Phớt lờ đề nghị của Viện KSND, TAND Bến Tre “cố gắng” giúp một công dân thắng kiện (!)
Pháp luật - Bạn đọc 07/08/2020 13:56
Sổ đỏ của bà Lê Thị Thanh Hòa do UBND huyện Bình Đại cấp với địa chỉ không có thật. |
Ba mất, bà nội qua đời, con cháu “làm loạn”
Như phần đông các gia đình ở miền Tây Nam bộ, gia đình cụ Võ Thị Biên, ở ấp Hưng Nhơn, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cũng khá yên bình trong sự công tâm mẫu mực của người mẹ. Sinh năm 1928, lấy chồng rồi sinh con trên mảnh đất Châu Hưng, cụ Biên được cha mẹ để lại cho gần 20 công đất. Chồng mất sớm, một nách 2 con, cụ ở vậy nuôi con rồi “dựng vợ, gả chồng” cho 2 con. Con gái đầu là bà Lê Thị Thanh Hòa lấy chồng rồi lập nghiệp ở Tiền Giang. Con trai sau ông Lê Quốc Thái lấy vợ sinh con vẫn trong vòng tay bảo bọc của cụ Biên.
Đầu năm 2002, khi đã ngoài 70, thấy mình không còn khỏe, để tránh “nồi da xáo thịt” sau này, cụ Biên chia đều số đất cho 2 con, chỉ giữ lại cho riêng mình hơn 4 công đất. Việc phân chia này làm công khai, minh bạch và cả 3 người đều được chính quyền cấp sổ đỏ đầy đủ. Cụ Biên cũng được bà Hòa cho hưởng hoa lợi trên phần đất được chia, và sang cất cho cụ một căn nhà để sống những năm cuối đời. Một thời gian ngắn sau, vào cuối năm 2002, để giải quyết chút nợ nần còn lại, cụ Biên kêu người bán phần đất của mình. Thấy bà con lối xóm chẳng ai mua, cụ đồng ý chuyển nhượng cho bà Hòa sau một “cuộc họp mẹ con” với Biên bản họp có chữ ký đồng ý của cả 3 người(thực ra không có biên bản này cũng không sao bởi đó là tài sản riêng của cụ, cụ muốn bán cho ai cũng được). Sau cuộc họp, phần đất hơn 4 công này được sang tên cấp sổ đỏ cho bà Hòa. Toàn bộ công việc này bà con lối xóm ai ai cũng biết và cả gia đình con cháu cụ Biên cùng yên ổn sum vầy đến năm 2015, ông Thái qua đời. Một năm sau cụ Biên cũng về với tổ tiên.
Ba mất, bà nội qua đời, những người con của ông Thái bắt đầu gây chuyện. Lấy cớ “bà Hòa giả mạo chữ ký của ông Thái trong biên bản họp gia đình” kể trên, họ kiện “cô Hai Hòa” ra Tòa yêu cầu chia đôi số đất bà Hòa mua lại của bà nội. Từ đây, một cuộc chiến pháp lý “cô cháu” với sự “cố gắng” đáng trách, thể hiện giúp nguyên đơn thắng kiện của cả 2 cấp Tòa: TAND huyện Bình Đại (sơ thẩm) và TAND tỉnh Bến Tre (phúc thẩm).
Các cấp Tòa đã “cố gắng” như thế nào?
Thứ nhất, bắt đầu từ sự tắc trách của UBND huyện Bình Đại trong việc cấp sổ đỏ cho gần 20 công đất của cụ Biên. Nguồn gốc miếng đất này ai cũng biết là do tổ tiên cụ Biên để lại. Tuy nhiên, là một người nông dân ít chữ, tuổi ngoài thất thập, khi làm đơn xin cấp sổ đỏ số đất này, cụ không ghi rõ cấp cho cá nhân mình hay cho hộ (gồm 6 người, cả cụ, con trai, con dâu và 3 cháu nội). Khi đơn được đưa lên xã, vì hiểu rõ lịch sử miếng đất, UBND xã Châu Hưng xác nhận “đủ điều kiện cấp quyền sử dụng đất cho cá nhân cụ Biên”. Vậy mà lên huyện, sổ đỏ của miếng đất này được huyện Bình Đại “phù phép” thành cấp cho “hộ cụ Võ Thị Biên”. Kiểu làm ăn tắc trách này của UBND huyện Bình Đại còn thể hiện rất rõ ở việc, khi cấp sổ đỏ cho bà Hòa, sổ đỏ ghi “Hộ ông Lê Thị Thanh Hòa, ấp Hưng Nhơn, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre”. Trong khi từ hơn hai chục năm trước, “Ông Lê Thị Thanh Hòa” này đã chuyển khẩu theo chồng về Tiền Giang. Chính những điều tắc trách, không rõ ràng này, trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Bình Đại mới có văn bản đề nghị UBND huyện kiểm tra lại, trả lời cho rõ. Tuy nhiên, “Văn bản trả lời số 2632 ngày 28/10/2019 của UBND huyện Bình Đại chưa làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ cụ Biên là do cấp theo phôi giấy hay cấp theo đúng yêu cầu của cụ Biên tại đơn xin cấp quyền sử dụng đất.”- Lời đại diện Viện Kiểm sát. Thế mà, trong khi Chưa làm rõ, nhưng vẫn bỏ qua, không yêu cầu phải làm cho rõ, đó là sự “cố gắng” vượt bậc của các cấp Tòa.
