Quảng Bình: Hiệu trưởng trường Mầm Non bị tố áp đặt các khoản thu đầu năm
Pháp luật - Bạn đọc 24/09/2020 09:57
Xã hội hóa kiểu áp đặt và bán rau cho học sinh 50.000 đồng/kg
Thời gian gần đây, phóng viên Tạp chí Ngày mới online nhận được đơn của người dân xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa tố cáo bà Đinh Thị Hiệu, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 1 xã Trung Hóa lạm quyền, áp đặt các khoản thu đầu năm.
|
Đơn tố cáo nêu: Bước vào năm học mới 2020 – 2021, phụ huynh nhất trí 100% với các khoản thu để mua đồ dùng cho con em học tập, ăn, ở bán trú. Tuy nhiên còn có nhiều vấn đề bức xúc mà phụ huynh không thể không tố cáo, đó là khoản tiền thu thuê bảo vệ trường mỗi cháu 50.000 đồng/năm; tiền xã hội hóa để làm giàn dây leo mỗi cháu phải nộp 200.000 đồng/năm; tiền cô nuôi năm học trước nộp mỗi cháu 45.000 đồng/tháng, nhưng đến năm học này lại tăng lên 60.000 đồng/mỗi trẻ/tháng. Những khoản nộp này tuy phụ huynh không nhất trí và phản đối nhưng Hiệu trưởng giao trách nhiệm giáo viên phải thuyết phục phụ huynh nộp và quán triệt nếu lớp nào không làm được thì giáo viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Chưa hết, trong đơn còn tố cáo cô Hiệu đưa em dâu của mình vào làm cô nuôi khi chưa qua đào tạo lớp nấu ăn theo quy định, cô Hiệu là người chuyên quyền, độc đoán, thường xuyên bắt giáo viên phải lao động giữa trời mưa…
Để xác minh thông tin, phóng viên đã có cuộc tiếp xúc làm việc với các bậc phụ huynh xã Trung Hóa, bà con đều tỏ ra khá bức xúc về một số khoản thu mà nhà trường đưa ra. Bà Th, ở thôn Liêm Hóa có hai cháu học tại trường Mầm Non số 1 Trung Hóa cho biết: vào đầu năm học mới 2020 – 2021, gia đình đã nộp tiền học cho hai cháu, mỗi cháu 1.028.000 đồng. Trong đó có những khoản mà bà cũng như nhiều phụ huynh ở đây không đồng tình như tiền xã hội hóa, tiền bảo vệ trường, tiền hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh. “Nộp để lo cho con cháu học thì không ai tiếc, dù có khó khăn đến đâu cũng cố gắng, nhưng những khoản nộp phải chính đáng, đúng quy định. Đây tiền xã hội hóa, tiền bảo vệ năm nào cũng nộp theo kiểu ép buộc chứ đâu phải tự nguyện”, bà Th bức xúc nói.
Còn bà Đinh Thị Đ có hai cháu học tại trường cũng bức xúc không kém: “Những cái gì không đúng thì chúng tôi góp ý phản đối, vì người dân vốn đã khó khăn, hơn nữa tiền nộp nhiều hay ít cũng phải cho đúng quy định. Nhưng đây nhà trường làm theo kiểu áp đặt, trước khi họp phụ huynh thì nhà trường đã soạn ra văn bản ép phụ huynh ký vào chứ chưa được bàn bạc thống nhất trong hội phụ huynh”.
Ngoài ra các phụ huynh khi làm việc với phóng viên đều cho biết, họ rất lo ngại về bữa ăn của các cháu liệu có đảm bảo vì hầu như họ không được tiếp cận giám sát. Đặc biệt, hàng năm phụ huynh nộp phân bón và giống rau để cùng trường trồng rau cho các cháu ăn, nhưng trường lại bán lại cho các cháu 50.000 đồng/kg. Trong khi giá rau ngoài thị trường chỉ từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg.
