Nhiều bất cập, mâu thuẫn cần được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ!
Đơn thư bạn đọc 31/03/2021 16:58
Đơn đăng kí tiếp công dân ngày 8/3/2021, của ông Trần Phú Đức gửi Ban Nội chính Thành ủy Hồ Chí Minh. |
Nhiều bất cập, mâu thuẫn!
Một, về nguồn gốc đất. Phần đất 4.508m2 nằm trong tổng diện tích 16.230m2 thuộc các lô 192, 196, 197, 198, 217 tờ bản đồ số 1, làng Trung Lập Hạ do ông Đặng Văn Nên (ông cố ông Khích) đứng bộ từ năm 1879. Ông Nên có 3 người con: Ông Đặng Văn Minh (ông nội ông Khích); ông Đặng Văn Xôm độc thân chết năm 1910; ông Đặng Văn Hồ độc thân chết năm 1907.
Mặc dù đến năm 1975 ông Nên vẫn đứng bộ phần đất 16.230m2 trên, nhưng ông Nguyễn Văn Chường xuất trình “tờ bán đứt và trọn sở” ngày 02/09/1943 với nội dung: Ông Võ Văn Tơ cùng 2 con Võ Văn Truyện và Võ Văn Lụa là con rể và cháu ngoại của ông Đặng Văn Nên bằng lòng bán đứt phần đất 16.230m2 cho ông Nguyễn Văn Chường, có xác nhận của chính quyền Pháp ngày 08/08/1947. Tại quyết định giải quyết khiếu nại số 269/QĐ-UB ngày 19/08/1996 của UBND huyện Củ Chi có ghi: Ông Đặng Văn Xôm (con ông Nên) có mượn tiền của ông Nguyễn Văn Chường vào năm 1942 nên ông Chường có đoạn mãi phần đất 14.830m2, trong đó có phần đất 4.508m2 ông Khích đang khiếu nại.
Hai, Hồ sơ thể hiện ông Võ Văn Tơ không thuộc họ tộc ông Đặng Văn Khích. Tại giấy xác nhận ngày 10/02/1990 và tại Biên bản làm việc của Thanh tra Nhà nước ngày 03/04/2000 do ông Võ Văn Cẩn (con ông Tơ) sinh năm 1917 trình bày: Ông Nên chỉ có 3 người con trai: Đặng Văn Minh, Đặng Văn Xôm, Đặng Văn Hồ. Khoảng năm 1942, 1943 ông Chường làm sẵn “tờ bán đứt đất” đưa cho ông Tơ kí tên, để bán cho ông Chường phần đất do bà Đặng Thị Ở (con ông Đặng Văn Minh) đang sử dụng. Ông Tơ không phải con rể ông Nên, vì theo trình bày của ông Võ Văn Cẩn thì ông Nên chỉ có 3 người con trai, mà ông Tơ là cha ông Cẩn không thuộc họ tộc ông Khích.
Ba, hồ sơ thể hiện ông Xôm chết khoảng năm 1910, nên năm 1942 không thể mượn tiền của ông Chường. Tại quyết định giai quyết khiếu nại số 269/QĐ-UB ngày 19/08/1996 của UBND huyện Củ Chi xác định: Ông Xôm mượn tiền của ông Chường năm 1942, nên ông Chường đã đoạn mãi phần đất 16.230m2 của ông Nên. Nhưng theo tông chi của ông Khích thì ông Xôm chết khoảng năm 1910, nên không thể mượn tiền của ông Chường vào năm 1942. Mặt khác vì lí do ông Xôm mượn tiền mà ông Chường lấy tên ông Tơ lăn tay bán đất cho ông Nên là vô lí. UBND huyện Củ Chi xác định ông Xôm mượn tiền của ông Chường vào năm 1942 chủ yếu dựa vào lời trình bày của ông Huỳnh Văn Thắng sinh năm 1933. Ông Thắng đã nhiều năm làm Bí thư, Chủ nhiệm HTX ấp Trảng Lắm. Tuy nhiên sự trình bày của ông Thắng có nhiều mâu thuẫn. Cụ thể: Tại phiên bản làm việc của UBND xã Trung Lập Hạ ngày 10/3/1992 ông Thắng trình bày: Từ trước năm 1930 đất này do bà Đặng Thị Hiên em ruột ông Nên đứng bộ; ông Nên có 4 người con: Đặng Văn Minh, Đặng Văn Xôm, Hồ, Đặng Thị Phê (cùng cha khác mẹ). Do ông Hồ nghèo khổ, mượn tiền ông Chường nên ông Chường mới mượn ông Truyện viết đơn đứng bán đất đó cho ông Chường. Tại biên bản làm việc 20/03/2000 của Thanh tra nhà nước, ông Thắng trình bày: Ông Thắng không biết việc mua bán đất giữa ông Nên với ông Chường, chỉ thấy ông Chường trồng cao su khoảng năm 1949-1950.
