Quan điểm của các luật sư về vụ ông Đinh Tiến Sử bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Hành vi của ông Sử chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (kì
Pháp luật - Bạn đọc 05/03/2020 09:45
Phóng viên: Trước đây có nhà đầu tư thứ cấp đã gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền và ngành chức năng, tố cáo ông Đinh Tiến Sử về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền và ngành chức năng cho rằng, hành vi đó không có yếu tố lừa đảo, mà chỉ là quan hệ dân sự, nên đã hướng dẫn người tố cáo gửi đơn đến Tòa án để được giải quyết. Các luật sư cho biết ý kiến của mình về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Võ Ngọc Dao, Công ty luật ATD, Đoàn luật sư TP Hà Nội và luật sư Đào Thanh Tuấn, Công ty luật T&D, Đoàn luật sư Khánh Hòa: Trong quan hệ giữa chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp, bên mua căn hộ condotel, góp vốn hoặc thanh toán một khoản tài chính cho chủ đầu tư, cùng chủ đầu tư xây dựng, hợp tác kinh doanh đối với căn hộ condotel này, với các quyền lợi cụ thể cho nhà đâu tư thứ cấp như: được quyền nhận bàn giao căn hộ du lịch, sử dụng, quản lí hoặc chuyển nhượng lại căn hộ condotel cho nhà đầu tư khác; được quyền nghỉ dưỡng 12 - 15 ngày/1 năm miễn phí và được cam kết chia lợi nhuận cụ thể.
Đây là các giao dịch dân sự dựa trên cơ sở thỏa thuận, đàm phán, thương lượng và kí kết hợp đồng giữa các bên. Thực chất, quan hệ kinh doanh condotel là biểu hiện mối quan hệ kinh tế, gắn liền với quá trình tạo lập và sử dụng vốn đầu tư, nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu vốn cho quá trình đầu tư, xây dựng và hợp tác kinh doanh, theo nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận. Thực tiễn cho thấy, trong lĩnh vực kinh doanh condotel, không phải lúc nào các chủ đầu tư cũng thực hiện được đầy đủ các cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp. Một số trường hợp đến thời hạn thanh toán lợi nhuận cam kết, chủ đầu tư không thực hiện được, nhà đầu tư thứ cấp áp dụng một số biện pháp để gây áp lực đòi lợi nhuận như: thu hồi, thu giữ, niêm phong, tự quản lí căn hộ condotel, đồng thời tố giác chủ đầu tư lừa đảo, hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của mình đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trường hợp đối với ông Đinh Tiến Sử là một điển hình.
Trong các trường hợp đến hạn không trả được lợi nhuận cam kết cho nhà đầu tư thứ cấp, việc xác định có hay không hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là vấn đề rất khó khăn. Việc phân định ranh giới giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm vật chất, theo hợp đồng mua bán condotel, đối với hành vi không trả được lợi nhuận cam kết, là rất mờ nhạt và khó xác định. Thông thường, nếu chủ đầu tư đến hạn không trả được khoản lợi nhuận cam kết, do các nguyên nhân khách quan như: kinh doanh gặp rủi ro; thị trường du lịch khó khăn, bị thua lỗ… dẫn đến thiếu hoặc mất khả năng thanh toán, không hoặc chưa trả được lợi nhuận cam kết, nhưng chưa hoặc không có nghĩa là chủ đầu tư đã chiếm đoạt căn hộ condotel, gây thiệt hại tài sản cho nhà đầu tư thứ cấp. Hành vi chưa hoàn trả vốn đầu tư hay lợi nhuận cam kết, ông Đinh Tiến Sử với các nhà đầu tư thứ cấp, mới chỉ là vi phạm hợp đồng và phải chịu chế tài vật chất theo hợp đồng, như áp dụng lãi suất quá hạn, phạt vi phạm hợp đồng, xử lí tài sản bảo đảm thu hồi vốn đầu tư v.v… Trường hợp vẫn không thu hồi được vốn đầu tư, lợi nhuận cam kết, nhà đầu tư thứ cấp có quyền yêu cầu tòa án dân sự, tòa án kinh tế giải quyết, kể cả yêu cầu tuyên bố phá sản theo pháp luật phá sản doanh nghiệp… mà chưa thể cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và áp dụng chế tài hình sự. Hành vi chưa trả lợi nhuận cam kết, chưa hoàn trả vốn đầu tư trong mua bán condotel, chỉ có dấu hiệu hình sự trong trường hợp nhà đầu tư có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (Điều139 Bộ luật Hình sự 2009). Nhưng hành vi lừa đảo ở đây phải được hiểu, nhà đầu tư sử dụng những thủ đoạn gian dối, cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật, che giấu sự thật để lừa đảo nhà đầu tư thứ cấp. Lừa đảo là phương pháp, đồng thời là điều kiện để người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong lĩnh vực kinh doanh condotel, dấu hiệu lừa đảo thường biểu hiện dưới dạng:
- Cố ý làm ra và cung cấp cho nhà đầu tư thứ cấp các thông tin, loại chứng từ, hợp đồng giả mạo, số liệu khống, không trung thực về tình hình tài chính, về khả năng kinh doanh, trả lợi nhuận cam kết của chủ đầu tư, cũng như các giấy tờ tài liệu về tính khả thi của dự án đầu tư, kế hoạch kinh doanh v.v… để được nhà đầu tư thứ cấp đồng ý và kí hợp đồng đầu tư, mua bán căn hộ condotel và hợp tác kinh doanh.