Ông Cao Ngọc T, thôn Liêm Hóa cho biết: “Với khoản xã hội hóa là chúng tôi không nhất trí, vì nhà trường tự lập kế hoạch, đặt ra bắt phải nộp 200.000 mỗi cháu, trong khi quy định xã hôi hóa là ai có bao nhiêu đóng bấy nhiêu. Rõ ràng đây không phải là công tác xã hội hóa mà lá ép buộc các cháu mầm non phải làm”.
|
Phụ huynh cũng phản ánh, việc thu những khoản trái quy định như trên không chỉ bắt đầu năm nay, mà những năm trước cũng từng diễn ra tại trường này. Điển hình năm học vừa qua, trường Mầm Non số 1 Trung Hóa đã bắt mỗi cháu đóng 220.000 đồng làm sân trường. Các khoản thu nhà trường tự ý lên kế hoạch rồi chia bình quân đầu trẻ thu tiền chứ không có sự bàn bạc thống nhất trong phụ huynh.
Riêng năm học 2020 – 2021, để lách luật, đánh lừa phụ huynh, qua mắt khi có đoàn về kiểm tra, các khoản thu được nhà trường lập kế hoạch, đồng thời soạn sẵn văn bản với nội dung là sự tự nguyên cam kết thỏa thuận của phụ huynh rồi bắt các bậc cha mẹ ký vào, khiến phụ huynh vô cùng bức xúc.
Sự bất hợp tác của Hiệu trưởng và Phó Trưởng phòng yêu cầu không được ghi âm
Trước những phản ánh của phụ huynh, để có thông tin đa chiều và khách quan, phóng viên đã liên lạc hẹn lịch làm việc với bà Đinh Thị Hiệu, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 1 Trung Hóa. Tuy nhiên bà Hiệu từ chối với lý do bận họp và còn trả lời với phóng viên là việc đó không cần báo chí xác minh? “Có việc chi lạm thu? Ai nói? Thôi cái đó các em không cần phải bận tâm”, qua điện thoại bà Hiệu trả lời với thái độ khiếm nhã rồi vội cúp máy.
Làm việc với Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa, bà Trần Thị Thanh Nhàn cho biết: “Về sự việc, có đơn gửi trực tiếp nơi phòng, và cùng nội dung đó họ gửi cả bên UBND huyện và cả Huyện ủy nữa. Hiện tại Phòng GD&ĐT đang thành lập đoàn sắp xếp lịch để đi kiểm tra làm rõ sự việc. Còn kế hoạch thu chi của Trường Mầm non số 1 Trung Hóa hiện tại đã nộp về phòng rồi nhưng phòng chưa phê duyệt”.
Khác với những phản ánh của người dân, bà Trần Thị Thanh Nhàn – Phó Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo đánh giá cô Hiệu là một nữ Hiệu trưởng rất giỏi, chịu khó, dám nghĩ dám làm; trường Mầm non do cô Hiệu phụ trách là một đơn vị có bề dày thành tích liên tục, kể cả hiện nay?
Tuy nhiên sau những lời tán dương khen ngợi thành tích của cô Hiệu, bà Nhàn lại yêu cầu phóng viên không được ghi âm ghi hình khi làm việc, mặc dù đã được sự ủy quyền của Trưởng phòng trước khi làm việc. “Cái gì trao đổi cứ trao đổi còn ghi âm thì đừng có ghi âm, kiểu làm việc mà ghi âm là chị không thích”, bà Nhàn nói.
Những văn bản có dòng chữ: “Kính gửi: Ban giám hiệu Trường Mầm non số 1 Trung Hóa” do nhà trường soạn ra rồi bắt phụ huynh ký vào thỏa thuận cam kết đối với những khoản thu trái quy định khiến người dân rất bức xúc |
Muôn kiểu nạn lạm thu trong trường học đã và đang là vấn đề nhức nhối, gây bất bình trong nhân dân. Có hay không việc phụ huynh tố cáo bà Hiệu trưởng Trường Mầm non số 1 Trung Hóa lạm quyền đặt ra những khoản thu trái quy định khiến bà con rất bức xúc? Đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, khách quan để làm rõ đúng sai.
Tại điểm 4, Điều 10, chương II, Thông tư số: 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh quy định:
Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:
a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.