Bốn, hồ sơ thể hiện gia tộc ông Khích có canh tác 16.230m2 đất ở phía Tây và phía Đông Hương lộ 2. Theo biên bản xác minh ngày 7/3/1992 của UBND xã Trung Lập Hạ với ông Võ Văn Quáo, sinh năm 1929, hội viên Hội Phụ lão ấp Trảng Lắm; biên bản xác minh ngày 26/12/1997 của Phòng Địa chính huyện Củ Chi với ông Võ Văn Quáo; biên bản làm việc ngày 3/4/2000 của Thanh tra Nhà nước với ông Võ Văn Cẩn (con ông Tơ, người đứng tên bán đất) cùng nhiều xác nhận của bà con, cán bộ hưu trí sống lâu năm tại ấp Trảng Lắm, thể hiện vị trí phần đất 16.230m2 nằm cặp Hương lộ 2 chia làm 2 phần: Phần phía Tây diện tích 7.800m2; phần phía Đông 8.263m2; sau năm 1975, gia tộc ông Khích có trở về canh tác đất này. Cụ thể như sau:
Phần đất 7.800m2 phía Tây Hương lộ 2: Năm 1979, thành lập tập đoàn, ông Đặng Văn Lăng đưa 7.800m2 đất này vào tập đoàn và xã Trung Lập Hạ quản lí cho đến nay. Hiện trạng xã đã xây dựng Trường tiểu học diện tích 2000m2 nằm giữa phần đất. Phía bên phải (từ ngoài Hương lộ 2 nhìn vào) diện tích khoảng 4000m2, trên đó có xây 1 căn nhà khoảng 100m2 làm trường mẫu giáo, phần còn lại bỏ trống. Phía bên trái khoảng 2000m2, có 4 hộ cất nhà ở và buôn bán tại mặt tiền phần đất diện tích khoảng 200m2, phần còn lại bỏ trống. Tháng 5/1989, bà Đặng Thị Hoan (con ông Đặng Văn Khoái) trở về tự cất một căn nhà tại phần đất trên, nhưng không được xã và huyện chấp thuận. Ngày 27/5/1989, UBND huyện Củ Chi ra Quyết định số 17 /QĐ-UB đình chỉ xây cất.
Phần đất 8263m2 phía Đông Hương lộ 2: Sau năm 1975, ông Khích hưu trí trở về canh tác đất này. Năm 1979, thành lập tập đoàn sản xuất, ông Khích vẫn tiếp tục sử dụng phần đất trên, có đăng kí theo Chỉ thị 299/TTg; có đóng thuế đất từ năm 1979 đến 1984 nhưng biên lai đã thất lạc. Tháng 8 năm 1985, tập đoàn chuyển lên thành lập HTX Trảng Lắm, ông Khích đưa đất vào HTX và HTX có kế hoạch sử dụng phần đất 8263m2 làm sân phơi và nhà kho. Tuy nhiên, đến năm 1988 kế hoạch trên chưa được thực hiện thì HTX tan rã. Ông Khích cũng như những hộ dân khác tự lấy đất lại để sản xuất. Sau khi lấy lại đất, ông Khích giao cho con gái là Đặng Thị Ngậm cất nhà ở, trồng trọt.
