi tài sản trong tương lai đã được hình thành và giá trị căn hộ tăng cao thì Công ty Masterise lại đơn phương hủy bỏ hợp đồng. Một việc làm vi phạm đạo đức nghiêm trọng và không thể chấp nhận chính vì vậy chúng tôi đã làm đơn khởi kiện và được TAND TP Hồ Chí Minh thụ lý số 168/2019/TLST-DS ngày 8/3/2019 vụ án “Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự”.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa, khi chưa có phán quyết xét xử của Toà án, nhưng Công ty Masterise lại ngang nhiên bẩt chấp pháp luật tiếp tục bán cả 3 căn hộ nói trên cho bên thứ ba là ông Nguyễn Thanh Bình và bà Hồ Thị Ngọc Hương (có cùng hộ khẩu thường trú tại quận 7).
Tẩu tán tài sản và dấu hiệu lừa đảo
Qúa trình giải quyết vụ án trên, ngày 4/12/2020, TAND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 19943/2020/QĐ-XXTĐTC về việc thẩm định tại chỗ đối với 3 căn hộ T1-B39.03/HĐMB-TD; T1-B39.02/HBMB-TD; T1-B34.02/HBMB-TD thuộc khối tháp B tòa nhà T1 chung cư cao cấp Masteri Thảo Điền, tọa lạc tại địa chỉ 159 Xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh.
Ngày 24/12/2020, bà Lan và ông Guan có mặt theo đúng giấy triệu tập của Tòa án, nhưng việc thẩm định tại chỗ đã không được thực hiện, với lý do gì thì bà Lan và ông Guan hoàn toàn không được biết, nên bà Lan và ông Guan đành phải ra về tốn công sức, tiền bạc. Thẩm phán Hương đã không đến thẩm định như thông báo. Bà Lan và ông Guan buộc phải mời cơ quan Thừa phát lại lập vi bằng để làm chứng cứ cho việc giải quyết các bước tiếp theo của vụ án.
Mãi đến ngày 20/4/2021 (sau hơn 4 tháng so với thời gian của Tòa án ấn định trước đó), việc thẩm định mới được thực hiện. Đặc biệt, bên thứ 3 là ông Nguyễn Thanh Bình và bà Hồ Thị Ngọc Hương không có mặt tại buổi thẩm định.
Kết quả thẩm định tại chỗ cho thấy, các bên thừa nhận thực trạng 3 căn hộ đang tranh chấp thiếu các hạng mục tại phòng khách, phòng ngủ, phòng vệ sinh, phòng giặt phơi so với hợp đồng mua bán đã ký. Vấn đề về chất lượng xây dựng căn hộ cũng được ghi nhận khi tường phòng ngủ bị thấm, kính cửa sổ bị vỡ (có Biên bản thẩm định tại chỗ của Toà ngày 20/4/2021).
Trang 1 |
“Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ” ngày 20/4/2021 của Toà án, ghi nhận hiện trạng thực tế của 3 căn hộ |
Đến ngày 5/1/2021 (sau gần 2 năm kể từ ngày Toà thụ lý vụ kiện theo Thông báo thụ lý vụ án số 168/TB-TLVA ngày 8/3/2019 và sau hơn 1 tháng (32 ngày) kể từ ngày Toà án có Quyết định số 19943/2020/QĐ-XXTĐTC ngày 4/12/2020 về việc thẩm định tại chỗ cho 3 căn hộ T1-B39.03, T1-B39.02 và T1-B34.02), Chủ đầu tư, Công ty Masterise mới đưa ra 3 hợp đồng mua bán 3 căn hộ trên với bên thứ ba là ông Nguyễn Thanh Bình (căn hộ T1-B39.02 và căn hộ T1-B39.03) và bà Hồ Thị Ngọc Hương (căn hộ T1-B34.02). Lúc này bà Lan, ông Guan quá bất ngờ về việc Chủ đầu tư, Công ty Masterise dám ngang nhiên, bất chấp việc làm trái pháp luật, “Vô thiên vô pháp” đã tiếp tục ký chuyển nhượng 3 căn hộ trên cho bên thứ 3, trong khi 3 căn hộ này đang có tranh chấp và đang trong quá trình tố tụng tại Tòa án với vợ chồng bà Lan, ông Guan.
