Tại sao người thương binh già không được khai thác rừng do chính mình trồng?
Pháp luật - Bạn đọc 09/01/2024 07:25
Đâu là lối thoát cho 28,7ha rừng đang mắc kẹt? Đang là câu hỏi chưa lời giải đáp, và đang trở thành nỗi niềm canh cánh của người thương binh cao tuổi, khi thời gian không thể mãi chờ đợi ông, khi đã 76 tuổi, không còn nhiều thời gian để... “đợi chờ”.
Tiếng kêu cứu của người thương binh cao tuổi
Hiện sức khỏe của ông Nguyễn Quý Khiêm, thương binh hạng 2/4, ở xóm Mường Dao, xã Độc Lập, TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình ngày càng yếu đi do mang trên mình thương tật của chiến tranh.
Những năm tuổi còn trẻ, khi vừa rời quân ngũ, dù cơ thể không còn lành lặn nhưng theo chủ trương của Nhà nước khuyến khích người dân nhận đồi núi trọc để trồng rừng, làm kinh tế, ông và gia đình đã viết đơn xin nhận đất. Đơn của ông đã được ông Chủ nhiệm Hợp tác xã kí giấy cho đất đồi trọc, để trồng rừng cây keo vào năm 1997.
Ông Nguyễn Quý Khiêm trao đổi với phóng viên về việc “mắc kẹt” với chính khu rừng mình trồng. |
Ông Khiêm cho biết: Thời điểm đó, dù sức người và nghị lực vượt qua khó khăn thoát nghèo là rất lớn. Nhưng, tiền đầu tư cho cây giống, phân bón cũng như trước hết phải có cái ăn để bỏ vào bụng, thì lại vô cùng khó khăn. Khi ấy, Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn (nay là Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam) là một tổ chức kinh tế Nhà nước trực thuộc UBND huyện Kỳ Sơn có kế hoạch cùng người dân trồng rừng nguyên liệu. Nên vào năm 1998, ông Khiêm và gia đình đã kí Hợp đồng trồng rừng (theo mẫu Hợp đồng soạn sẵn của Xí nghiệp) với Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn.
Sau chu kì trồng rừng lần một (kết thúc vào năm 2008) thì đến chu kì lần hai (bắt đầu từ năm 2009), vẫn trên tinh thần đó, gia đình ông Khiêm đã kí vào Hợp đồng vay vốn trồng rừng số: 70 XN/HĐTR ngày 20/5/2009 (số tiền là 221.058.937 đồng) và Hợp đồng giao khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất lâm nghiệp theo Hợp đồng vay vốn số: 70 XN/HĐTR.
Những bức xúc không được hồi đáp
Năm 2016, khi hết chu kì trồng rừng, do ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng cây trồng không đồng đều. Bên cạnh đó, theo Hợp đồng số 70: XN/HĐTR (bên A là Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn không kí đóng dấu), căn cứ trên các quy định của pháp luật nên đồng thời không phát sinh hiệu lực, ông Khiêm và gia đình làm đơn xin trả lại số tiền vay và phần lãi theo quy định. Tuy nhiên, Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình không nhận tiền.
Hợp đồng vay vốn trồng rừng nguyên liệu số: 70 XN/HĐTR ngày 20/5/2009 giữa ông Khiêm và Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn. |
“Xin trả tiền không được, xin khai thác rừng không xong. Chúng tôi đang lâm vào trạng thái “mắc kẹt” với cánh rừng của chính mình, “mắc kẹt” với sự bất hợp lí trong cách thức và cơ chế quản lí của Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn và sau đó là Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Hơn thế nữa, rừng keo đến kì thu hoạch nhưng không được khai thác, đang khiến bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình tôi cũng vì thế mà “mắc kẹt” trên rừng”, ông Khiêm búc xúc.
Đáng lo ngại hơn, nhiều cây keo tượng trong rừng của ông Khiêm đang chết dần, tạo nên những mảng rừng khô hạn, cây cối kiệt quệ, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Câu hỏi đặt ra là, nếu như không may xảy ra hoả hoạn, rừng bị cháy, thì ai (tổ chức nào) sẽ là người phải chịu trách nhiệm?!
