TAND tỉnh Tây Ninh: Nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng Dân sự?
Pháp luật - Bạn đọc 31/03/2020 16:34
Trong đơn, bà Thùy cho biết: “Từ khi tôi làm đơn kháng cáo ngày 3/12/2019 (ngày TAND thành phố Tây Ninh nhận đơn kháng cáo) cho đến ngày 9/3/2020 (ngày mà TAND tỉnh Tây Ninh đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm) tôi không hề nhận được bất kỳ một văn bản tố tụng nào của TAND tỉnh Tây Ninh như: Thông báo thụ lý vụ án, Quyết định đưa vụ án ra xét xử...”. Phiên xét xử đương nhiên phải hoãn lại và toà đã tước đoạt của nguyên đơn quyền vắng mặt lần 1.
Ngay trong sáng cùng ngày 09/3/2020, bà Thùy mới nhận được thông tin đầu tiên của phiên toà phúc thẩm này mà lại là thông tin về phiên xứt xử lần 2, diễn ra lúc 8h, ngày 13/3/2020. Bà Thùy kể: “Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ số máy 0972792xxx của người tự xưng là “cán bộ của Toà án tỉnh Tây Ninh” để nghị gặp tôi để gửi giấy triệu tập. Vì không có nhà nên tôi đã nhờ con gái nhận giúp. Về nhà mở ra xem thì được biết toà triệu tập tôi có mặt tại trụ sở TAND tỉnh Tây Ninh vào lúc 07 giờ 30 phút ngày 13/3/2020 để dự phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”. Bà Thuỳ có đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh về vi phạm nói trên của Chủ toạ phiên toà Phạm Thị Hồng Vân ngày 10/3/2020. Ngày 13/3/2020, phiên toà phúc thẩm này lại được hoãn lần 2 và cùng ngày, Chủ toạ ra thông báo phiên toà sẽ được xét xử lần thứ 3 vào lúc 8h, ngày 6/4/2020.
Cho đến khoảng 15h ngày 17/3/2020, bà Thùy vô cùng bất ngờ khi nhận được ba phong bì thư EMS do nhân viên bưu điện (Bưu cục Tây Ninh) chuyển đến, cả ba đều được gửi đến từ TAND tỉnh Tây Ninh. Theo những chứng cứ mà bà Thuỳ cung cấp, bì thư thứ nhất chứa Thông báo thụ lý vụ án số 01/TBTL và Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh.
Thông báo thụ lý vụ án số 01/TBTL ghi ngày ký 13/1/2020 nhưng lại có dấu bưu điện EC 84 4230097 ghi ngày gửi đi 13/3/2020 để rồi ngày 17/3/2020 nó mới đến với người nhận!? Nghĩa là kể từ ngày Thông báo thụ lý vụ án được ký thì sau 2 tháng 4 ngày, văn bản này mới được tống đạt cho nguyên đơn Lê Thị Minh Thuỳ.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm được ghi ngày ký 14/2/2020 nhưng lại được gửi đi (cùng phong bì nói trên) ngày 13/3/2020 (quá ngày 9/3/2020 - ngày mở phiên toà lần 1 xử vắng nguyên đơn), để rồi ngày 17/3/2020, nó mới đến tay người nhận. Nghĩa là, là phải mất 1 tháng 3 ngày kể từ khi được ký, Quyết định nói trên mới được tống đạt cho nguyên đơn Lê Thị Minh Thuỳ.
Bì thư thứ hai chứa Giấy triệu tập tham dự phiên tòa, đề ngày ký ngày 4/3/2020 (có nội dung triệu tập nguyên đơn đến phiên xét xử phúc thẩm lần 1 đã diễn ra lúc 7h30 ngày 9/3/2020 vắng nguyên đơn) nhưng lại có dấu bưu điện RD 841810971 ghi ngày gửi đi là 8/3/2020 và đến ngày 17/3/2020 nguyên đơn mới nhận được, tức là đã qua thời điểm diễn ra phiên xét xử phúc thẩm 8 ngày.
