Nguy cơ mất tài sản vì bị “lừa” thế chấp bảo đảm cho ngân hàng
Đơn thư bạn đọc 17/11/2021 08:17
Có dấu hiệu giả mạo chữ kí, chữ viết
Ông Huỳnh Tấn Tám, ngụ khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, cho biết: Ngày 22/5/2018, ông Tám và vợ là bà Hồ Thị Phương ký Hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh 9, để giúp ông Nguyễn Điệp ngụ khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú, quận 9 (nay là TP Thủ Đức), TP Hồ Chí Minh để đảm bảo cho số tiền 5.880.000.000 đồng.
"Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất" có dấu hiệu giả mạo chữ ký chữ viết của ông Huỳnh Tấn Tám |
Giấy tờ của tài sản trên ký hiệu là CK348878 ghi tên vợ chồng ông Tám, bà Phương do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp ngày 14/12/2017. Việc làm Hợp đồng thế chấp trên thực hiện tại Văn phòng công chứng (VPCC) Nguyễn Điệp, số 113 Nguyễn Văn Tăng, phường Long Mỹ, quận 9, do chính ông Điệp làm Trưởng Văn phòng. Hiện VPCC Nguyễn Điệp dời về địa chỉ 06 đường Lê Lợi, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh
Theo Hợp đồng thế chấp trên, có nhiều điều khoản ràng buộc gây bất lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của vợ chồng ông Tám, bà Phương. Và theo vợ chồng ông Tám, bà Phương, phía ngân hàng trên chưa bao giờ đến nhà ông Tám ở tại địa chỉ nêu trên; không làm thủ tục định giá tài sản thế chấp, nên ông Tám và vợ cũng chưa bao giờ gặp và làm việc với đại diện của ngân hàng trên.
Do ông Điệp chưa thực hiện thế chấp tài sản khác cho ông Tám như đã thoả thuận trước đó, nên họ cũng không làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm. Nếu chưa “đăng ký giao dịch đảm bảo” thì ngân hàng không thể giải ngân Hợp đồng thế chấp. Sau đó, ông Tám phát hiện Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mang tên ông (còn gọi là đăng ký giao dịch đảm bảo) được xác lập đăng ký ngày 22/5/2018 tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh - Chi nhánh quận Bình Tân của Ngân hàng Agribank và đại diện của Văn phòng trên. Theo ông Tám chữ ký và chữ viết trong đó không phải của ông mà có dấu hiệu giả mạo để hợp thức hóa cho ông Điệp rút tiền của ngân hàng này.
Ngày 23/8/2019, đại diện ngân hàng trên và ông Điệp lập Phụ lục hợp đồng số 6300LAV2018258/PLHĐ và Phụ lục hợp đồng số 6300LAV201602604/PLHĐ để thay thế tài sản thế chấp trên nhằm bảm đảm khoản vay của ông Điệp. Vợ chồng ông Tám không biết, không được phía ngân hàng này thông báo về điều này. Sau đó, ông Điệp đã lấy và sử dụng toàn bộ số tiền 5.880.000.000 đồng.
Và nguy cơ mất tài sản
Ngày 2/8/2018, tại VPCC Nguyễn Điệp, ông Điệp và ông Tám, bà Phương ký Hợp đồng mượn tài sản, có nội dung là ông Điệp mượn tài sản đã thế chấp của ôngTám, bà Phương. Trong Điều 2 của Hợp đồng này ghi nhận ông Điệp phải bổ sung thế chấp cho vợ chồng ông Tám tài sản là quyền sử dụng đất do ông Nguyễn Điệp giao cho vợ chồng ông Tám. Nhưng không ghi rõ, cụ thể đó là quyền sử dụng đất nào, ở đâu, do ai đứng tên chủ quyền về sử dụng đất.
Cùng ngày 2/8/2018, hai bên làm Giấy cam kết ghi: Ông Điệp sẽ tất toán toàn bộ khoản tiền trong hợp đồng thế chấp nhà của ông Tám và Hoàn trả lại tài sản cho ông Tám là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp ở Ngân hàng Agribank chi nhánh 9 vào ngày 16/8/2018.
Và ông Điệp đưa bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ký hiệu BL 953827 do ông Nguyễn Điệp và bà Trần Thị Thu Thảo đứng tên, được UBND huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cấp ngày 18/3/2013 để làm tài sản tín chấp cho Hợp đồng mượn tài sản nói trên. Trong giấy này thể hiện tài sản được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Trùng ngày 25/10/2016.
Bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đấtngày 18/3/2013, ký hiệu BL 953827 của ông Nguyễn Điệp, bà Trần Thị Thu Thảo đã chuyển nhượng cho ông Trùng, nhưng ông Điệp vẫn đem tín chấp với ông Tám |
Ngày 11/9/2018, ông Điệp viết Giấy hẹn với vợ chồng ông Tám có nội dung: Tài sản trên của vợ chồng ông Tám đảm bảo cho ông Điệp vay số tiền 5.880.000.000 đồng, ông Điệp hẹn giữa tháng 12/2018 sẽ thanh toán nợ cho ngân hàng và rút giấy chứng nhận về cho họ. Nhưng sau đó, ông Điệp không thực hiện.
Ngày 25/9/2018, tại VPCC Nguyễn Điệp, ông Điệp làm Giấy ủy quyền cho ông Tám: Ông Điệp đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ký hiệu BL953827 của hộ Nguyễn Trùng, nói trên, cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu theo Biên nhận vào ngày 30/8/2018; ủy quyền cho ông Tám liên hệ Trung tâm trên để làm thủ tục và nhận kết quả theo Biên nhận trên; nhận bản chính giấy chứng nhận trên và các giấy tờ liên quan. Ông Điệp đưa cho ông Tám bản photocopy giấy Biên nhận nói trên của Trung tâm này.
Trong Giấy ủy quyền, ông Điệp kiêm luôn vai trò công chứng viên, ký tên và đóng dấu, nhưng chữ ký của ông Điệp ở phần mục công chứng viên thể hiện khác hoàn toàn với chữ ký của ông Điệp ở mục người ủy quyền, dù tên họ và cả số Chứng minh nhân dân đều trùng khớp và của một người là ông Nguyễn Điệp.
Liên hệ với trung tâm trên để làm các thủ tục như ủy quyền thì ông Tám không được Trung tâm này chấp nhập, vì Biên nhận là bản photocopy, không hợp pháp. Hiện nay, vợ chồng ông Tám không liên lạc được với ông Điệp.
Ông Tám đã ba lần gửi đơn đến Ngân hàng Agribank chi nhánh 9, với nội dung: Tranh chấp hợp đồng đảm bảo và chấm dứt bảo lãnh với ông Điệp. Ngân hàng Agribank chi nhánh 9 không trả lời cho ông Tám.
“Ông Điệp là Trưởng VPCC Nguyễn Điệp, là người đại diện để thực thi pháp luật, nhưng đã có dấu hiệu lợi dụng sự tín nhiệm để lừa đảo, gây hậu quả nghiêm trọng, làm gia đình tôi có nguy cơ mất tài sản. Ông Điệp thế chấp quyền sử dụng đất bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Điệp, bà Thảo nhưng đã chuyển nhượng giấy này cho ông Nguyễn Trùng (anh ruột ông Nguyễn Điệp) là hành vi có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối, lừa đảo chúng tôi. Ông Điệp nhiều lần làm giấy cam kết hứa hẹn trả lại tài sản đang thế chấp tại ngân hàng cho chúng tôi, nhưng không thực hiện. VPCC Nguyễn Điệp vẫn hoạt động bình thường, vẫn có thu nhập. Ông Điệp có rất nhiều tài sản khác, nhưng vẫn không trả nợ ngân hàng cho thế chấp tài sản của vợ chồng tôi. Ông Điệp đã bán nhiều tài sản để tẩu tán. Ngân hàng Agribank đã bán nợ cho EMC và EMC thông báo phát mãi tài sản của vợ chồng tôi để thu hồi nợ. Tôi đã nhiều lần gửi cho Ngân hàng Agribank - Chi nhánh 9 thông báo về việc tranh chấp tài sản đảm bảo, chấm dứt việc bảo lãnh cho ông Điệp. Nhưng ngân hàng này không trả lời chúng tôi”, ông Tám nói.
Ngày 26/5/2021, ông Tám, bà Phương đã có Đơn tố cáo ông Nguyễn Điệp và phía Ngân hàng Agribank - Chi nhánh 9, gửi Công an TP Thủ Đức. Ngày 7/6/2021, Thượng tá Nguyễn Lê Hùng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, TP Thủ Đức đã gửi Thông báo số 90/CQCSĐT (ĐTTH) cho vợ chồng ông Tám, bà Phương cho biết, đã nhận được đơn tố cáo của họ và đã chuyển đơn cùng tài liệu liên quan đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh giải quyết theo thẩm quyền.
Thông báo của Công an TP Thủ Đức gửi ông Huỳnh Tấn Tám, bà Hồ Thị Hương. |