Sôi động phong trào NCT làm kinh tế giỏi ở huyện Duy Xuyên
NCT làm kinh tế giỏi 19/06/2023 14:46
Trong 5 năm qua (2018 - 2023), trong huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương NCT tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Trên lĩnh vực nông nghiệp
Hiện huyện Duy Xuyên có 90% người dân làm nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa. Toàn huyện có 19.630 NCT, trong đó có hơn 10.000 NCT từ 60 đến 79 tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh. Qua tổng kết ở các Hội cơ sở, toàn huyện có gần 700 NCT làm kinh tế giỏi các cấp, trong đó có 50 NCT là chủ trang trại, gia trại, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Vườn trồng cây tiêu của nhóm hộ ông Phan Ngọc Ân. |
Mỗi người, dù ngành nghề khác nhau, xuất thân, xuất phát điểm khác nhau nhưng có chung một ý chí là quyết tâm làm giàu, với tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, họ không chỉ thiết thực đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quê hương mà còn định hướng, giáo dục, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động.
Bám sát vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện về quy hoạch sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội NCT trong huyện đã vận động cán bộ, hội viên khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Mở rộng diện tích trồng rừng tập trung, đưa các cây con giống có năng suất cao vào sản xuất, nhiều hộ NCT có thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Tiêu biểu trong phong trào này phải kể đến mô hình nuôi đa con, trồng đa cây của các ông Hồ Đại Hải, ông Hồ Duy Nhân, ở xã Duy Hòa trồng 29 ha rừng, thu nhập từ trồng rừng từ 288 triệu đồng - 408 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các ông còn nuôi các loại cá nước ngọt, trên bờ ao trồng dừa, rau màu và chăn nuôi thêm heo, gà vịt, mỗi năm thu nhập trên 42 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Theo Báo cáo của Hội NCT xã Duy Hòa, hiện toàn xã có 50 NCT làm kinh tế giỏi các cấp, là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, lâm nghiệp.
Với mô hình trồng cây tiêu của nhóm hộ ông Nguyễn Ngọc Ân, ông Võ Ba, ông Võ Quốc Pháp, ở thôn Thạnh Xuyên, xã Duy Thu được xem là điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Nông dân ở nhiều nơi đã đến tham quan, học tập mô hình được nhóm hộ chia sẻ kinh nghiệm. Cây tiêu phù hợp với vùng đất này, phát triển tốt, mang lại lợi ích kinh tế cao, hằng năm thu lợi nhuận 120 triệu đồng/1 hộ và còn giải quyết việc làm cho 20 lao động nông nhàn.
Dù đã ở tuổi được nghỉ ngơi, nhưng ông Nguyễn Xuân Từ, ở thị trấn Nam Phước vẫn lao động làm gương cho con cháu, không tạo thói quen ỷ lại vào các con. Với bản tính cần cù, ham học hỏi, ông xây dựng trang trại nuôi gà tập trung, quy mô tổng đàn lên đến 3.000 con, doanh thu hằng năm đạt trên 1 tỉ đồng, giải quyết 6 lao động có việc làm và 15 lao động thời vụ...
Còn ở thôn Thành Triều, xã Duy Nghĩa, có mô hình nuôi tôm nước lợ của ông Phan Ngọc Huy, ông Lê Văn Nhân, với diện tích ao nuôi tổng cộng 14.000m2, mỗi năm mang lại lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Các ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn truyền những kinh nghiệm quý giá và nhiệt tình hướng dẫn NCT cùng tham gia làm kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình.
Trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng
Nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Vốn vay, gọi mời, nhiều NCT trong huyện đã mạnh dạn vay vốn thành lập công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, đầu tư máy móc hiện đại đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh doanh. Ở thị trấn Nam Phước có ông Nguyễn Ngọc Sáu, sản xuất vật liệu xây dựng bằng công nghệ mới, hiện đại, đạt doanh thu 7 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 40 lao động. Ngoài ra, ông Sáu luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong khối phố tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động hội viên thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “NCT tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông”…
Hay ông Trần Công Chín, đầu tư vốn xây dựng nhà máy nước đá, đem lại doanh thu không dưới 1 tỉ đồng/năm, giải quyết 7 lao động có việc làm, thu nhập ổn định; ông Trương Quốc Lâm, ở xã Duy Thu, sau khi về hưu cùng với con cháu trong gia đình mạnh dạn bỏ vốn 10 tỉ đồng để thành lập Công ty TNHH MTV Lâm Trường Thịnh, hoạt động trên lĩnh vực xây dựng dân dụng, thu lợi nhuận trên 1 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 32 lao động, với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, đóng góp phúc lợi xã hội, ông còn tích cực tham gia công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Trong lĩnh vực xây dựng, hội viên Phan Ngọc Thí, ở xã Duy Sơn cũng đạt doanh thu hơn 1 tỉ đồng/năm; hay với nghề sản xuất đá mĩ nghệ, hội viên Huỳnh Văn Nguyện, ở xã Duy Phú, có doanh thu 10 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn nông thôn.
Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ
Những năm gần đây, với nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh và huyện, địa phương khuyến khích bà con phát triển, mở rộng nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đem lại lợi nhuận không hề nhỏ.
Điển hình như cơ sở sản xuất chổi đót của bà Phạm Thị Lang, ở xã Duy Trinh, có doanh thu trên 1 tỉ/năm, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm. Hay các ông Hồ Duy Cường, ở xã Duy Tân; ông Ngô Đình Cấp, ở xã Duy Châu mở cửa hàng bách hóa, mỗi hộ có thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Cơ sở tráng mì lá của bà Võ Thị An, cơ sở tre mĩ nghệ của ông Trần Hùng, ở xã Duy Vinh, không chỉ cho thu nhập cao mà còn là điểm đến tham quan, trải nghiệm tráng bánh, chẻ tre, vui chơi... cho du khách khi đến Duy Xuyên.
Các cơ sở trên đã tạo nên thương hiệu sản phẩm du lịch nông thôn độc đáo đã và đang phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của xã sông nước Duy Vinh. Hội NCT xã Duy Vinh cho rằng, phát triển du lịch nông thôn là một trong những mục tiêu xây dựng nông thôn mới, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn nói chung, NCT nói riêng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, các doanh nhiệp, cá nhân làm kinh tế giỏi cùng với gia đình luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Gương mẫu đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt nghĩa vụ thuế Nhà nước, đồng thời đóng góp phúc lợi xã hội, tham gia công tác từ thiện, giúp đỡ người khó khăn, già yếu, bệnh tật.
Có thể nói, phát huy vai trò, bản chất lao động cần cù, sáng tạo, NCT trong huyện đã khẳng định bản thân qua thành quả lao động, được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận. Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của NCT đã tác động tích cực đến cán bộ, hội viên, NCT tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nâng cao đời sống NCT, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, qua phong trào, người cao tuổi đoàn kết, tương trợ, học hỏi kinh nghiệm, tạo điều kiện cùng nhau phát triển, giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Hiện toàn huyện có hơn 300 NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương.
Thời gian tới, các cấp Hội NCT trong huyện Duy Xuyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện trong việc đẩy mạnh truyền thông để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; thực hiện các chính sách đối với NCT trong bối cảnh già hóa dân số. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào NCT làm kinh tế giỏi, động viên NCT tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp Hội NCT, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội phát động.