Nợ... ăn
Trong mắt người già 31/03/2020 10:15
Lúc đầu ai cũng vui vẻ “mời ông”, sau thấy lòng tốt “bị lạm dụng”, mỗi lần người này đến “ăn nhờ” chủ nhà đều bí mật ghi sổ, đến cuối tháng mang ra…đòi nợ.
Cứ ngỡ câu chuyện ấy thuộc về thì quá khứ xa xăm, nào ngờ mới đây, báo chí đưa tin, cơ quan Huyện ủy, UBND huyện nọ của tỉnh Thanh Hóa nợ trên 50 tỉ đồng, liên quan đến ăn uống, tiếp khách, sửa xe… mà không có khả năng chi trả.
Việc nợ tiền liên hoan, tiếp khách của các cơ quan công quyền không phải hiếm. Cách đây vài năm, một số nhà hàng ở huyện nọ của tỉnh Nghệ An phản ánh, họ bị nợ các khoản tiền liên quan đến ăn uống, tiếp khách lên tới cả tỉ đồng.
Rồi tại một huyện khác của Hà Tĩnh cũng có mấy cửa hàng nói, lãnh đạo xã tổ chức ăn nhậu và ghi sổ nợ lên cả trăm triệu đồng…
Xưa nay, trong quan hệ trao đổi, các cụ vốn sòng phẳng “Tiền trao cháo múc”. Còn nếu không có tiền mà vẫn cố thì “Ăn trước trả sau đau hơn hoạn”. Nay ở huyện nọ mang “cục nợ” không có khả năng chi trả đang trở thành câu chuyện cười ra nước mắt.
Dư luận xã hội nên có cái nhìn món nợ này ở góc độ… pháp luật. Việc để xảy ra khoản nợ lớn như vậy trước hết công tác chuyên môn trong chi tiêu hành chính ở địa phương chưa chuẩn. Họ không thực hiện đúng chức năng quản lí ngân sách Nhà nước dẫn tới việc “vung tay quá trán”, để lại hậu quả chưa biết khi nào giải quyết xong. Sự việc này còn cho thấy, quy trình quản lí, chi tiêu hành chính của các đơn vị này chưa chặt chẽ. Cũng cần nói thêm, các vị lãnh đạo ở đây (có người đã hưu) phải xem lại mình. Vì trong quá trình làm việc, tiếp khách… đều đã có quy định cụ thể và có các định mức chi tiêu rõ ràng, chỉ có người “dũng cảm” mới để lại hậu quả về sau.
Nhiều người cho rằng, một huyện “nợ từ bên trong ra bên ngoài” với số tiền lớn như thế, cần phải được điều tra làm rõ, xác định thực hư và xử lí dứt điểm. Việc để nợ một số tiền lớn như vậy cho thấy lộ những “lỗ hổng” trong công tác quản lí, chi tiêu ngân sách không thể chấp nhận được.
Xưa nay, “nợ ăn” đều được các cụ ta dựng “bia” nhưng là bia miệng, bởi “miếng ăn là miếng nhục”. Đây không chỉ là câu chuyện giữa các cá nhân mà còn là uy tín của cơ quan trong hệ thống chính trị.
Rồi đây, tại những nơi để xảy ra món nợ kiểu này, ai lệnh sai, làm sai, thực hiện sai chắc sẽ được “hạ hồi phân giải”. Nhưng qua đây, các quan đầu xã, đầu huyện… cần rút ra bài học đắt giá. Rằng, phải luôn nghĩ đến vị trí, trách nhiệm cá nhân; cây bút phải nâng lên hạ xuống nhiều lần trước khi kí “lệnh ăn”. Có như thế, món “nợ ăn” mới không đi vào “bia miệng” của người đời.