Từ những bằng chứng nói trên, ngày 19/3/2020, nguyên đơn Lê Thị Minh Thuỳ chính thức gửi đơn đến TAND tỉnh Tây Ninh tố cáo HĐXX cấp phúc thẩm và Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Phạm Thị Hồng Vân đã vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục tố tụng dân sự trong việc tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Và để đảm bảo sự vô tư, khách quan khi giải quyết vụ án, trong đơn, bà Lê Thị Minh Thùy còn đề nghị TAND tỉnh Tây Ninh thay đổi các thành viên HĐXX.
Bà Thùy tại phiên tòa sơ thẩm |
Bà Lê Thị Minh Thùy vào làm việc tại Đài PT&TH Tây Ninh từ năm 2003 với nhiệm vụ được phân công là Phát thanh viên (PTV). Trong nhiều năm công tác, PTV Thùy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2006, bà được bầu làm tổ trưởng tổ PTV của Đài. Năm 2010 bà được Đài ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Năm 2016, phát hiện lãnh đạo Đài PT&TH Tây Ninh có sai phạm về tài chính, bà Thùy làm đơn tố cáo gửi đến các cấp trong tỉnh Tây Ninh. Năm 2017, cả Ban giám đốc Đài bị UBND tỉnh Tây Ninh kỷ luật và điều chuyển công tác khác.
Trước khi bị điều chuyển, ông Nguyễn Nam Giang - Bí thư Đảng uỷ kiêm Giám đốc Đài PT&TH Tây Ninh đã căn cứ vào Báo cáo số 01 của Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh kết luận PTV Lê Thị Minh Thùy phải “kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với viên chức tự ý hoán đổi thời gian làm việc” để ra Quyết định số 05 kỷ luật khiển trách Đảng (chứ không phải về mặt chính quyền) đối với PTV Lê Thị Minh Thùy. PTV Lê Thị Minh Thùy khiếu nại nhiều lần Quyết định kỷ luật khiển trách Đảng nói trên nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền nào giải quyết.
Căn cứ Quyết định kỷ luật khiển trách Đảng nói trên, Ban Giám đốc Đài PT&TH Tây Ninh đánh giá, xếp loại PTV Lê Thị Minh Thùy “không hoàn thành nhiệm vụ năm 2017”. Theo Luật sư Phạm Quốc Bình, người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, dựa vào quyết định kỷ luật khiển trách Đảng số 05 để đánh giá viên chức Lê Thị Minh Thùy không hoàn thành nhiệm vụ năm 2017 là không đúng quy định tại Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về Đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
Ngày 18/12/2018, Giám đốc Đài PT&TH Tây Ninh có Quyết định số 184/QĐ-PTTH kỷ luật khiển trách viên chức Lê Thị Minh Thùy với lý do: “Nghỉ liên tục nhiều ngày - tự ý hoán đổi thời gian làm việc để nghỉ liên tục từ ngày 20/02/2018 đến hết ngày 28/02/2018, không có đơn xin phép, không có sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị... Những sai phạm trên đã vi phạm: Điều 10 của Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012; Công văn 982/SNV-TTr ngày 04/7/2017 của Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh; Điều 29 Quy chế làm việc của Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh”. Trong khi đó, PTV Lê Thị Minh Thùy đã trực đúng ngày được phân công mà lịch trực lại do chính Giám đốc Đài PT&TH Tây Ninh phê duyệt. Và trong những ngày PTV Lê Thị Minh Thùy làm việc, chương trình do bà thực hiện vẫn được phát sóng, bà Thuỳ vẫn được nhận tiền bồi dưỡng 100.000 đồng/ca trực theo quy định. Ban Giám đốc không xác định được viên chức Lê Thị Minh Thùy nghỉ bù hay nghỉ không có lý do và nghỉ bao nhiêu ngày nhưng vẫn tiến hành kỷ luật để rồi từ đó, PTV Lê Thị Minh Thùy lại bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2018”.
