Sau sợi tóc sẽ là gì?
Trong mắt người già 05/01/2024 16:41
Thông tin này vô hình trung làm hàng ngàn người dân tò mò, hiếu kì hành hương đến chùa Ba Vàng chiêm bái xá lợi tóc Đức Phật. Theo đó, trên các trang mạng xã hội đầy rẫy hình ảnh các phật tử cúi đầu chiêm bái sợi tóc của Đức Phật, có người xúc động rơi nước mắt, có người van vái khẩn thiết cầu xin.
Câu chuyện cũng chỉ nóng lên mấy ngày, sau đó không ít người nghi ngờ, thấy “có gì đó sai sai”. Bởi theo khoa học, xá lợi tóc chuyển động là không có thật, thiếu sức thuyết phục.
"Xá lợi tóc Đức Phật" được trưng bày tại chùa Ba Vàng từ 23/12 đến 27/12. Ảnh theo dantri.opmoc.com |
Từ chỗ không thuyết phục được những phật tử và người dân về “sợi tóc 2.600 năm của Đức Phật” khiến dư luận đòi làm rõ sự thật. “Giọt nước” cuối cùng “làm tràn li” là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu chùa Ba Vàng gỡ bỏ thông tin về "Xá lợi tóc Đức Phật". Thế rồi, trưa 31/12, trang web chính thức của chùa Ba Vàng phải gỡ bỏ những thông tin giới thiệu, hình ảnh của xá lợi tóc của Đức Phật. Ngoài ra, các tài khoản trên mạng xã hội của chùa Ba Vàng, Facebook của thầy trụ trì chùa cũng không còn những thông tin này.
Tín ngưỡng tôn giáo của người dân dựa trên thực tế. Để niềm tin ấy luôn được tôn trọng, tín ngưỡng tôn giáo mới có “đất” phát triển, đạo Phật không thể để những biến tướng kiểu này tạo sự mê lạc trong một bộ phận dân chúng. Vì thế, dư luận mong từ nay về sau, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo và xử lí nghiêm theo giới luật Phật giáo, Hiến chương và Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra như nêu trên. Cạnh đó, nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến vụ việc có sai phạm cần phải xử lí nghiêm khắc.
Mấy năm trước, cũng tại chùa Ba Vàng “nổi sóng” bởi câu chuyện “thỉnh vong giải oán”. Các vị chức sắc ở chùa này cho rằng, mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều do oán hồn từ kiếp trước gây ra. Người ở kiếp này muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” (bằng tiền mặt thông qua việc công đức vào nhà chùa) theo lời vong yêu cầu.
Ngày nay trình độ dân trí người Việt đã được nâng cao, vì thế, dẫu là Phật tử trung thành đến mấy cũng đều có quyền nghi ngờ những việc làm mang màu sắc mê tín, dị đoan. Bởi nếu là xá lợi tóc Đức Phật thật thì đó là "quốc bảo" của Myanmar, không phải ai muốn "cung thỉnh" ra khỏi đất nước cũng được. Và nếu là xá lợi tóc Đức Phật thật thì việc đón về Việt Nam và "trở về cố quốc" sao không được tổ chức thành đại lễ trang trọng, thiêng liêng một cách công khai để bàn dân thiên hạ hỉ hả?.