Luật sư Đào Thanh Tuấn |
- Chủ đầu tư làm giả hồ sơ dự án, hồ sơ về căn hộ condotel; dùng tài sản không thuộc sở hữu hợp pháp của mình, nhưng hợp thức hồ sơ làm cho nhà đầu tư thứ cấp tin là dự án, tài sản của mình… để kêu gọi đầu tư, bán cho nhà đầu tư thứ cấp tài sản mà mình không có.
- Làm hồ sơ nâng khống giá trị tài sản của dự án để kêu gọi đầu tư, bán cho các nhà đầu tư thứ cấp. Hành vi có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chỉ khi có sự chênh lệch giữa giá trị thực của tài sản và giá trị chủ đầu tư kê khai, khai báo tại thời điểm kêu gọi đầu tư, bán căn hộ condotel thông qua việc cố ý sửa đổi, che giấu giấy tờ, hoá đơn, sổ sách hoặc những hành vi tương tự để lừa dối nhà đầu tư thứ cấp.
- Tẩu tán, bán, chuyển nhượng tài sản thế chấp; đã bán hay hợp tác đầu tư với nhà đầu tư thứ cấp, mà không được sự đồng ý của ngân hàng nhận thế chấp, các nhà đầu tư thứ cấp, hoặc bán tài sản có sự đồng ý của ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp, nhưng khoản tiền thu được từ việc bán tài sản không chuyển cho ngân hàng cho vay, không hoàn trả vốn và lợi nhuận cam kết cho nhà đầu tư thứ cấp.
Bản chất của quan hệ kinh doanh căn hộ condotel là quan hệ đầu tư - hưởng lợi nhuận, trên cơ sở tín nhiệm, tức dựa vào khả năng quản lí, năng lực kinh doanh, uy tín của chủ đầu tư mà Nhà đầu tư thứ cấp thiết lập quan hệ đầu tư - kinh doanh dưới hình thức hợp đồng.
Hành vi cấu thành của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án này, phải bảo đảm hai yếu tố: “lừa đảo” và “chiếm đoạt tài sản”. Lừa đảo là phương pháp, phương tiện cho hành vi chiếm đoạt. Lừa đảo chưa thể cấu thành tội phạm trong trường hợp không có hành vi chiếm đoạt. Cần xác định thế nào là hành vi chiếm đoạt, các yếu tố cấu thành của hành vi chiếm đoạt, thời điểm hoàn thành của hành vi chiếm đoạt. Ở vụ án này, cả hai yếu tố đều chưa xảy ra, do đó chưa có dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo…”.
Loạt bài của Báo Người cao tuổi đã phân tích, chứng minh rõ về điều này. Ông Đinh Tiến Sử không có hành vi gian dối trong việc kí hợp đồng kinh doanh với các nhà đầu tư thứ cấp; tài sản là căn hộ đang hiện hữu và hậu quả của hành vi lừa đảo chưa xảy ra. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, cần xem xét một cách khách quan, toàn diện khi buộc ông Đinh Tiến Sử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Viện KSND Tối cao, Quân ủy Trung ương, Quân khu V, UBND tỉnh Khánh Hòa, Công an tỉnh Khánh Hòa đều có quan điểm như vậy.