Sốt ruột vì... giải ngân!
Trong mắt người già 10/08/2022 10:51
Giải ngân chậm dẫn đến nhiều dự án, công trình lớn của quốc gia bị ảnh hưởng đến tiến độ. Cạnh đó tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao làm nhiều dự án lớn lâm vào cảnh “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”. Đến giữa năm nay, có 9 dự án giao thông chậm tiến độ so với kế hoạch vì giải ngân chậm, gồm:
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; Quốc lộ 279B; Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa, Quốc lộ 15; dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch; dự án đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi giá xăng tăng, các loại vật liệu hầu hết tăng từ 20% đến 30% so với giá trị hợp đồng. Đến nay tuy giá xăng dầu đã giảm nhưng giá cả nhìn chung vẫn đứng yên ở mức cao. Sự biến động của giá cả quá lớn, nên đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn thành theo hợp đồng cũng phải tăng theo. Dù nhà thầu đã rất cố gắng xoay xở, nhưng việc mất cân đối dòng tiền là quá lớn, vượt hạn mức của ngân hàng nên không thể tiếp tục vay. Vì thế, không ít doanh nghiệp xây dựng đối mặt với nguy cơ “chết dần” trước tình trạng biến động quá lớn của giá cả vật liệu và... thiếu tiền.
Tình trạng giải ngân quá thấp gây lãng phí các nguồn lực của đất nước. Nếu cứ để tình trạng có tiền không tiêu được sẽ làm chậm tiến độ và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nhiều dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Dư luận cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, phân rõ trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư cho các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương về việc giải ngân.