Phần đất trong 16.230m2 đất ở phía Tây Hương lộ 2 có nguồn gốc của gia tộc ông Đặng Văn Khích. |
Năm, hồ sơ thể hiện nại nhiều lí do để khai trừ ông Khích ra khỏi Đảng. Một số cán bộ xã Trung Lập Hạ không đồng ý cho ông Khích lấy lại phần đất 8263m2. Ngày 24/11/1989, Đảng ủy xã họp biểu quyết, với 12/12 Ủy viên Ban chấp hành đề nghị khai trừ ông Khích ra khỏi Đảng. Lí do: Đất là của ông cố đồng chí Khích nên đồng chí Khích không được quyền thừa kế. Đồng thời gia đình đồng chí Khích tính bình quân nhân khẩu thì có thừa; phần đất này đã được đưa vào quy hoạch của HTX; đồng chí Khích đã hứa hẹn với Chi bộ nhưng không chấp hành, ảnh hưởng lớn đến việc xáo trộn đất của HTX. Mặc dù việc thu hồi phần đất 8263m2 đang được xã Trung Lập Hạ tiến hành nhưng ngày 25/2/1990, ông Phan Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX Trảng Lắm viết sẵn “Giấy mượn đất” đưa cho ông Khích kí nội dung “xin mượn số đất quy hoạch của HTX, khi nào HTX cần tôi sẽ giao lại”. Giấy mượn đất này là một trong những căn cứ để Sở Địa chính thành phố, Thanh tra thành phố, UBND thành phố giải quyết bác đơn của ông Khích xin sử dụng đất. Tháng 4/1990, UBND xã tiếp tục yêu cầu ông Khích giao lại đất nhưng ông Khích không đồng ý nên ngày 25/5/1990, Đảng ủy xã tổ chức họp, đề nghị Huyện ủy xử lí đối với ông Khích: Khai trừ khỏi Đảng. Ngày 19/7/1990, Huyện ủy huyện Củ Chi ra Nghị quyết số 31/NQKL khai trừ ông Khích ra khỏi Đảng. Ngày 29/6/1992, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có Nghị quyết số 12/NQKT chuẩn y: Nghị quyết số 31/NQKT của Huyện ủy Củ Chi về việc khai trừ ông Khích ra khỏi Đảng.
Ông Khích khiếu nại đến Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, với lí do: Đất có nguồn gốc của gia tộc, ông Khích đã về khai phá từ năm 1975, có đăng kí, đóng thuế đầy đủ. Khi có biến động ruộng đất, các hộ xã viên đều tự lấy lại đất để canh tác, nên ông cũng được lấy lại đất như các xã viên khác!
Xin nói rõ về lí do khai trừ Đảng ông Kích. Căn cứ pháp luật về quản lí đất đai tại thời điểm năm 1990 quy định sau khi HTX tan rã, Nhà nước có chủ trương trả lại đất cho chủ cũ. Như vậy, Nhà nước đã thừa nhận đất của gia tộc ông Khích có đưa vào tập đoàn, vào HTX, thì tại sao lại không căn cứ quy định trên để thừa nhận việc ông Khích được trở về quản lí đất của mình? Và tại sao lại thừa nhận việc ông Phan Văn Hoàng là Chủ nhiệm HTX Trảng Lắm đã viết sẵn “Giấy mượn đất” đưa cho ông Khích kí nói trên. Trong khi, ai cũng dễ nhận ra điều vô lí là: Ông Khích không thể kí giấy mượn đất có nguồn gốc của gia tộc; và vào thời điểm kí “Giấy mượn đất”, thì đất này được pháp luật quy định được trả lại cho gia tộc ông Khích!
