Nỗi niềm của người từng là chủ nhà hàng Cổ Thành Tây Đô
Pháp luật - Bạn đọc 22/07/2022 08:57
Từ doanh nhân trẻ thành... bị cáo(!)
Vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô) kéo dài gần 8 năm trời, với nhiều lần truy tố, xét xử, khiến dư luận quan tâm.
Lúc đầu, cơ quan tố tụng xác định thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng và chủ mưu của vụ án là nhóm cán bộ của VCB Tây Đô và nhiều nhóm doanh nghiệp gây ra. Nguyên do, để che giấu sự mất cân đối nguồn vay, nhóm cán bộ ngân hàng chủ mưu làm hồ sơ vay “khống” để đáo hạn, cứu nợ xấu cho doanh nghiệp, để rồi nợ xấu ngày càng lún sâu.
Điều đáng nói, trong nhóm những doanh nghiệp bị truy tố, có nhóm Công ty Đại Dương, do Võ Vũ Bình làm chủ. Ngay từ đầu, các công ty của Võ Vũ Bình không có nợ xấu nhưng vì chơi thân với Giám đốc VCB Tây Đô lúc bấy giờ là Nguyễn Minh Chuyển, nên Võ Vũ Bình được Nguyễn Minh Chuyển “ưu ái” kí một số hợp đồng cho vay vốn để phát triển kinh doanh và đầu tư vào bất động sản.
Tuy nhiên, khi quá trình điều hành ngân hàng ngày càng rơi vào khó khăn, Võ Vũ Bình bị nhóm cán bộ ngân hàng mà đứng đầu là Nguyễn Minh Chuyển lợi dụng, tự làm nhiều “hồ sơ ma” vay vốn rồi gán cho Bình. Số vốn giải ngân từ “hồ sơ ma” đã bị Chuyển và nhóm cán bộ VCB Tây Đô tự giải ngân nhằm cứu nợ xấu cho doanh nghiệp khác. Việc làm này tất nhiên nhiều chuyện Võ Vũ Bình không hay biết, để rồi đến ngày 27/6/2016, Võ Vũ Bình bị khởi tố bắt giam, cùng với đó nhiều tài sản, dự án làm ăn hợp pháp của Võ Vũ Bình bị dở dang hợp đồng kinh tế về bất động sản, thiệt hại nhiều tỉ đồng và cơ quan tố tụng niêm phong, phát mãi để thu hồi nợ xấu cho ngân hàng.
Ông Võ Vũ Bình chia sẻ với phóng viên về Dự án nhà hàng Cổ Thành Tây Đô. |
Lúc đầu nhóm của Võ Vũ Bình bị quy kết gây thiệt hại hơn 100 tỉ đồng. Võ Vũ Bình bị 2 lần bắt tạm giam và từng bị Tòa cấp sơ thẩm (lần 1) ngày 14/6/2019, tuyên phạt 18 năm tù. Không chấp nhận bản án, Võ Vũ Bình liên tục khiếu nại, kêu oan, đặc biệt yêu cầu giám định chữ viết, chữ kí và các bằng chứng từ hồ sơ vụ án. Ngày 1/7/2022, TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm (lần 2).Toà án cho rằng,Võ Vũ Bình chỉ liên quan đến số tiền sai phạm trong hoạt động cho vay là 1,4 tỉ đồng và tuyên Võ Vũ Bình mức án 2 năm 5 tháng 4 ngày (bằng với thời gian tạm giam). Điều đáng nói, các hợp đồng vay vốn của Võ Vũ Bình đều có tài sản thế chấp bảo đảm. Ngày 20/1/2015, phía ngân hàng đã có lập biên bản, xác nhận điều này nhưng Võ Vũ Bình vẫn bị buộc sai quy định cho vay. ÔngVõ Vũ Bình rất ấm ức điều này nhưng không muốn đấu tranh nữa vì vụ án kéo dài quá lâu rồi rất mệt mỏi. Ông Vũ Bình cho rằng, “vận đen” của mình là liên quan trong thời điểm Chi nhánh ngân hàng bị “bể nợ” lớn nên sự nghiệp kinh doanh và bản thân cũng bị kéo vào vụ án, để rồi từ một doanh nhân trẻ, đang làm ăn phát đạt về lĩnh vục khách sạn nhà hàng, du lịch, bất động sản thì bị vướng vào vòng lao lí.
Gần 8 năm trời vướng vào vụ án, ngoài việc mất thời gian, sức khỏe, uy tín.... sự nghiệp của Võ Vũ Bình tan tành, nhiều tài sản bị phát mãi, thậm chí có những dự án làm ăn không liên can cũng bị “vạ lây”, như Dự án nhà hàng Cổ Thành Tây Đô.