Ở đây,một câu hỏi được đặt ra là, “cá nhân” hay “hộ” khác nhau ra sao? Nếu “cá nhân”, cụ Biên được quyền bán cho ai tùy thích, không cần ai cho phép. Còn “hộ”, cả 6 người phải đồng ý mới xong. Đây chính là điểm mấu chốt để các cháu nội cụ Biên bám vào. Và đây cũng chính là “mấu chốt” để 2 cấp Tòa Bến Tre “cố gắng” chưa làm rõ nhưng vẫn bỏ qua” nhằm “giúp” cho các nguyên đơn thắng kiện.
Thứ hai, có điểm mấu chốt không thèm làm rõ, nhưng Tòa lại quan tâm đến việc trưng cầu giám định chữ ký của ông Thái trong biên bản họp gia đình vào năm 2002 kể trên. Điều đáng nói ở đây là chữ ký đối chứng được dùng là chữ ký của ông Thái vào năm 2014, trước khi ông Thái bệnh tật triền miên rồi chết một năm sau đó. 12 năm “vật đổi sao dời”, 2 chữ ký được giám định “không phải của một người” cũng không có gì là lạ. Đó là chưa kể, nếu sổ đỏ được xác định là cấp cho cá nhân cụ Biên thì việc giám định này chỉ…phí tiền. Sự “cố gắng” lần này của Tòa đã buộc bà Hòa phải móc túi chi trả gần 1,4 triệu đồng.
Thứ ba, như đã nói ở trên, từ cuốn sổ đỏ “hộ cụ Biên”, năm 2002, cụ đã chia bớt cho 2 con, mỗi người hơn 7 công đất. Số đất này được sang tên, nằm trong sổ đỏ gia đình ông Thái. Phần còn lại hơn 4 công, dẫu ngoài bìa sổ đỏ vẫn ghi “hộ cụ Biên” nhưng cả gia đình đều mặc nhiên thừa nhận đó là đất của riêng bà cụ còn lại. Cuối năm 2002, cụ Biên nhượng lại cho con gái mình nên không ai phản đối. Và từ đó, đằng đẵng thời gian 16 năm tiếp sau cho tới khi vụ kiện nổ ra, miếng đất này ai canh tác, ai thu hoa lợi rõ như ban ngày giữa thanh thiên bạch nhật không ai không biết. Vậy mà, bỏ qua hết những thực tế này, ngoài việc giám định chữ ký kể trên, Tòa còn nại ra lý do bà Hòa “không cung cấp được chứng cứ, tài liệu chứng minh cụ Biên bán đất cho bà Hòa và không cung cấp được giá chuyển nhượng” để “cố gắng” cáo buộc bà Hòa gian dối. Tòa cũng “cố gắng” quên mất rằng họ là mẹ con và căn nhà cụ Biên ở 14 năm cuối đời là do bà Hòa tự mình bỏ tiền túi ra xây dựng.
Thứ tư, sau khi đã “cố gắng” giúp nguyên đơn thắng kiện với việc tuyên hơn 4 công đất kể trên phải bị chia đôi (bà Hòa chỉ còn một nửa), Tòa đã thực hiện một sự “cố gắng” cuối cùng: Tự mình thay mặt 2 bên đứng ra…chia đất. Theo đó, phần đất sát đường được Tòa chia cho nguyên đơn, phần phía trong bà Hòa phải nhận. Thật là một sự “cố gắng đầy…thất vọng.
Và không chỉ vậy. Vẫn còn một điều nghiêm trọng hơn mà chúng tôi chưa đề cập tới. Sau khi cụ biên qua đời vào năm 2016, không chỉ đất đai đã chuyển nhượng hết cho con mà căn nhà cụ ở những năm cuối đời cũng không phải là của cụ. Nghĩa là cụ chẳng còn lại gì gọi là di sản (Di chúc cụ Biên lập ngày 25/3/2005). Vậy mà, cả 2 cấp Tòa đều đưa vụ án kể trên ra xét xử với nội dung: “Tranh chấp di sản thừa kế và tranh chấp quyền sử dụng đất”. Với sai sót này không thể khắc phục này, một phiên Tòa Gíam đốc thẩm đối với Bản án số 166/2020.DS-PT ngày 5/6/2020 của TAND tỉnh Bến Tre về việc tranh chấp di sản thừa kế và tranh chấp quyền sử dụng đất, sẽ được mở ra là điều có lẽ không cần bàn cãi.
Di chúc cụ Biên lập ngày 25/3/2005 |
Bản án số 166/2020.DS-PT ngày 5/6/2020 của TAND tỉnh Bến Tre “V/v tranh chấp di sản thừa kế và tranh chấp QSDĐ”, trong khi cụ Biên không có di sản - Trang 1 |
Một phần nội dung Bản án số 166/2020.DS-PT ngày 5/6/2020 của TAND tỉnh Bến Tre |