Nông dân cao tuổi “hái” lộc nhờ nuôi hươu
NCT làm kinh tế giỏi 06/11/2023 16:09
Mô hình nuôi hươu của gia đình ông Nguyễn Đình Kiên. |
Vào một ngày cuối thu, tôi và anh bạn đồng nghiệp được lãnh đạo Hội NCT huyện Điện Biên đến thăm mô hình chăn nuôi hươu lấy nhung của gia đình ông Nguyễn Đình Kiên ở thôn 5, xã Pom Lót.
Vừa cho hươu ăn, ông Kiên vừa chia sẻ: Sau 8 năm “khởi nghiệp”, đàn hươu của gia đình ngày càng nhiều lên. Theo đó, nuôi hươu lấy nhung và nuôi hươu sinh sản rất dễ. Tuy là loài thú vốn gốc gác là động vật hoang dã, nhưng hươu dễ chăm sóc, việc chăn nuôi cũng không vất vả, chủ yếu là tận dụng thời gian. Mỗi ngày cho hươu ăn 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối. Thời gian còn lại có thể làm các công việc khác nên rất thuận lợi. Bên cạnh đó, trong khi đầu ra của các con vật nuôi khác không ổn định, thì đầu ra của sản phẩm nhung hươu hay hươu giống là khá thuận lợi bởi thị trường thường cung không đủ cầu.
Theo ông Kiên, hươu cái 2 tuổi bắt đầu sinh sản, mỗi năm hươu đẻ 1 lần. Hươu đực 2 năm tuổi bắt đầu cho nhung. Mùa lộc nhung từ tháng 12 âm lịch năm trước đến hết tháng 3 âm lịch năm sau. Từ khi hươu mọc nhung đến lúc cắt nhung khoảng 45 ngày. Mỗi năm 1 con hươu cho nhung 1 lần. Những năm đầu tiên hươu cho nhung ít chỉ từ khoảng 150-500 gram. Đến năm thứ 6 trở đi hươu cho nhung ổn định khoảng 700-800 gram mỗi năm. Đồng thời, hươu có thể cho nhung đến 20 năm liên tục. Muốn có được một cặp nhung hươu chất lượng cao, theo ông Kiên khi nhung bắt đầu nhú phải cung cấp nguồn thức ăn bổ dưỡng cho hươu như cây cỏ, ngô nấu, gạo nếp, các loại cây lá sung, vải, mít...
Đồng thời, hươu là động vật hoang dã được con người nuôi thuần chủng, có sức khỏe tốt, đề kháng cao nên ít bị bệnh… Những triệu chứng nhận biết khi hươu bị bệnh là bỏ ăn hoặc lười ăn, khô mũi. Một số bệnh hươu nuôi hay gặp là bệnh đường ruột như, trướng bụng, phân lỏng. Trong quá trình chăm sóc, thấy hươu bị khô mũi, ông lấy bồ kết và tóc rối cho vào cái thau đốt lên rồi bỏ vào chuồng hươu để xông mũi. Trường hợp hươu mắc bệnh đường ruột thì không cho ăn cỏ mà phải cho ăn các loại thức ăn có vị chát đắng như lá xoan, chuối xanh, lá mật gấu, lá đinh lăng. Nếu để hươu bị đường ruột nặng thì rất khó chữa...
Từ mô hình nuôi hươu mỗi năm gia đình ông Kiên cắt bán từ 10 cặp nhung với giá trung bình khoảng 15 triệu đồng/cặp và xuất bán từ 2 đôi giống. Hươu giống nuôi khoảng 6 tháng tuổi bán giá 20 triệu đồng/cặp, hươu giống khoảng 3 năm tuổi bán với giá 50 triệu đồng/cặp.
Ông Kiên chia sẻ với phóng viên về kĩ thuật nuôi hươu |
Ngoài nuôi hươu, ông Kiên còn nuôi thêm lợn, gà mỗi năm thu lãi khoảng hơn 30 triệu đồng. Trên gương mặt đã hằn sâu nhiều “vệt thời gian”, ông Kiên vẫn tâm niệm “làm giàu không kể tuổi”, chỉ cần dám nghĩ, dám làm, không ngừng nỗ lực và học hỏi thì ắt sẽ thành công. Chính vì thế, mô hình nuôi hươu của ông được cấp ủy, chính quyền nơi đây đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Nhiều hộ nông dân cao tuổi trên địa bàn huyện Điện Biên còn đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Đức Lập, Phó Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Điện Biên cho biết: Hàng chục năm qua, ông Kiên luôn là một trong những hội viên NCT năng động, dám nghĩ dám làm, tích cực đưa các mô hình kinh tế mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, khi áp dụng thành công, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các hội viên NCT trên địa bàn xã, huyện, tỉnh để giúp nhau nâng cao thu nhập. Cùng với làm kinh tế giỏi, ông Kiên cũng tích cực tham gia các phong trào của Hội NCT, Hội Cựu chiến binh xã và các phong trào do địa phương phát động...