Tại sao UBND xã Hoằng Trung giao khoán thu chợ cho người không có địa chỉ cư trú và đang nợ thuế Nhà nước...?
Đơn thư bạn đọc 05/08/2021 13:30
Từ hồ sơ cho thấy: Để triển khai họp chợ, ngày 26/11/2002, UBND xã Hoằng Trung ra Thông báo số 67 giải quyết đơn xin thầu, góp vốn Chợ ga Nghĩa Trang (nay là chợ Thị Tứ, xã Hoằng Trung) kêu gọi thành viên góp vốn để cưới chợ này. Theo đề nghị, ông Đỗ Văn Tập đã nộp 10 triệu đồng góp vốn để cưới chợ gia súc, gia cầm nêu trên và ông Tập đã được UBND xã Hoằng Trung cho nhận thầu thu phí và bảo vệ chợ.
| ||
Chợ Thị Tứ xã Hoằng Trung |
Sau gần 10 năm xây dựng, từ bãi đất hoang đến năm 2011 thì chợ Ga Nghĩa Trang được đổi tên thành chợ Thị Tứ xã Hoằng Trung và được công nhận chợ loại 3, nằm trong hệ thống chợ của huyện Hoằng Hóa. Vì, vợ chồng ông Tập có công đóng góp, có kinh nghiệm quản lý chợ cho nên được UBND xã giao thu phí với hợp đồng 5 năm một chu kỳ và mức thu kỳ sau cao hơn kỳ trước từ 15 đến 20% , theo đó gia đình ông Đỗ Văn Tập đầu tư làm thêm ki ốt, khu bán gia súc, gia cầm, rau, quả ...đảm bảo vệ sinh, vì vậy tiểu thương về đây ngày một đông.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị T, tiểu thương chợ này cho biết: "Trước đó, tôi bán bánh khoái ở chợ Già, xã Hoằng Kim, từ 2005 trở lại đây tôi bán hàng tại chợ Thị Tứ xã Hoằng Trung. Là công dân địa phương, tôi biết khá rõ và chứng kiến sự phát triển của chợ. Mặc dù sau khi có chợ, nhưng khu vực này phần lớn là đầm lầy, nhiều vũng trâu đẵm, chỉ có ít diện tích là bãi đất hoang, Nhân dân gần nhà ga, buổi sáng và chiều ra đây bán nắm rau, mớ cá, tép đánh được ven sông… Dần dần, nơi đây trở thành điểm giao thương sản vật của người dân trong xã. Ngày ấy, chúng tôi chứng kiến vợ chồng anh Tập tối đến chở đất để hoàn thiện những phần lỗi lòm của chợ, đến năm 2011, chợ này được UBND xã Hoằng Trung nâng cấp cho đến nay anh Tập vẫn thực hiện quản lý chợ rất tốt".
Ông Đỗ Văn Tập trình bày: Đến ngày 1/1/2021, hợp đồng giao khoán thu phí chợ Thị Tứ xã Hoằng Trung giữa UBND xã Hoằng Trung và gia đình ông hết thời hiệu. Ông nghe nói UBND xã chỉ bán hồ sơ đấu thầu cho công ty để chọn nhà thầu chợ, chứ không ưu tiên cho người có công tham gia xây dựng chợ, nên ông thành lập Công ty. Ngày 21/5/2021, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp cho ông làm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tập Sen, có địa chỉ tại thôn Trinh Hà, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa để làm cơ sở pháp lý mua hồ sơ tham gia đấu thầu thu phí chợ Thị tứ xã Hoằng Trung theo tinh thần của xã.
| ||
Mái tôn được ông Tập lợp lần 2 |
Ngày 25/5/2021, UBND xã Hoằng Trung phát hành Phương án lựa chọn đơn vị nhận khoán để kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, kèm theo bán hồ sơ chấm thầu để lựa chọn nhà thầu chợ Thị Tứ xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa. Chợ này có tổng diện tích quy hoạch 3.620,7m2, trong dó: diện tích xây dựng 956m2, còn lại là nhà vệ sinh, sân phơi và các công trình khác. Việc tổ chức mua hồ sơ “đấu thầu” chợ được UBND xã Hoằng Trung thông báo trên cổng thông tin điện tử của xã, có 2 người mua hồ sơ. Gồm: Công ty TNHH Thương mại Tập Sen và hộ kinh doanh cá thể là bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ, hồ sơ có ghi: nhà số 9, phố Phúc Sơn, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa (hồ sơ này chưa được UBND thị trấn Bút Sơn xác nhận nhân thân của bà Lệ). Giá thầu thi phí chợ ban đầu do xã đưa ra là 60 triệu đồng/năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 1/6/2021, UBND xã Hoằng Trung tổ chức chấm điểm hồ sơ để chọn đơn vị giao khoán thu phí chợ Thị Tứ xã Hoằng Trung, bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ đã có số điểm cao hơn Công ty NTHH Thương mại Tập Sen 5 điểm, vì được cộng thêm điểm “ưu tiên phần phụ”, với giá nhận thầu là 126 triệu đồng/năm. Sở dĩ bà Lệ “trúng thầu” vì đưa ra phương án tài chính đó là cam kết: Trong 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng bà sẽ đấu mối, xin ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông vào chợ, mặt đường từ 4,5 đến 5m, giá trị công trình là 4.250.000.000 đồng, nếu không xin được vốn ngân sách thì bà sẽ hỗ trợ từ 30 đến 50% giá trị công trình. Vì vậy, UBND xã Hoằng Trung chấm điểm cao để bà Lệ được nhận khoán thu phí chợ nêu trên. Còn ông Đỗ Văn Tập chỉ đạt 121 triệu đồng/năm, vì tiêu chí phụ về phát triển chợ kém bà Sen, UBND xã không chấm điểm ưu tiên cho đơn vị đang nhận khoán thu phí chợ này trước đó.