Căn cứ những kết quả xếp loại nói trên, ngày 19/02/2019, ông Vũ Xuân Trường - người được bổ nhiệm thay ông Nguyễn Nam Giang làm Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh - đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-PTTH về việc “chấm dứt hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với PTV Lê Thị Minh Thùy” với lý do: “Có 02 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ, thuộc diện bị tinh giản biên chế năm 2019 của đơn vị”.
PTV Lê Thị Minh Thùy đã có đơn khởi kiện ra TAND TP Tây Ninh yêu cầu hủy Quyết định số 17/QĐ-PTTH ngày 19/02/2019 nói trên của Đài PTTH Tây Ninh, về việc chấm dứt hợp đồng làm việc không các định thời hạn đối với bà, buộc Đài PT&TH Tây Ninh phải nhận lại bà trở lại làm việc lại theo Hợp đồng đã được ký kết, buộc Đài PT&TH Tây Ninh phải thanh toán tất cả các khoản lương, phụ cấp cho bà Thuỳ kể từ ngày chấm dứt ngày 25/02/2019 cho đến nay.
Ngoài ra, ngày 12/11/2019, PTV Lê Thị Minh Thùy có đơn khởi kiện bổ sung với nội dung: Yêu cầu Đài PT&TH Tây Ninh thu hồi Quyết định số 184/QĐ-PTTTH ngày 18/12/2018 và Quyết định số 08/QĐ-PTTH về việc giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại của bà Lê Thị Minh Thùy; Buộc Đài PT&TH Tây Ninh phải thanh toán trả bà Lê Thị Minh Thùy số tiền Bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ việc. Tuy nhiên, đơn này đã bị Tòa án đã không chấp nhận với lý do: “Vượt quá yêu cầu khởi kiện”. Theo luật sư Phạm Quốc Bình, việc không chấp nhận đơn khởi kiện bổ sung này là trái quy định pháp luật vì Quyết định số 184/QĐ-PTTTH ngày 18/12/2018 nói trên có liên quan đến tranh chấp hợp đồng làm việc giữa bà Thùy với Đài PT&TH Tây Ninh. Do đó nó nằm trong phạm vi khởi kiện và giải quyết vụ án. Nếu tòa án bác nội dung khởi kiện bổ sung này thì việc xem xét giải quyết là không triệt để theo quy định pháp luật, đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Lê Thị Minh Thùy.
Trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ kiện, tại phần hỏi - đáp, luật sư và nguyên đơn đã đưa ra nhiều câu hỏi xong bị đơn không trả lời được, hoặc trả lời mâu thuẫn với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án nhưng điều này lại không được hội đồng xét xử xem xét, làm rõ.
Tại phần tranh tụng, bị đơn không đưa ra được bất cứ căn cứ pháp lý nào để khẳng định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với PTV Lê Thị Minh Thùy là đúng pháp luật. Bị đơn viện dẫn căn cứ là ông văn 3211 hướng dẫn đánh giá đảng viên và công văn của UBND tỉnh Tây Ninh và dựa trên quyết định kỷ luật khiển trách Đảng để đánh giá viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Về điều này, Luật sư Phạm Quốc Bình cho rằng: Việc đánh giá, sử dụng, phân loại viên chức phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật Viên chức. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với viên chức Lê Thị Minh Thùy đã không thực hiện đúng theo Điểm b, Khoản 1, Điều 29, Luật Viên chức. Tuy nhiên, tòa đã không chấp nhận lời trình bày của luật sư Phạm Quốc Bình và không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn mà không đưa ra căn cứ pháp luật rõ ràng.
Khoản 1, Điều 22, Bộ luật TTDS 2015 về trách nhiệm chuyển giao giấy tờ của toà án: “Tòa án có trách nhiệm tống đạt, chuyển giao, thông báo bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Tòa án theo quy định của Bộ luật này”. |