Liên doanh đầu tư nhà hàng khách sạn
Ngày 2/4/2003, UBND TP Cần Thơ có Quyết định số1091, quy hoạch khu đất 5.800m2 tại khu vực Hàng Dương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều để phát triển du lịch, dịch vụ. Phần đất này UBND TP Cần Thơ cho Công ty CP Tài chính (do ông Đặng Huy Ngọc làm Giám đốc) thuê đầu tư xây dựng nhà hàng - khách sạn.
Ngày 3/10/2003, UBND TP Cần Thơ có Công văn số 4020, thống nhất cho Công ty CP Tài chính ứng vốn thi công đoạn kè qua phần đất Công ty thuê thuộc tuyến bờ kè phường Cái Khế. Thời điểm nhận đất còn có 4 hộ dân chưa được bồi thường hỗ trợ di dời và do Công ty thiếu vốn nên chưa bơm cát san lấp mặt bằng, thi công tuyến kè theo kế hoạch.
Hệ thống nhà hàng Cổ Thành Tây Đô có sức chứa khoảng 1.000 khách |
Năm 2005, ông Võ Vũ Bình (góp 80% vốn) và bà Trần Thị Lan Phương (mẹ ông Bình) liên doanh thành lập Công ty TNHH Thương mại Du lịch Vũ Bình (Công ty Vũ Bình). Để thực hiện dự án, ngày 7/12/2006, Công ty CP Tài chính kí Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Vũ Bình với nội dung, hai bên thống nhất tự nguyện hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh khu biệt thự, nhà hàng, khách sạn trên diện tích đất 5.800m2, vị trí như nói ở trên. Theo đó, khu nhà hàng được xây dựng trên diện tích 3.000m2 và khu biệt thự 2.800m2, với tổng dự toán 39 tỉ đồng, thời gian thực hiện là 5 năm (2006-2011). Hình thức hợp tác đầu tư vốn mỗi bên là 50/50% và lợi nhuận chia đôi. Số vốn đầu tư ban đầu tạm tính là 4 tỉ đồng.
Sau khi kí hợp đồng, Công ty Vũ Bình đã nộp tiền đủ để bồi thường giải phóng mặt bằng và giải quyết 3 nền tái dịnh cư cho 4 hộ dân có đất nằm trong Dự án. Tiếp đó, Công ty Vũ Bình bỏ vốn thi công san lắp mặt bằng (432 triệu đồng) và xây dựng nhà hàng, khách sạn, đặt tên là Cổ Thành Tây Đô. Tổng chi phí mà Công ty Vũ Bình bỏ ra để xây dựng hệ thống nhà hàng khách sạn là 8,3 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ngân hàng, thế chấp nhà đất. Trong khi đó Công ty CP Tài chính lại chưa góp vốn như thoả thuận.
Hệ thống nhà hàng Cổ Thành Tây Đô sang trọng bậc nhất lúc bấy giờ có sức chứa khoảng 1.000 khách, đang kinh doanh hiệu quả chưa được bao lâu thì ngày 4/11/2011, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ có văn bản thu hồi chủ trương đầu tư xây dựng khu nhà hàng - khách sạn Cổ Thành Tây Đô để thực hiện Dự án xây cầu chữ Y. Tuy nhiên, chính quyền TP Cần Thơ vẫn cho sử dụng tạm khu đất này cho đến khi Dự án cầu chữ Y thi công và bên thuê phải trả tiền theo hình thức thuê đất hằng năm (tính từ ngày 14/6/2012 đến 14/6/2017). Ngày 21/9/2012, Công ty Vũ Bình tiếp tục kí Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 09 với Công ty CP Tài chính thời hạn cũng 5 năm, trùng với thời hạn thuê đất. Công ty Vũ Bình có trách nhiệm tổ chức kinh doanh nhà hàng, xây dựng nhà hàng Cổ Thành Tây Đô và phải nộp cho Công ty CP Tài chính 60 triệu đồng/tháng.
Ngày 25/8/2015, UBND TP Cần Thơ ra quyết định thu hồi toàn bộ thửa đất, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất xử lí. Hợp đồng thuê đất tạm 5 năm nhưng mới hoạt động được 3 năm 2 tháng thì bị thu hồi.
Chưa được bồi thường thỏa đáng?
