Quảng Bình: Dân bức xúc vì phát tiền cứu trợ lũ lụt không đúng đối tượng
Đơn thư bạn đọc 19/12/2020 11:18
| ||
Gia đình cụ Hoàng Tỏ là gia đình chính sách, trong lũ bị ảnh hưởng rất nặng nhưng vẫn không được nhận tiền cứu trợ của TZU CHI – Đài Loan |
Cân ngô giống tương đương giá 10 triệu đồng
Tìm hiểu được biết, để hỗ trợ bà con vùng bị ảnh hưởng lũ lụt, khắc phục sớm ổn định cuộc sống trở lại sau lũ, tổ chức từ thiện TZU CHI - Đài Loan đã hỗ trợ tiền mặt cho người dân 6 xã thuộc hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Qua email, tổ chức này nhận được danh sách mà chính quyền 6 xã nói trên gửi đến, với tổng số 6.125 hộ. Theo danh sách nhận được, tổ chức từ thiện TZU Chi – Đài Loan đã chuyển 41.065.000.000 đồng để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho bà con, với ba mức: Mức 1, hộ từ 1 – 2 khẩu được hỗ trợ 5.000.000 đồng; mức 2, hộ có từ 3 – 4 khẩu được hỗ trợ 6.500.000 đồng và mức 3, hộ có từ 5 khẩu trở lên được nhận 8.000.000 đồng. Riêng tại huyện Tuyên Hóa có 4 xã được hỗ trợ gồm: Đức Hóa, Thạch Hóa, Châu Hóa và xã Văn Hóa, trong đó xã Đức Hóa được phân bổ 4.279.500.000 đồng để chia cho 600 hộ.
| ||
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà bị ngập lũ, cuộc sống của 3 anh em Nguyễn Trọng Pháp, Nguyễn Duy Phượng và Nguyễn Thị Phương Thảo đang hết sức khó khăn |
Sự việc sẽ chẳng có gì phải bàn cãi nếu như cán bộ xã và thôn thực hiện phân bổ tiền cứu trợ đúng đối tượng, đúng thực tế thì người dân đều đồng tình. Tuy nhiên sau khi có nguồn tiền về, việc phân bổ không được cấp xã và cán bộ thôn rà soát, đưa ra bình xét công khai mà dựa vào danh sách những hộ đăng ký mua giống sản xuất vụ đông xuân để phát tiền. Vì thế dẫn đến nhiều bất cập, trái ngược, người bị thiệt hại do lũ nặng hơn, già cả neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn thì không được hỗ trợ, còn người ở trên cao ít bị ảnh hưởng, thậm chí không bị ảnh hưởng do lũ cũng được nhận tiền.
Đơn cử hộ ông Hoàng Tỏ, thôn Phúc Tùng, năm nay đã 88 tuổi, là bố liệt sĩ của người con trai duy nhất, chỉ hai vợ chồng già ở với nhau. Trong lũ vừa rồi, nhà bị ngập sâu, thiệt hại nhiều tài sản, cuộc sống rất vất vả khó khăn. Những ngày sau lũ, được các đoàn thiện nguyện hỗ trợ mì tôm, gạo và các nhu yếu phẩm khác kịp thời cứu đói. Tuy nhiên đợt cứu trợ tiền của tổ chức thiện nguyên TZU CHI - Đài Loan vẫn không được nhận, mà nguyên nhân là nhờ con mua hộ giống lúa.
“Gia đình tôi năm nay vẫn làm ruộng, nhưng vì già cả, đi lại khó khăn nên tôi nhờ con rể ở thôn Đồng Lâm đăng ký mua hộ giống lúa luôn, vì vậy ở thôn này không có tên tôi trong danh sách đăng ký mua giống nên họ cũng không hỗ trợ cho gia đình mặc dù nhà vẫn bị ngập và thiệt hại. Khi thắc mắc thì họ nói tại không làm ruộng, tôi thấy vô lý quá mà không biết kêu ai”, ông Hoàng Tỏ bức xúc nói.