Sáu, hồ sơ thể hiện đối xử không công bằng với gia đình ông Khích. Ở thời điểm HTX tan rã, ông Khích vẫn sử dụng phần đất 8029m2. Năm 1993, xã đo vẽ lại bản đồ địa chính theo Chỉ thị 02/CT, phần đất 8263m2 được đo vẽ lại, diện tích thực tế 8029m2 tách làm 4 thửa gồm: Thửa 46: 1682m2, trên đó có 1 căn nhà khoảng 100m2 sử dụng làm trường mẫu giáo, còn lại là đất trống. Ông Khích đồng ý giao cho xã thửa đất này để sử dụng theo kế hoạch. Thửa 67: 4508m2, trên đó có căn nhà diện tích khoảng 50m2 của bà Đặng Thị Ngậm (con ông Khích). Thửa 68: 488m2. Thửa 151: 1351m2, trên đó có căn nhà của ông Nguyễn Văn Nghĩa diện tích 125m2, năm 1987 ông Nghĩa chỉ xin HTX cất quán tạm để buôn bán diện tích 30m2. Quá trình cư ngụ ông Nghĩa đã tự ý nới rộng nhà diện tích 125m2 nhưng ấp và xã không xử lí. Trong khi đó bà Ngậm sửa chữa nhà vào cuối năm 1995 đầu năm 1996 thì ấp và xã 2 lần lập biên bản đình chỉ xây cất.
Bảy, nhiều mâu thuẫn trong giải quyết của các cơ quan chức năng.
a) UBND huyện Củ Chi có Quyết định số 269/QĐ-UB ngày 19/8/1996, không thừa nhận ông Khích khiếu nại xin lại phần đất 4.508m2 thuộc thửa 67; công nhận cho hộ ông Khích được sử dụng 400m2/4.508m2 đất trên đó có căn nhà của ông Khích. Lí do: Năm 1942, ông Chường đoạn mãi phần đất do ông Nên đứng bộ, vì ông Xôm có mượn tiền cho ông Chường và là địa chủ nên Nhà nước cách mạng đã thu và quản lí toàn bộ đất. Năm 1975, Ban Nhân dân ấp vận động ông Chường hiến toàn bộ đất để làm sân phơi và nhà kho. Năm 1990, ông Khích bao chiếm đất. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, ông Xôm chết khoảng năm 1910, nên không thể mượn tiền của ông Chường vào năm 1942.
b) Sở Địa chính thành phố có Quyết định số 452/QĐ-UB ngày 19/6/1998 giao cho UBND huyện Củ Chi quản lí và điều phối sử dụng phần đất 4.508m2 cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng, trong đó có chiếu cố đến công sức quản lí, chăm sóc đất của ông Khích. Lí do: Phần đất 4.508m2 là đất ông Nên đã bán cho ông Chường. Trước năm 1975. Ông Chường không trực tiếp sử dụng đất và sau năm 1975 do HTX quản lí nên đất này thuộc diện Nhà nước quản lí; ông Khích có làm giấy mượn đất của HTX; ông Khích có quá trình quản lí chăm sóc đất từ năm 1975 đến 1984.
Nhưng, như đã nói ở trên, ông Khích không thể kí giấy mượn đất có nguồn gốc của gia tộc; và vào thời điểm kí “Giấy mượn đất”, thì đất này được pháp luật quy định trả lại cho gia tộc ông Khích!
Ông Trần Phú Đức đứng trên con đường dự định đặt tên Đặng Thị Ở (Mẹ Việt Nam Anh hùng, liệt sĩ Đặng Thị Ở, mẹ vợ ông Đức). |
c) Thanh tra thành phố có Tờ trình số 1145/TT-XKT ngày 26/10/1998 kiến nghị công nhận Quyết định số 269/QĐ-UB của UBND huyện Củ Chi và Quyết định số 452/QĐ-ĐC của Sở Địa chính giao cho hộ ông Khích sử dụng 400m2/4.508m2 đất; giao UBND huyện Củ Chi quản lí điều phối sử dụng đất còn lại. Lí do: Các đồng thừa kế của ông Nên là ông Tơ (con rể) và cháu ngoại đã bán phần đất 4.508m2 cho ông Chường. Sau giải phóng ông Khích lấy lại đất sử dụng và năm 1977 toàn bộ đất đưa vào HTX nông nghiệp. Năm 1988 HTX giải thể, ông Khích chiếm 4.508m2, sau đó có làm đơn mượn đất, cam kết khi HTX cần sẽ trả lại.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, ông Khích không thể kí giấy mượn đất có nguồn gốc của gia tộc; và vào thời điểm kí “Giấy mượn đất”, thì đất này được pháp luật quy định trả lại cho gia tộc ông Khích!