Cực chẳng đã, ông Khiêm đã quyết định khởi kiện yêu cầu TAND TP Hòa Bình không công nhận tính pháp lí của Hợp đồng số 70: XN/HĐTR. Đơn của ông đã được gửi đến Toà với hi vọng rằng, sự công tâm của Tòa án sẽ tìm ra “lối thoát” cho tình thế “mắc kẹt” của mình.
Trao đổi với phóng viên, ông Khiêm chia sẻ: Khi tôi tiếp tục gửi đơn vào ngày 26/3/2022 về việc giải quyết cho tôi được khai thác, được bán gỗ rừng trồng để tránh rủi ro, cây chết, gẫy đổ hoặc giá xuống; đồng thời xem xét Hợp đồng (do bên A không kí xác nhận) để cho tôi được trả tiền vay đã kí nhận. Ngày 27/4/2022, tôi nhận được Văn bản số: 405/TCT - PC&KSNB của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, do Tổng Giám đốc Lê Quốc Khánh kí trả lời đơn đề nghị của tôi.
Theo đó, Văn bản số: 405/TCT - PC&KSNC, khẳng định: Hợp đồng vay vốn trồng rừng nguyên liệu và Hợp đồng giao khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất lâm nghiệp giữa Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình và ông Nguyễn Quý Khiêm là không vô hiệu, các căn cứ theo Điều 122 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 (nay là Điều 117 BLDS năm 2015) - có trích điều luật, cùng các Điều 127 đến Điều 134 BLDS năm 2005.
Nêu quan điểm về tính pháp lí của Hợp đồng số: 70 XN/HĐTR, luật sư Bùi Thị Kim Liên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình là một pháp nhân, pháp nhân khi thực hiện giao dịch dân sự có năng lực hành vi của pháp nhân, được thể hiện thông qua hành vi của người đại diện. Việc kí tên và đóng dấu là hai yếu tố quan trọng để khẳng định giá trị pháp lí của văn bản, giấy tờ do các cơ quan, doanh nghiệp hay tổ chức ban hành. Cơ sở pháp lí về quy định trong việc kí tên và đóng dấu được quy định tại Nghị định số: 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác văn thư.
Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn là một tổ chức, có người đại diện theo pháp luật, có người chịu trách nhiệm trước pháp luật, vì vậy khi thực hiện mọi giao dịch phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật đối với tổ chức. Bên cạnh đó, khi Tổng Công ty trích dẫn các Điều 2, Khoản 11, Điều 73, Điều 79, Điều 81 Luật Lâm nghiệp năm 2017, lại một lần tiếp tục “có sự nhầm lẫn”. “Điều 2 Khoản 11: Quyền sử dụng rừng là: Quyền của chủ rừng được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng”. Trong khi đó, tại Khoản 7 nêu về “rừng trồng”; Khoản 9 “chủ rừng”; Khoản 10 “Quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng” thì Tổng Công ty không nêu.
Bên A (Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn), đơn vị đại diện giao đất, cấp vốn. Người trồng rừng, chủ rừng là bên B nên ông Khiêm có quyền theo quy định tại Khoản 7, 9, 10 Điều 2; Điều 73 và ông Khiêm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được quy định tại Điều 74; Điều 82 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Qua các nội dung trên, liệu đang có một “thế trận” đùn đẩy không cho khai thác khiến người trồng keo kiệt quệ niềm tin? “Thế trận” này đang diễn ra theo cách dùng dằng, nhùng nhằng hàng chục năm qua, mà chưa có cách nào “thoát” ra được?
Ông Khiêm bức xúc: “Thực tế, giá trị khu rừng của tôi hiện tại là khoảng 4 tỉ đồng nhưng vì không được khai thác đúng chu kì, cây chết nhiều dẫn đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 1,8 tỉ đồng. Như vậy, rừng mà gia đình tôi bỏ công sức trồng đã giảm giá trị trên 50%, thiệt hại này ai chịu trách nhiệm, ai đền bù cho gia đình tôi? Hay “cha chung không ai khóc”, để đẩy rủi ro thiệt hại về phía người dân?”.