Trang 1 |
Thông báo thụ lý vụ án số 168/TB-TLVA ngày 8/3/2019 của TAND TP Hồ Chí Minh |
Việc Công ty Masterise tự định đoạt 3 căn hộ đã bán cho bà Lan, ông Guan, bằng việc đem 3 căn hộ này bán tiếp cho người thứ 3, trong khi vụ án đang tranh chấp mà chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cho thấy Công ty Masterise không những vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật, mà còn có dấu hiệu tẩu tán tài sản, thể hiện cấu thành tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hợp đồng 1 |
Hợp đồng 2 |
3 hợp đồng mua bán 3 căn hộ trên với bên thứ ba, là ông Nguyễn Thanh Bình và bà Hồ Thị Ngọc Hương |
Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng
Bà Lan, ông Guan khởi kiện yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán, để bàn giao 3 căn hộ theo đúng hợp đồng; xử phạt vi phạm và hủy hợp đồng với bên thứ 3; và ngày 11/1/2021, bà Lan, ông Guan có đơn yêu cầu bà Vũ Thị Thu Hương, là Thẩm phán đang thụ lý giải quyết vụ án, căn cứ khoản 7, Điều 114 và Điều 121 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp”; và căn cứ khoản 8, Điều 114 và Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”, đối với các tài sản: Căn hộ số T1-B34.02; căn hộ số T1-B39.02; căn hộ số T1-B39.03.
Tuy nhiên, ngày 15/1/2021, Thẩm phán Vũ Thị Thu Hương ra Thông báo số 17/TB-TA ngày 15/1/2021 về việc không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên. Lý do: “Chưa cung cấp cho Tòa các chứng cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác và có hành vi tháo dỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó”.
Thông báo số 17/TB-TA ngày 15/01/2021, không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời |
Căn cứ, Điều 141 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 16 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 141 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; ngày 19/1/2021, bà Lan, ông Guan nộp đơn khiếu nại đối với Thông báo số 17/TB-TA ngày 15/1/2021 về việc không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với vụ án thụ lý số 168/DSST ngày 8/3/2019 của TAND TP Hồ Chí Minh (Biên nhận đơn khiếu nại số 1675 ngày 19/1/2021 của TAND TP Hồ Chí Minh).
Biên nhận đơn khiếu nại số 1675 ngày 19/1/2021 của TAND TP Hồ Chí Minh |
Đến ngày 1/2/2021 (13 ngày kể từ ngày nộp đơn khiếu nại), bà Lan, ông Guan vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của TAND TP Hồ Chí Minh về giải quyết đơn khiếu nại. Nên bà Lan, ông Guan tiếp tục làm đơn kính đề nghị Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh xem xét Thông báo số 17/TB-TA ngày 15/1/2021 về việc không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Thẩm phán Vũ Thị Thu Hương, vì Thông báo này không có cơ sở pháp lý; đồng thời đề nghị quý Tòa án chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đơn yêu cầu ngày 11/1/2021 của bà Lan, ông Guan đã gửi đến quý Tòa án.
Ngày 11/3/2021, Thư ký Lê Thị Thanh tống đạt Quyết định giải quyết khiếu nại số 228/2021/QĐ-GQKN ngày 9/3/2021 của TAND TP Hồ Chí Minh, cho Luật sư của bà Lan và ông Guan, với nội dung: “Không chấp nhận đơn khiếu nại đề ngày 18/1/2021”, với lý do “tại thời điểm nộp đơn yêu cầu, người yêu cầu chưa cung cấp cho Tòa án các chứng cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác và có hành vi tháo dỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó”.
Trang 1 |
Quyết định giải quyết khiếu nại số 228/2021/QĐ-GQKN ngày 9/3/2021 của TAND TP Hồ Chí Minh |
Bà Lan, ông Guan không đồng ý, tiếp tục khiếu nại và yêu cầu làm rõ việc Tòa không án giải quyết yêu cầu áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời, là không có cơ sở! Bởi bà Lan, ông Guan nêu ra những căn cứ pháp lý như sau:
Thứ nhất: Hiện Công ty Masterise, Chủ đầu tư là người trực tiếp chiếm giữ tài sản đang tranh chấp, nhưng lại có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản tranh chấp này cho bên thứ ba, cụ thể :
Ngày 25/2/2020, Công ty Masterise ký Hợp đồng mua bán căn hộ số T1-B34.02/HĐMB-TD với bà Hồ Thị Ngọc Hương, ngụ phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh, với giá bán là 3.123.150.000 đồng.
Ngày 12/3/2020, Công ty Masterise ký Hợp đồng mua bán căn hộ số T1-B39.02/HĐMB-TD với ông Nguyễn Thanh Bình, thường trú phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh, với giá bán là 2.990.250.000 đồng.
Ngày 7/4/2020, Công ty Masterise tiếp tục ký Hợp đồng mua bán căn hộ số T1-B39.03/HĐMB-TD với ông Nguyễn Thanh Bình với giá bán là 3.924.450.001 đồng .