e) Có nhiều tình tiết mới: Xác nhận có mượn tiền của người đã chết! Về tình tiết này, UBND xã Trung Lập Hạ chỉ dựa vào ý kiến của ông Thắng để xác minh quá trình sử dụng đất: Bà Đặng Thị Ở canh tác trước năm 1946, nhưng do đất cằn cỗi nên bỏ đi; ông Đặng Văn Hồ có mượn tiền của ông Chường năm 1952 nên ông Chường nhờ ông Truyện đứng ra bán đất. Thực tế có rất nhiều bà con, cán bộ hưu trí sống lâu năm xác nhận bà Ở bị Pháp đóng trăng, dỡ nhà nên phải chuyển chỗ ở, nhưng UBND xã không đưa vào báo cáo. Việc ông Hồ mượn tiền không thể dựa vào biên bản xác minh với 1 người để xác định, hơn nữa ông Hồ đã chết khoảng năm 1907.
Bao giờ được trả lại sự công bằng, trong sạch?
Theo hồ sơ vụ việc, bà Đặng Thị Ở tham gia chống Pháp, Mỹ là liệt sĩ và là Mẹ Việt Nam anh hùng; ông Đặng Văn Khoái có con là Đặng Văn Hùng liệt sĩ chống Mỹ; ông Đặng Văn Lăng là thương binh chống Mỹ; ông Khích là thương binh hưu trí, nông dân, có 5 người con đã lập gia đình, thực sự có nhu cầu sử dụng đất.
Đã có dấu hiệu thể hiện một số cán bộ có thẩm quyền, báo cáo sai sự thật, làm phát sinh nhiều bất cập, mâu thuẫn trong giải quyết khiếu nại của ông Đặng Văn Khích; và việc giải quyết khiếu nại của đại diện gia tộc ông Khích mãi đến nay chưa được làm sáng tỏ! Đây là cơ sở để hai người cao tuổi là vợ chồng ông Trần Phú Đức, bà Lê Hà Minh, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, cựu tù Côn Đảo, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng; là đại diện gia tộc ông Đặng Văn Khích có “Đơn khiếu nại xin gặp mặt kêu cứu kêu oan lần thứ 140”, đề ngày 20/11/2018, gửi ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và gửi ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.
Ông Trần Phú Đức bức xúc: “Từ năm 1999 trở về trước, chúng tôi được Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố tiếp trực tiếp và được trình bày nguyện vọng. Do vụ việc không được giải quyết dứt điểm; đã hơn 37 năm nay, gia đình chúng tôi là nạn nhân của hành vi thể hiện việc lợi dụng chức vụ quyền hạn của một số cán bộ làm trái chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, để thu hồi cưỡng chiếm trái pháp luật đối với phần đất có nguồn gốc của gia tộc. Và từ sau năm 1999 đến nay, chúng tôi cũng chưa hề được Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố tiếp để chúng tôi được trình bày nguyện vọng. Trong khi chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại xin gặp mặt kêu cứu kêu oan “lần thứ 140”, với yêu cầu được tiếp dân theo quy định của Luật Tiếp công dân. Và mới đây (ngày 8/3/2021) chúng tôi vừa có “Đơn đăng kí tiếp công dân” gửi Ban Nội chính Thành ủy, yêu cầu giải quyết nguyện vọng được lãnh đạo Thành ủy tiếp công dân”.
Trang 1 |
Đơn khiếu nại xin gặp mặt kêu cứu kêu oan “lần thứ 140”, của ông Trần Phú Đức, bà Lê Hà Minh |
“Đơn đăng kí tiếp công dân” ngày 8/3/2021, của ông Trần Phú Đức gửi Ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. |
Như vậy, đại diện gia tộc ông Đặng Văn Khích đang có nguyện vọng được lãnh đạo thành phố tiếp công dân là chính đáng, là phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Cán bộ phải gần dân, phải lắng nghe dân”; đồng thời phù hợp quy định của Luật Tiếp công dân, chắc chắn sẽ được giải quyết!
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.