Ở cùng thôn với cụ Hoàng Tỏ, các em: Nguyễn Trọng Pháp, Nguyễn Duy Phượng và Nguyễn Thị Phương Thảo là con mồ côi cả cha lẫn mẹ, 3 anh em phải ta túc đùm bọc nhau trong ngôi nhà tạm bợ. Đợt lũ vừa rồi bị ngập và hư hỏng nặng phải nhờ các mạnh thường quân và vay mượn để làm lại nhà, nhưng tiền cứu trợ từ tổ chức TZU CHI – Đài Loan cũng không được nhận, vì Pháp phải đi làm thuê để lo cho hai em ăn học nên không đăng ký giống và không còn làm ruộng.
"Em thấy mấy hôm nay họp thôn tranh cãi nhiều mà chưa tìm ra được giải pháp công bằng. Họ nói là hỗ trợ giống, có hộ đăng ký chỉ 5 lạng ngô mà vẫn nhận được 8 triệu, như thế giá một cân ngô giống đến 16 triệu luôn, em thấy không hợp lý, trong khi đó công văn của họ gửi về là hỗ trợ khắc phục lũ lụt chứ không phải hỗ trợ giống, mà nếu hỗ trợ giống sao lại còn thu tiền mua giống của bà con”? - em Nguyễn Trọng Pháp bày tỏ.
Cũng ở thôn Phúc Tùng, gia đình anh Nguyễn Chí Thanh có 4 nhân khẩu. Vì ở ngay cạnh nhà bố mẹ đẻ nên khi mua giống anh Thanh không đến thôn đăng ký mà nhờ bố mua giúp, đến khi phát tiền cứu trợ chỉ hộ của bố được nhận 6.500.000 đồng/ 4 nhân khẩu, còn gia đình anh Thanh cũng phải chịu thiệt thòi, mặc dù trong lũ vẫn bị ảnh hưởng nặng.
| ||||
Nhiều hộ dân khác mặc dù bị thiệt hại nặng nhưng do không đăng ký mua giống nên không được nhận tiền cứu trợ |
Ông Nguyễn Văn Thụ, bố đẻ của anh Thanh cho biết: “Tôi và con tôi ở gần nhau trên một khu đất thế nhưng chỉ hộ tôi có mà con tôi lại không. Con tôi vẫn làm ruộng nhưng để thuận tiện, tiết kiệm thời gian thì tôi mua giống cho con luôn, nên họ nói không đăng ký giống thì không có, mà ở đây nhà nào cũng bị ngập, và khi đi đăng ký thì chúng tôi cũng đã nộp tiền mua giống đầy đủ”.
Tiếp xúc với những hộ được nhận tiền đều cho biết, khi đăng ký giống bà còn đều phải nộp tiền. Khi hỗ nhận hỗ trợ thì theo các mức như đơn vị tài trợ đã quy định. Vì thế hộ mua nhiều giống nhưng ít người vẫn nhận tiền ít hơn hộ mua ít mà gia đình có đông người. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Thận ở thôn Phúc Tùng có hai khẩu, chỉ đăng ký mua 0,5 kg ngô giống nhưng được nhận 5000.000 đồng.
Đưa tiền nhầm cho gia đình Chủ tịch xã (!?)
Người dân phản ánh, không chỉ những gia đình như hộ ông Hoàng Tỏ, Nguyễn Chí Thanh, em Nguyễn Trọng Pháp mà còn nhiều hộ khác trong thôn Phúc Tùng và các thôn khác của xã Đức Hóa cũng bị ảnh hượng nặng do lũ nhưng lại không được nhận tiền cứu trợ từ chương trình thiện nguyện của tổ chức TZU CHI – Đài Loan. Trong khi đó rất nhiều hộ ở chỗ cao không bị ngập, ít ảnh hưởng hơn thì lại được nhận tiền, nhờ đăng ký giống sản xuất vụ đông xuân. Đặc biệt hộ gia đình ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa dù trong lũ không bị ngập cũng được nhận tiền cứu trợ của tổ chức từ thiện TZU CHI – Đài Loan.
| ||
Ông Võ Xuân Trường (bìa trái), Chủ tịch UBND và ông Phạm Tiến Dũng (phải), Phó chủ tịch UBND xã thanh minh việc phân bổ tiền cứu trợ |
Để có thông tin đa chiều khách quan, phóng viên đã gặp trực tiếp làm việc với ông Đoàn Hữu Trí, Trưởng thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa. Ông Trí cho biết: thôn Phúc Tùng có 210 hộ với 830 nhân khẩu, khi có kế hoạch mua giống sản xuất thì thôn thông báo và cho người dân đăng ký, đồng thời nộp tiền luôn. Việc phát tiền cứu trợ của tổ chức thiện nguyện bên Đài Loan hỗ trợ là căn cứ theo danh sách đăng ký giống.