Trong buổi làm việc ngày 5/01/2021 tại TAND TP Hồ Chí Minh, bà Lại Thụy Đan Thanh, đại diện ủy quyền của Công ty Masterise mới cung cấp cho Tòa án 3 hợp đồng mua bán của Công ty Masterise với bên thứ ba và có xác nhận việc 3 căn hộ đang tranh chấp trên đã được Công ty Masterise chuyển nhượng cho bên thứ ba (ông Nguyễn Thanh Bình và bà Hồ Thị Ngọc Hương) nhưng chưa làm thủ tục đăng bộ, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của 3 căn hộ.
Căn cứ Điều 9 Luật Nhà ở, về “công nhận quyền sở hữu nhà ở”, cho thấy 3 căn hộ trên, đang được Công ty Masterise chiếm giữ ; là tài sản đang tranh chấp. Như vậy rõ ràng Công ty Masterise đã có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác (bên thứ 3). Đây là bằng chứng, chứng cứ vật chất chứng minh cho hành vi thể hiện dấu hiệu tẩu tán tài sản. TAND TP Hồ Chí Minh có lập luận đây không phải chứng cứ thì là gì? Công ty Masterise có hành vi chuyển dịch tài sản tranh chấp cho người thứ 3 bằng hợp đồng mua bán hiện hữu, mà Tòa án cho là không có hành vi chuyển dịch tài sản, là thể hiện có dấu hiệu cố tình bao che. Trong khi hanh vi này không những thể hiện vi phạm hợp đồng, mà còn thể hiện có dấu hiệu về hình sự. Nhưng Tòa án đã không chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết, đây cũng là thể hiện có dấu hiệu bao che tội phạm, là dấu hiệu tiếp tay cho hành vi có dấu hiệu vi phạm tố tụng của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án.
“Hồ sơ vụ án có 3 hợp đồng mua bán 3 căn hộ trên, được Công ty Masterise giao nộp trực tiếp cho Tòa án theo Biên bản làm việc ngày 5/1/2021 và 3 căn hộ này vẫn chưa làm thủ tục đăng bộ, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở theo xác nhận của Công ty Masterise. Đây là chứng cứ chứng minh rõ ràng việc “người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp”. Vì vậy Thẩm phán Tòa án nêu lý do chúng tôi không cung cấp cho Tòa các chứng cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác, là không có căn cứ, là dấu hiệu tiếp tay cho Công ty Masterise; và rõ ràng thể hiện có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Một người dân bình thường như tôi và chồng tôi là người nước ngoài còn hiểu được việc vi phạm này, thì tại sao thẩm phán được học tập bài bản, xét xử nhiều năm mà cho là không có chứng cứ? Như vậy thì liệu là không biết hay cố ý không biết? Hay là cố tình tạo ra 1 vụ án không khách quan? Nếu thẩm phán thật sự không biết thì chúng tôi cũng không biết chuyên môn của thẩm phán được đào tạo và xét xử thế nào mà lập luận như vậy ?”, bà Lan bức xúc!
Biên bản làm việc của Toà ngày 5/1/2021 về việc Công ty Masteri giao nộp cho Tòa 3 hợp đồng về chuyển nhượng 3 căn hộ cho bên thứ 3 |
Thứ hai: Ngày 4/12/2020, TAND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 19943/2020/QĐ-XXTĐTC về việc thẩm định tại chỗ cho 3 căn hộ T1-B39.03/HĐMB-TD; T1-B39.02/HBMB-TD; T1-B34.02/HBMB-TD khối tháp B tòa nhà T1 chung cư cao cấp Masteri Thảo Điền, tọa lạc tại 159 Xa lộ Hà Nội phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh vào ngày 24/12/2020. Bà Lan và ông Guan có mặt, nhưng việc thẩm định tại chỗ không được thực hiện. Do đó, căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự trong trường hợp “để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập”, thì việc bà Lan, ông Guan đề nghị bà Vũ Thị Thu Hương, Thẩm phán đang thụ lý giải quyết vụ án, căn cứ khoản 8, Điều 114 và Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp” đối với các tài sản trong 3 hợp đồng mua bán vớ bà Lan, là hoàn toàn có cơ sở pháp lý; Thẩm phán Hương không chấp nhận yêu cầu này của bà Lan, ông Guan là thể hiện có vi phạm về tố tụng.
