Phán quyết của Tòa và nỗi lòng người cao tuổi
Pháp luật - Bạn đọc 27/02/2024 09:51
Năm 2000, UBND huyện Quảng Ninh quyết định hợp thức hóa đất ở và đất vườn, để cấp sổ đỏ cho các gia đình, trong đó có hộ ông Ân, bà Luyền. Gia đình ông bà thực hiện đầy đủ thủ tục, được UBND huyện Quảng Ninh cấp sổ đỏ mang số hiệu: R 325238, thửa đất số 105, tờ bản đồ số 5, diện tích 5.825m2, trong đó có 150m2 đất ở, còn lại là đất vườn. Năm 2012, ông bà xin chuyển mục đích sử dụng thêm 100m2 đất từ đất vườn sang đất ở để làm nhà, được chính quyền huyện Quảng Ninh chấp thuận. Tháng 3/2017, ông bà xin cấp đổi sổ đỏ theo bản đồ địa chính của huyện, được UBND huyện Quảng Ninh cấp lại sổ đỏ mang số CD 157366, thửa đất số 107, tờ bản đồ số 9, diện tích còn lại là 3.065,7m2, trong đó có 250m2 đất ở. Việc tổng diện tích đất còn lại như vậy được xác định một phần do địa phương thu hồi đất làm đường, một phần do sai số trong cách đo đạc giữa bản đồ cũ và bản đồ mới.
Đất tranh chấp là đất vườn sử dụng để trồng khoai, trồng sắn. Phần đất tranh chấp có chuồng bò của gia đình ông Tài, do gia đình ông Ân cho làm nhờ trên đó. Sơ đồ các thửa đất kèm theo Bản án số: 59/2023/DS-ST của TAND tỉnh Quảng Bình. |
Tháng 5/2017, ông bà xin phép tách đất làm 4 thửa để chia cho các con sử dụng. Đến tháng 6/2017, gia đình được cấp 4 sổ đỏ mang các số: CG 628472, thửa số 385, diện tích 982,2m2, trong đó có 150m2 đất ở; CG 628471, thửa số 386, diện tích 647,4m2, trong đó có 60m2 đất ở; CG 628470, thửa số 387, diện tích 616,6m2, trong đó có 60m2 đất ở; CG 628469, thửa số 388, diện tích 819,5m2, trong đó có 80m2 đất ở. Các thửa đất này đều thuộc tờ bản đồ số 9 thôn Tân Hải. Trong quá trình sử dụng đất và làm các thủ tục về cấp, tách sổ đỏ, không bị ai tranh chấp, ông bà thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, được cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Bỗng dưng tháng 9/2020, ông Ngô Văn Tài có đơn khởi kiện, cho rằng trong diện tích đất Nhà nước cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Ân, bà Luyền có khoảng 1.600m2 đất do bố mẹ ông Tài là cụ Ngô Văn Hữu và cụ Trương Thị Ánh khai hoang sử dụng từ năm 1958. Sau khi cụ Hữu, cụ Ánh mất, năm 1993, vợ chồng ông Tài tiếp tục sử dụng vào mục đích chăn nuôi, trồng trọt cho đến nay. Tháng 8/2019, gia đình ông Tài có đơn đề nghị xem xét việc cấp sổ đỏ cho ông Ân, bà Luyền, được Thanh tra huyện Quảng Ninh kết luận: Việc cấp sổ đỏ cho ông Ân, bà Luyền là không đúng đối tượng. Do đó, ông Tài khởi kiện đề nghị Tòa án hủy các sổ đỏ, yêu cầu ông Ân, bà Luyền trả lại diện tích khoảng 1.600m2 đất cho gia đình ông Tài.
Sơ đồ thửa đất |
Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2021/DS-ST của TAND tỉnh Quảng Bình nhận định, không có căn cứ để kết luận được việc bố mẹ ông Tài đã có thời gian sử dụng ổn định khoảng 1.600m2 đất (tại thửa đất mà hai gia đình đang tranh chấp) từ năm 1958 đến năm 1980 thì chuyển đi nơi khác, sau khi chuyển đi nơi khác, nhưng vẫn đến trồng hoa màu trên thửa đất. Sau này ông Tài tiếp tục sử dụng đất đó từ năm 1993 đến nay… Từ đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tài, yêu cầu ông Tài phải dỡ chuồng bò hiện có trên đất của ông Ân, bà Luyền.
Bản án số: 170/2021/DS-PT của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh, thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu cho ông Ân, bà Luyền… nên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao lại hồ sơ cho TAND tỉnh Quảng Bình xét xử sơ thẩm lại.