“Thực tâm của xã Đức Hóa, những hộ mua giống đó là những hộ được lập danh sách hỗ trợ, còn chuyện lũ lụt, mưa bão thế nào thì chúng tôi không biết. Nên phát tiền cho bà con là dựa vào danh sách mua giống. Nói tóm lại người dân mua giống thì đã nộp tiền, còn tiền của TZU CHI – Đài Loan thì hỗ trợ cho người mua giống, gọn thế đấy”, ông trưởng thôn Phúc Tùng trả lời.
Sau khi trao đổi, phóng viên đề nghị được tiếp cận danh sách đăng ký giống thì Trưởng thôn Phúc Tùng Đoàn Hữu Trí từ chối cung cấp. Đồng thời cùng lúc đó có một số người đến xưng là Cấp ủy, Bí thư Chi bộ và Trưởng ban an ninh thôn rồi gây khó, đòi hành hung, bắt bớ và cản trở phóng viên tác nghiệp. Buộc phóng viên phải gọi điện nhờ sự can thiệp của lãnh đạo Công an huyện Tuyên Hóa mới giải vây được.
| ||
Nhà ông Chủ tịch UBND xã Đức Hóa Võ Xuân Trường mặc dù không bị ngập vẫn được nhận tiền cứu trợ |
Làm việc với ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, vị này cho biết: Kế hoạch ban đầu của phía thiện nguyện là hỗ trợ giống lúa cho bà con sản xuất vụ động xuân, nhưng sau đó họ thương thảo với Công ty giống cây trồng Quảng Bình không đạt được nên chuyển qua hỗ trợ bằng tiền. Và ông Trường do đi công tác xa nên đã chỉ đạo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã tổ chức rà soát, bình xét lại danh sách trước khi phát phiếu nhận tiền.
“Tại thời điểm đó tôi đi công tác cùng đoàn của huyện tham quan mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh phía Bắc, nên bàn giao công việc cho đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã làm việc với đoàn. Khi có thay đổi cách hỗ trợ thì tôi đã điện cho đồng chí Dũng chỉ đạo tổ chức họp thôn bình xét. Sau đó trên cơ sở danh sách đăng ký giống, các thôn rút bớt đi một số vì số đăng ký đến 701 hộ, mà số được hỗ trợ chỉ 600 hộ thôi, những người phải rút khỏi danh sách trước là cán bộ đảng viên”, ông Trường nói.
| ||
Từ trái sang phải: ông Nguyễn Thái Lâm; Nguyễn Đỗ Mười; Đoàn Xuân Lương đến xưng là Bí thư, cấp ủy và Trưởng ban an ninh thôn gây rối đòi bắt bớ hành hung và cản trở phóng viên tác nghiệp |
Ông Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cũng thừa nhận gia đình được chia tiền cứ trợ là 5 triệu đồng, và ông thanh minh đó là do ông Dũng, Phó Chủ tịch đưa nhầm vào danh sách. Điều đáng nói, sau khi sự việc vỡ lở, người dân bức xúc phản ứng nhưng cả xã và thôn không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Trong khi cả Trưởng thôn và người dân đều khẳng định khi đăng ký mua giống, bà con đều đã nộp tiền đầy đủ, thì ông Chủ tịch xã Võ Xuân Trường lại nói ngược lại là giống được hỗ trợ 100% kinh phí? Đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Tuyên Hóa, và tỉnh Quảng Bình cần vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, thờ ơ với công việc để dẫn đến sự việc trên, đồng thời xử lý nghiêm minh các đối tượng có biểu hiện gây cản trở, đe dọa nhà báo khi tác nghiệp để ổn định tình hình trong nhân dân.