Quyết định số 19943/2020/QĐ-XXTĐTC về việc thẩm định tại chỗ 3 căn hộ |
Thứ Ba: Đối tượng trong Thông báo số 17/TB-TA ngày 15/01/2021 về việc không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Thẩm phán Vũ Thị Thu Hương, là không thuộc những trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Đồng thời, căn cứ theo điểm d, khoản 2, Điều 112 Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng”, mà gây thiệt hại thì Tòa án phải bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (theo khoản 3, Điều 112 Luật Tố tụng dân sự năm 2015). Và căn cứ khoản 1 Điều 141 Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị quy định tại Điều 140 của Bộ luật này trong thời hạn 3 ngày làm vệc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị”.
Như vậy, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh nhận đơn khiếu nại ngày 19/1/2021 đến ngày 11/3/2021, Thư ký Lê Thị Thanh có tống đạt Quyết định giải quyết khiếu nại số 228/2021/QĐ-GQKN ngày 9/3/2021 của TAND TP Hồ Chí Minh, liệu có đúng về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật hay không? Rõ ràng đây là dấu hiệu vi phạm Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vi phạm tố tụng nghiêm trọng; và có dấu hiệu vụ án được giải quyết không khách quan, không đúng pháp luật.
Thứ tư: Trong đơn, bà Lan khẳng định: “Trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nếu sau này 3 căn hộ đã được công ty ký bán sang tên cho người khác (thực tế hiện nay Công ty Masterise đã ký bán cho ngưởi thứ 3, mà chưa đăng bộ sang tên, nếu không ngăn chặn, thì việc đăng bộ sang tên là hoàn toàn xảy ra). Đồng thời, một khi Công ty Masterise đã ký bán cho bên thứ 3, thì việc bên thứ 3 thay đổi hiện trạng là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì hiện nay chúng tôi không trực tiếp giữ chìa khóa hay quản lý 3 căn hộ này, mà là đang do Công ty Masterise quản lý. Như vậy, khi Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dù tài sản đã chuyển dịch mới đang ở 1 công đoạn, thì cũng là dấu hiệu thể hiện việc quý Tòa án và Thẩm phán đã có hướng xét xử chúng tôi thua kiện, nên mới không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Và nếu giải quyết khách quan, đúng luật thì Tòa án cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản đang tranh chấp. Hơn nữa, khi những trường hợp nêu trên xảy ra, mà Tòa án không có biện pháp ngăn chặn, thì nếu vụ án chúng tôi thắng kiện, nhưng tài sản đã được chuyển dịch hoặc đã bị thay đổi hiện trạng, thì hậu quả sẽ do ai chịu trách nhiệm? Tòa án có đứng ra cam kết chịu trách nhiệm cho chúng tôi không?” Giải đáp những điều nghi vấn này, cũng thể hiện có vi phạm về tố tụng !
Thứ năm: Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về “Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, cụ thể:
“1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.”
Như vậy, việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là thực hiện quyền để bảo đảm quyền lợi cho được sự (bà Lan, ông Guan). Khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bà Lan, ông Guan phải chịu trách nhiệm với yêu cầu của mình và phải đóng tiền hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá cho Tòa án theo đúng quy định pháp luật. Vậy pháp luật đã quy định quyền của bà Lan, ông Guan và trách nhiệm của bà Lan, ông Guan thì tại sao tòa án không cho bà Lan, ông Guan thực hiện quyền mà pháp luật cho phép? Giải đáp điều nghi vấn này, cũng thể hiện có vi phạm về tố tụng !
Thứ sáu: Hồ sơ vụ án thể hiện có dấu hiệu hình sự. Bởi lẽ 3 căn hộ đã bán cho bà Lan, ông Guan đúng pháp luật ; bà Lan, ông Guan đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng hợp đồng; giao dịch mua bán này chưa được ký thanh lý theo quy định. Thế mà Công ty Masterise tự ý đem 3 căn hộ bán cho người thứ 3, trong khi chưa có sự đồng ý của bà Lan, ông Guan, chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đây là hành vi thể hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, nhưng chưa được Tòa án chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh hoặc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.
Thứ bảy: Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, là thể hiện tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Bởi tài sản đang tranh chấp chưa có quyết định hoặc bản án có hiệu lực của tòa án, chưa có biên bản thanh lý hợp đồng giữa 2 bên, mà ngang nhiên bán cho người thứ ba thì rõ ràng hợp đồng này đã vô hiệu về nội dung và hình thức do thể hiện có vi phạm pháp luật.
Mặt khác, khi Công ty Masterise kiện bà Lan ra TAND quận 2, để hủy hợp đồng với bà Lan, thì chính công ty này đã biết pháp luật quy định muốn hủy hợp đồng thì phải kiện ra tòa. Vậy tại sao khi đang kiện bà Lan tại TAND quận 2 và bị phía bà Lan kiện ngược lại tại TAND TP Hồ Chí Minh, thì Công ty Masterise lại tự ý đem bán 3 căn hộ tranh chấp (đối tượng xét xử của vụ án); và che giấu việc này không cho bà Lan và Tòa án biết?