Ông Võ Vũ Bình chia sẻ: Dự án xây dựng cầu Chữ Y “bất thành”, lẽ ra chính quyền phải ưu tiên cho nhà đầu tư là Công ty CP Tài chính và Công ty Vũ Bình tiếp tục được thuê đất, được thực hiện hết hợp đồng và được khai thác hệ thống nhà hàng Cổ Thành Tây Đô nhưng điều đó không xảy ra. Xin nói thêm, trong giai đoạn này, đối diện với khu đất nhà hàng Cổ Thành Tây Đô là Cồn Ấu (thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng, cách nhau là sông Cần Thơ) đã hình thành Khu du lịch Phù Sa (do Công ty nhà nước ở Cần Thơ đầu tư). Dự án khu du lịch Phù Sa đã được “chuyển giao” cho Tập đoàn NovaLand với diện tích 19ha để xây dựng khu nghỉ dưỡng, resort. Novaland không chỉ khai thác trên diện tích 19ha đất ở Cồn Ấu mà được địa phương “ưu ái” giao phần đất toàn bộ khu nhà hàng Cổ Thành Tây Đô, với tên mới “Quy hoạch khu đất bến thuyền Cái Khế” và sau đó được xây dựng thành khu đón khách trung tâm, bến thuyền để đưa sang Cồn Ấu nghỉ dưỡng. Từ đây, khu nhà hàng Cổ Thành Tây Đô đã bị xoá bởi một dự án kinh doanh khác.
Sau khi quyết định giao đất cho doanh nghiệp khác, UBND TP Cần Thơ giao Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) phối hợp với Công ty Novaland và UBND quận Ninh Kiều thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Tài chính. Đồng thời giao Trung tâm PTQĐ TP Cần Thơ và các đơn vị liên quan kiểm kê công trình, vật kiến trúc để bồi thường, phân loại cụ thể tài sản của Công ty CP Tài chính và tài sản của Công ty Vũ Bình, không để xảy ra tranh chấp giữa 2 công ty này. Trung tâm PTQĐ TP Cần Thơ có phương án bồi thường cho Công ty CP Tài chính gồm: Tiền công trình, vật kiến trúc gần 4,3 tỉ đồng; kinh phí hỗ trợ 327 triệu đồng; sân, đường, san lấp cát 1,8 tỉ đồng và chi trả 4 hộ dân 1,087 tỉ đồng, trong khi Công ty CP tài chính chưa bỏ kinh phí ra xây dựng.
Khi ông Võ Vũ Bình bị vướng vào vụ án của Chi nhánh ngân hàng VCB Tây Đô, bị bắt tạm giam thì quyền lợi của ông Bình liên quan đến Dự án nhà hàng Cổ Thành Tây Đô cũng bị ảnh hưởng.
Ông Bình bức xúc: “Kinh phí chúng tôi bỏ ra là rất lớn, khi tôi bị tạm giam, ở nhà họ ép anh và mẹ tôi phải nhận số tiền hỗ trợ chỉ 2,8 tỉ đồng. Trong khi những người này không đủ tư cách pháp lí để giải quyết hay quyết định. Trước khi bị tạm giam, chính ông Bùi Thành Nhơn và ông Bùi Đạt Chương (Công ty Novaland) chủ động liên hệ thỏa thuận sang nhượng lại cổ phần trong dự án mà tôi liên doanh với Công ty CP Tài chính. Lúc đó tôi đã đưa ra mức giá 30 tỉ đồng, vì tổng kinh phí, công sức đầu tư đã 21 tỉ rồi. Đây là khu đất “vàng”, có vị trí đắc địa, nếu Nhà nước đưa ra đấu giá thì giá trị có thể lên đến 150-200 tỉ đồng”.
Cũng theo ông Bình, việc chi trả bồi thường cho Dự án nhà hàng Cổ Thành Tây Đô, Trung tâm PTQĐ Cần Thơ và Công ty Novaland thực hiện chưa đúng quy định pháp luật. Trong đó, việc giao hàng nghìn mét vuông đất cho Công ty Novaland thuê với thời hạn 49 năm nhưng không tổ chức đấu giá cho thuê theo quy định. Hiện ông Võ Vũ Bình có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng TP Cần Thơ yêu cầu làm rõ.
Hàng nghìn mét vuông đất “vàng” cho thuê không qua đấu giá Ông Võ Vũ Bình bức xúc: “Khoảng năm 2015, Công ty Novaland được “chuyển giao” Khu du lịch Phù Sa (của Công ty nhà nước Cataco) có diện tích 19ha đất. Theo tôi, nhờ khu đất “vàng” 5.800m2 của nhà hàng Cổ Thành Tây Đô (không qua đấu giá) làm bước đệm, là khu chính để đón khách vào khu resort mà Công ty Novaland đã sang nhượng thành công 47 căn biệt thự resort trên diện tích 11ha đất cho Công ty Tân Phương Đông, thu lợi nhuận lớn. Trong khi bản thân tôi làm chủ dự án, đầu tư vốn để xây dựng, lúc gặp khó khăn chưa được bồi thường chi phí theo quy định của pháp luật”. |