Phòng, chống nạn bạo lực gia đình
Trong mắt người già 15/04/2022 10:20
Hiện bạo lực gia đình xuất hiện ngày càng nhiều, ở mọi lúc, mọi nơi với nhiều loại đối tượng, nhiều dạng khác nhau, như: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bị ép buộc phải sinh con trong khi sức khoẻ của người phụ nữ không bảo đảm, bị buộc phải phá thai,...
Hậu quả của bạo lực gia đình gây thương tích thân thể, tổn thương tinh thần, vợ chồng li tán, con cái không được chăm sóc chu đáo... Nghiêm trọng hơn là xâm phạm đến quyền con người, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bị bạo hành.
Ảnh minh họa |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn bạo lực gia đình, nhưng chủ yếu do sự tồn tại của tình trạng bất bình đẳng giới và tư tưởng gia trưởng kéo dài qua nhiều thế hệ; do lạm dụng rượu, bia và các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy; do tình trạng ngoại tình, hoặc thiếu hiểu biết pháp luật, kinh tế gặp khó khăn (cá biệt có trường hợp kinh tế khá giả cũng có bạo lực trong gia đình). Đối tượng trực tiếp gây nên bạo lực gia đình phần lớn là các đức “ông chồng”, có trường hợp bị cả nhà chồng tham gia “hành hạ”. Một phụ nữ tâm sự: “Tôi lấy chồng gần 3 năm mà chưa có con, gia đình chồng lời ra tiếng vào … nghe rất khổ tâm”. Một chị khác nói: “Mỗi lần cãi nhau, dù đang bữa ăn cơm, chồng tôi hất cả cơm vào tôi”. Những hành vi đó, bộc lộ lối sống thiếu trách nhiệm, thiếu văn minh, phản ánh sự sói mòn của đạo đức, lối sống.
Có một nguyên nhân nữa là hiệu quả của công tác xã hội còn thấp. Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên trong các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội chưa thật sự quan tâm đúng mức. Ở nhiều khu dân cư hiện nay vẫn còn không ít gia đình sống theo kiểu “đèn nhà ai, rạng nhà ấy”, vì thế mọi hành vi bạo lực diễn ra đằng sau cánh cửa khép kín. Những người phụ nữ vẫn còn tư tưởng bảo thủ, tự ti, “xấu chàng hổ ai”. Hoặc vì con cái mà không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên thường “tặc lưỡi” chịu đựng cho qua, không dám báo cáo chính quyền, đoàn thể để can thiệp giải quyết…
Để ngăn chặn nạn bạo lực gia đình, cần các biện pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc hoà giải được đánh giá là biện pháp hiệu quả nhất. Đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình… để bình xét công nhận danh hiệu “gia đình văn hoá”… Các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình; chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị-xã hội, của dòng họ, làng xóm trong việc hoà giải duy trì, kiện toàn các tổ, ban hòa giải, đoàn kết trong đời sống gia đình. Phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp để bài trừ các tệ nạn xã hội. Đồng thời, cần có một hành lang pháp lí đủ mạnh, với nhiều giải pháp khả thi cùng những chế tài xử lí nghiêm khắc, đủ sức răn đe.