Và việc sau khi có Quyết định thẩm định tại chỗ, Công ty Masterise mới đem 3 hợp đồng bán 3 căn hộ tranh chấp (đối tượng xét xử của vụ án) cho bên thứ ba, cung cấp cho Tòa án, lúc này bà Lan, ông Guan mới được biết. Tức Công ty Masterise bán nhà khi vụ án đang tranh chấp tại Tòa án. Dây là dấu hiệu việc nhằm trốn tránh nghĩa vụ và gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Và cho thấy Công ty Masterise này coi thường pháp luật, bất chấp pháp luật, vi phạm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Tài sản đem bán cho nhiều người và thậm chí bán ngay cả khi đang có tranh chấp chưa được giải quyết xong ở Tòa án, là dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Sao Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, khiến cho đương sự (bà Lan, ông Guan) bức xúc và hoang mang lo lắng không biết công lý có được thực thi nghiêm minh và công minh tại Tòa án?
Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 118 Luật Nhà ở, quy định: “1. Giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây: a) Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; b) Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn”. Luật quy định rõ như vậy nhưng Công ty Masterise bất chấp pháp luật; Tòa án cũng không áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết vụ án, thể hiện rõ một sự không công tâm, không mình bạch, không khách quan.
Liên quan vụ việc, ngày 6/5/202, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đề nghị ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh quan tâm xem xét, giải quyết vụ việc trên theo thẩm quyền. Nhằm đảm bảo tính công minh của pháp luật, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, trong đó có nguyên đơn là người nước ngoài.
Văn bản của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, gửi ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh |
Về vụ việc trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí Ngày mới online, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hồ sơ thể hiện rõ ràng Công ty Masteri vi phạm hợp đồng đã ký về bán căn 3 căn hộ cho bà Lan, như: Thiếu các hạng mục tại phòng khách, phòng ngủ, phòng vệ sinh, phòng giặt phơi, tường phòng ngủ bị thấm, kính cửa sổ bị vỡ và bàn giao 3 căn hộ không đúng tiến độ. Công ty Masteri ngang nhiên kiện ra TAND quận 2 để hủy hợp đồng với bà Lan; và trong khi Tòa án đang giải quyết, Công ty Masteri tiếp tục bán căn 3 căn hộ cho 2 người khác, mặc dù chính công ty này biết họ không có quyền đơn phương nên mới kiện xin hủy hợp đồng.
Công ty Masteri ngang nhiên bán căn hộ đang có tranh chấp cho người khác, là vi phạm nghiêm trọng Điều 118 Luật Nhà ở. Việc này, càng nghiêm trọng hơn, khi mãi đến sau này Công ty Masteri mới cho Tòa án và bà Lan biết việc chuyển nhượng cho bên thứ 3. Đây là cơ sở bà Lan có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng Tòa án không chấp nhận, mà nại lý do bà Lan không cung cấp chứng cứ Công ty masteri thay đổi hiện trạng hay chuyển dịch tài sản. Trong khi có chứng cứ chuyển dịch tài sản, là 3 hợp đồng do chính Công ty Masteri cung cấp cho Tòa án thể hiện họ đã bán 3 căn hộ cho người khác; và Tòa án cũng đã thu thập, xem xét các chứng cứ này, nhưng lại cho rằng chưa có chứng cứ chuyển dịch tài sản, là quá mâu thuẫn.
Công ty Masteri có hành vi vi phạm là quá rõ ràng, Tòa án không áp dụng biện pháp ngăn chặn theo yêu cầu của bà Lan, sẽ gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng về sau. Do vậy, Tòa án cần áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời, tránh sang tên 3 căn hộ cho người thứ 3, giữ nguyên hiện trạng căn hộ, đồng thời chấp nhận yêu cầu khởi kiện hợp pháp của bà Lan. Ngoài ra, vụ án có dấu hiệu hình sự, tôi nghĩ Tòa án cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết theo quy định”.
Để kết thúc bài viết nhiều kỳ này, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của bà Lan: “Vợ chồng chúng tôi kính mong ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét, giải quyết để vụ án được xét xử khách quan, đúng pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chúng đáng cho chúng tôi và tránh những hậu quả không lường sẽ xảy ra tiếp theo từ hành vi thể hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Masterise. và chúng tôi rất mong Tòa án làm đúng pháp luật, thể hiện sự công minh, thượng tôn pháp luật để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải!”