Người tiên phong làm giàu trên vùng đất khó
NCT làm kinh tế giỏi 31/03/2023 09:43
Có một thời chanh đào rất khó tiêu thụ ở huyện Tiên Yên, khiến nhiều người trồng chanh lao đao, nhưng gia đình ông Chính vẫn trồng chanh tứ mùa, và vườn chanh của gia đình ông bán rất chạy. Ông cho biết: “Người trồng cây ngoài biết kĩ thuật, còn phải biết nắm bắt thị trường cần gì và biết tiếp thị tốt để bán sản phẩm của mình”. Trong khi nhiều người trồng chanh ngồi đợi thương lái đến thu mua, thì ông Chính mang sản phẩm của mình làm ra đi tiếp thị khắp nơi.
Từng là một người lính, do biết năng động làm ăn, năm 2013, Hội CCB tỉnh Quảng Ninh chọn và giao 400 cây chanh giống cho ông xây dựng mô hình điểm trồng chanh tứ mùa. Khi ấy, Đông Hải còn là xã nghèo, xa trung tâm huyện Tiên Yên nên gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh trồng chanh tứ mùa, ông Chính còn thành công khi trồng cam. |
Thời gian đầu, việc trồng chanh của ông Chính gặp nhiều khó khăn vì hệ thống tưới tiêu chưa được đầu tư hoàn chỉnh, rất khó lo đủ nước cho cây chanh vào mùa hanh khô. Mặt khác, kĩ thuật trồng chanh tứ mùa khi đó ở Tiên Yên chưa ai biết. Không ngần ngại, ông Chính tự tìm hiểu trên hệ thống internet về kĩ thuật trồng chanh. Rồi vợ chồng ông vay mượn để đầu tư hệ thống tưới tiêu. Tuy tuổi cao, nhưng thời gian đầu vợ chồng ông tự làm lấy mà không thuê mướn người làm. Mọi cố gắng của vợ chồng ông đã được đền đáp, năm 2015, vụ chanh đầu tiên đã được thu hoạch hơn 350kg quả.
Tuy số tiền thu được chưa cao, nhưng đã báo hiệu một hướng đi tốt, thấy cây chanh phù hợp với thổ đất Đông Hải, ông Chính mua thêm 200 cây chanh về trồng trên diện tích 1,4 ha. Tất cả số chanh đã được thu hoạch, quả sai từ gốc đến ngọn, hằng ngày ông Chính phải thuê người thu hoạch chanh từ 50 kí đến 1 tạ chanh/ngày vào mùa vụ và hơn 20 tấn chanh quả/năm. Dù sản lượng chanh nhiều như vậy, nhưng chanh của ông Chính vẫn không đủ bán, thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy.
Thị trường ban đầu mà ông Chính tìm đến là Móng Cái, thành phố biên giới của Quảng Ninh, nhưng ở đó có rất nhiều chanh từ các vùng quê khác đem đến, chanh ở Trung Quốc mang sang. Tìm hiểu kĩ thị trường, ông Chính nhận thấy thế mạnh của mình. Đó là chanh từ nơi khác chuyển đến do đường xa, người buôn chanh phải tìm nhiều cách để bảo quản và mất thêm phí vận chuyển nên giá thành đắt hơn. Còn từ nhà ông đến Móng Cái chưa đến 1 tiếng, nên chanh được tươi, không phải mất nhiều công bảo quản, tiền xe, giá chanh rẻ hơn. Từ những lợi thế trên, chanh của gia đình ông được thương lái và người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực. Đến nay, khi chanh đã có chỗ đứng trên thị trường miền Đông, ông Chính không còn phải đi rao bán, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua.
Không bằng lòng với những thành quả đạt được, ông Chính thuê thêm đất ở thôn Tài Noong để trồng 10ha cam sành. Đây là giống cam ông mua giống ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Đến nay diện tích trồng cây ăn quả của gia đình ông đã lên đến 11,6ha với gần 4.000 cây chanh, cam, bưởi, hằng năm cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng.
Ông Chính cũng là người có tấm lòng nhân hậu, nên ông đã giúp nhiều người kĩ thuật trồng chanh, trong đó có nhiều NCT, có người ông giúp hàng trăm cây giống, hoặc chỉ thu tiền khi họ đã có sản phẩm bán ra thị trường. Gia đình ông luôn tích cực tham gia công tác xây dựng đời sống văn hóa thôn và đóng góp nhiều công, quỹ xây dựng xã nông thôn mới.