Phản biện dự án và phải chỉ rõ trách nhiệm với dân
Trong mắt người già 13/07/2019 07:09
Mô hình đường sắt Bắc - Nam |
Đó là điều rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đôi lúc lạ thay những quyết sách trên mảnh đất này các bộ, ngành phụ trách lại chưa thực sự lắng nghe và cuối cùng “huề cả làng”, nếu xảy ra những kết quả không như người dân mong đợi, thậm chí sai cả đối với những lời cam kết, hứa suông trước đó của những người phụ trách.
32 tỉ USD là một số tiền quá lớn và 30 năm là cả một quãng đường dài, là 6 nhiệm kỳ cho một lần nhận chức 5 năm của một bộ trưởng. Người ra quyết định cho dự án này hôm nay nhất định sẽ về hưu khi dự án này hoàn thành và chưa chắc họ còn sống trong quá trình hoàn thành dự án. Vậy thì trách nhiệm được “tính sổ” sao đây, khi hôm nay họ hùng hổ quả quyết bảo vệ theo phương án của cơ quan mình, mà phớt lờ những cảnh báo của những con người có kiến thức và yêu nước. Bên cạnh việc phản biện về các giải pháp kỹ thuật, tài chính kinh tế, môi trường,…các nhà lãnh đạo cao hơn, các đại biểu của dân và các nhà phản biện cần ngồi lại tính toán và cam kết trách nhiệm rõ ràng và dễ thực thi khi truy tìm trách nhiệm. Vậy thôi.
Và một điều cần lưu ý là TEDI là công ty tư vấn về đường sắt Bắc - Nam của Bộ Giao thông vận tải. Các chiến lược phát triển đường sắt Bắc - Nam của Bộ Giao thông vận tải đều dựa vào TEDI. Mà theo các chuyên gia, ý kiến của TEDI ở một chừng mực nhất định thể hiện ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Và mới đây việc có tới ba thứ trưởng của bộ Giao thông Vận tải bị sờ gáy kỷ luật, vì những sai phạm khi tại chức thì thứ hỏi người dân của đất nước này có còn dám tin vào những gì mà bộ này “tâm huyết” nói và làm (!). Bộ trưởng Giao thông Vận tải sao đến giờ mà chưa có một lời ngỏ nào với dân ?!.