Bản án số: 59/2023/DS-ST của TAND tỉnh Quảng Bình khẳng định trình tự, thủ tục xét cấp sổ đỏ cho các gia đình là công khai, thông báo rộng rãi. Thế nhưng lại cho rằng, khi cấp sổ đỏ và quá trình cấp đổi, tách thửa, các cơ quan có thẩm quyền thiếu kiểm tra, xác minh trên thực tế… nên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Tài, cho nguyên đơn được 446m2 đất nằm trong thửa số 386, tờ bản đồ số 09.
Ngày 19/2/2024, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tiến hành xét xử phúc thẩm lần 2, với HĐXX gồm: Thẩm phán Phạm Việt Cường làm chủ tọa; các thẩm phán Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Văn Tào. HĐXX chỉ dựa vào lời khai một phía của nguyên đơn và các nhân chứng, để cho rằng việc quy chủ cho ông Ân, bà Luyền là không có cơ sở. Đồng thời khẳng định diện tích trên 1.700m2, nằm trong thửa đất số 105 (nay là các thửa 385, 386, 387, 388) ông Tài sử dụng từ trước năm 1997; và UBND huyện Quảng Ninh cấp hơn 1.700m2 đất cho ông Ân, bà Luyền là không đúng pháp luật. Từ đó HĐXX quyết định: Hủy 2 sổ đỏ số 385, số 386 và một phần thửa số 387 (diện tích 162,8m2), do UBND huyện Quảng Ninh cấp cho ông Ân, bà Luyền. Ông Tài, bà Uất được quyền sử dụng các thửa đất và diện tích đất này…
Với phán quyết của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ngày 19/2/2024, ông Ân, bà Luyền mất quyền sử dụng 1.792,4m2 đất. Một vụ tranh chấp dân sự phải trải qua 4 phiên tòa, mỗi lần xét xử có những nhận định khác nhau, kết quả phán quyết khác nhau, thiếu khách quan, chưa đúng với thực tế. Duy chỉ có nhận định của Bản án sơ thẩm số: 04/2021/DS-ST là biểu hiện có khách quan và bám sát hơn với thực tế. Ông Ân bức xúc nói: “Phán quyết của HĐXX phúc thẩm lần này không thể chấp nhận được, vì thiếu khách quan và không đúng với thực tế sử dụng đất của chúng tôi, khiến chúng tôi có nguy cơ mất diện tích đất rất lớn. Chưa nói trên đất có tài sản là nhà chúng tôi xây không được HĐXX xem xét. Nếu xử chúng tôi phải giao đất cho ông Tài, bà Uất, sao Tòa không xem xét đến việc chúng tôi đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, mà trả lại chúng tôi khoản tiền đó?”.
Năm 2000, chính quyền huyện Quảng Ninh không chỉ cấp sổ đỏ cho ông Ân, mà chủ trương hợp thức hóa đất đai, cấp sổ đỏ cho cộng đồng dân cư. Cùng được cấp sổ đỏ với ông Ân, có 96 hộ gia đình nữa, trong đó có gia đình ông Tài, bà Uất. Trình tự cấp sổ đỏ được thực hiện như sau: Các gia đình kê khai, xã tiến hành kiểm tra, lập phương án và công khai các phương án tại nhà văn hóa UBND xã 15 ngày, để thu thập ý kiến. Khi đó gia đình ông Ân, bà Luyền kê khai thửa số 105, tờ bản đồ số 5, diện tích 5.825m2; Gia đình ông Tài, bà Uất cũng kê khai thửa đất số 23, tờ bản đồ số 5, diện tích 1.615m2. Nếu diện tích đất tranh chấp là của ông Tài, bà Uất do bố mẹ để lại, sao thời điểm đó ông Tài không kê khai? Điều này chứng tỏ diện tích đất tranh chấp không thuộc quyền sử dụng của ông Tài, bà Uất. Nhưng đáng tiếc HĐXX không xem xét tình tiết này. Còn nữa năm 2006 làm đường Nam Long - Mỹ Trung (đường tỉnh 569), Nhà nước thu hồi một phần đất của các hộ, gia đình ông Ân được bồi thường 24.181.000 đồng, gia đình ông Tài được bồi thường 14.379.000 đồng. Hai gia đình đã nhận tiền và không có ý kiến khiếu nại gì. Tình tiết này HĐXX cũng không xem xét.
Ông Ân, bà Luyền cho rằng, tuyên án như vậy là thiếu khách quan, không tôn trọng thực tế, nên sẽ làm đơn kiến nghị giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Hi vọng gia đình ông bà nhận được sự giải quyết công tâm, đúng pháp luật.