Theo ông Tập: Tổng thu phí chợ mỗi tháng ước đạt từ 20 đến 25 triệu đồng, từ năm 2019 trở lại đây dịch Covid-19 bùng phát nên nguồn thu còn ít hơn. Về chi phí: Trả công cho người thu phí chợ = 3 triệu đồng + 6 triệu đồng thuê xe chở rác = 9 triệu đồng. Như vậy, vợ chồng ông ngày đêm bảo vệ ngoài chợ và quét, rửa chợ, nếu tính thì mỗi người chỉ được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Việc UBND xã cho người ngoài xã vào mua hồ sơ để tham gia “đấu thầu” thu phí chợ, ông không thắc mắc. Nhưng, UBND xã ưu tiên cho bà Lệ vì hứa “sau 3 tháng sau khi ký hợp đồng nhận chợ bà sẽ xin vốn ngân sách để làm đường giao thông 4,25 tỷ đồng” làm ông nghi ngờ về năng lực của bà ấy. Sau khi trúng thầu bà Lệ đã kiểm kê tài sản của gia đình ông đã đầu tư vào chợ và hứa “sẽ trả lại tiền cho vợ chồng ông đã đầu tư vào ngày gần nhất”. Nhưng hơn 2 tháng trôi qua, bà ấy không trở lại, tôi lần tìm theo địa chỉ của bà theo hồ sơ đăng ký với xã để lấy tiền, thì mới biết “bà Lệ không có địa chỉ như trong hồ sơ đấu thầu chợ” nên tôi mới có ý kiến.
Với sự việc trên, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao UBND xã không yêu cầu bà Lệ xin chữ ký của UBND thị trấn Bút Sơn xác nhận nhân thân? Ông Lê Văn Tý, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trung cho rằng: "Chúng tôi cần gì phải làm việc này, chỉ cần hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân là đủ, hơn nữa UBND xã đã thuê Công ty Luật tư vấn hướng dẫn làm hồ sơ... ”
Qua điện thoại, ông Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn cho biết: Bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ, 3 năm trở lại đây đã rời khỏi nơi cư trú, mấy lần UBND thị trấn nhận được thông báo của Chi cục Thuế huyện Hoằng Hóa về việc bà ấy nợ thuế Nhà nước, nhưng không biết bà này ở đâu để chuyển thông tin...
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại Chi cục Thuế huyện Hoằng Hóa, số liệu nợ thuế của bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ được ghi rõ: Từ tháng 7/2020 về trước, bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ làm Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại, công ty này đang nợ thuế Nhà nước 471.175.187 đồng. Về cá nhân, đến 19/5/2021, bà Lệ nợ thuế 23.315.872 đồng. Sau khi biết bà Lệ “trúng thầu” chợ Thị Tứ xã Hoằng Trung, cán bộ Chi cục Thuế đã cử nhân viên lên để can thiệp, nhằm thu thuế do bà Lệ đang nợ, nhưng Chủ tịch UBND xã Hằng Trung cho rằng: Bà Lệ đóng 300 triệu để thế chấp kêu gọi vốn đầu tư xây dựng đường giao thông cho xã là đúng, nhưng số tiền này xã không thể giao cho cơ quan thuế được.
| ||
Ki ốt trong chợ đảm bảo an toàn, an ninh |
Được biết, hiện nay Chính phủ khuyến khích mở lại chợ truyền thống, theo đó là ưu tiên tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính, có uy tín với tiểu thương, có kinh nghiệm, nhiệt huyết để giao quản lý chợ. Việc, ông Đỗ Văn Tập, từ người nhận khoán thu phí chợ, sau 19 năm quản lý chợ vợ chồng ông đã tự bỏ tiền túi để đầu tư vào chợ khoảng 1,5 tỷ đồng là điều đáng được ghi nhận. Nhưng việc làm của vợ chồng ông Tập đã bị UBND xã Hoằng Trung cho rằng “không báo cáo”, có thể phải tháo dỡ vật liệu xây dựng đi nơi khác để giao chợ cho bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ - người đã "qua mặt" UBND xã ngay từ khâu làm hồ sơ tham gia “đấu thầu” chợ, mặc dù các khu nhà mái tôn và các hạng mục khác đã hình thành rất cần cho tiêu thương sử dụng.
Đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa chỉ đạo kiểm tra, làm rõ vì sao UBND xã Hoằng Trung lại “bằng mọi giá” giao khoán thu chợ Thị Tứ xã Hoằng Trung cho người không có địa chỉ cư trú và đang nợ thuế Nhà nước, kiểm điểm trách nhiệm, tập thể, cá nhân đã để ra sai phạm trên.