Người cao tuổi đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 11/11/2024 19:18
Nội dung vụ án
Theo hồ sơ vụ án: Bà Huỳnh Thị Bế là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, Giấy chứng nhận Đăng kí kinh doanh số: 0311631512. Ông Đỗ Văn Đê, ở khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12 có nhiều nhà đất tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, thường hay cầm cố, thế chấp tài sản cho bà Bế. Khi cầm cố để vay, hai bên thường lập Hợp đồng mua bán nhà, đất bằng hình thức viết tay, không có công chứng; bà Bế sẽ tạm giữ giấy chủ quyền nhà, đất của ông Đê như là tài sản thế chấp cho các khoản vay; ngay khi hoàn trả tiền gốc và lãi, ông Đê sẽ nhận lại giấy tờ nhà đất và Hợp đồng mua bán viết tay bị hủy.
Ông Đê có kí 2 Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Gia Định:
- Hợp đồng số 2007.24TH0108/HĐTB ngày 29/8/2007, với khoản vay 4 tỉ đồng, thời hạn vay 5 năm, đến ngày 29/8/2012 mới đáo hạn. Tài sản thế chấp gồm: Nhà, đất số 0934/3E khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12 (sau đây gọi là: nhà đất số 0934/3E); nhà, đất số 272/13/3 Quốc lộ 1A, phường An Phú Đông (sau đây gọi là: Nhà đất số 272/13/3); quyền sử dụng đất (QSDĐ) 1.922m2 thửa số 4106, tờ bản đồ số 02 tại phường An Phú Đông, quận 12 và QSDĐ thửa số 1230, tờ bản đồ số 03 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, cùng ở TP Hồ Chí Minh.
Bà Huỳnh Thị Bế làm chủ tài sản từ năm 2010 sau khi mua của ông Đỗ Văn Đê. |
- Hợp đồng số 6400-LAV.200900245/HĐTD ngày 22/1/2009 tiền vay 4 tỉ đồng (đã giải ngân 2 tỉ), thời hạn vay 40 tháng, đến ngày 22/5/2012 mới đáo hạn. Tài sản thế chấp gồm QSDĐ thửa đất số 629, tờ bản đồ số 05 tại phường An Phú Đông.
Ngày 10/1/2009, ông Đê kí hợp đồng đặt cọc nhận của bà Bế 400 triệu đồng để bán nhà, đất tại số 0934/3E nói trên. Do ông Đê đang thế chấp tại Ngân hàng nên hai bên tạm ghi giá trị căn nhà chuyển nhượng là 1 tỉ đồng. Và, bà Bế cũng cần thời gian xoay xở tiền mới có thể giải chấp tất cả các giấy tờ trên tại ngân hàng để thực hiện việc mua bán nhà, đất.
Để có đủ tiền mua nhà, đất, bà Bế đã vay 3,3 tỉ đồng của Ngân hàng ACB (145 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức). Văn bản xác nhận dư nợ của Ngân hàng ACB đã nộp thêm chứng cứ cho Tòa phúc thẩm nhưng không được ghi nhận, xem xét.
Ngày 7/8/2010, ông Đê và bà Bế đến Ngân hàng để trả nợ và giải chấp 5 tài sản của 2 hợp đồng vay nêu trên. Sau khi được giải chấp, ông Đê đã bán cho bà Bế 3 tài sản, đều được thực hiện tại Phòng công chứng Nhà nước số 3, TP Hồ Chí Minh. Cụ thể:
Hợp đồng mua bán nhà ở số công chứng 18063, quyển số: 4TP/CC-SCC/HĐGD lập ngày 11/8/2010, đối với nhà đất số 0934/3E.
Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số công chứng 18062, quyển số: 4TP/CC-SCC/HĐGD lập ngày 11/8/2010, với phần đất 1.922m2 thuộc thửa số 4106 nói trên.
Hợp đồng mua bán nhà ở số công chứng 26012, quyển số: 6TP/CC-SCC/HĐGD lập ngày 9/11/2010, đối với nhà đất số 272/13/3 nói trên.
Hai tài sản còn lại, ông Đê đã bán cho ông Phan Thế Hòa.
Ngày 11/4/2011, ông Đê tiếp tục vay mượn của bà Bế 9,5 tỉ đồng, thế chấp các tài sản là nhà đất ở Long An và TP Hồ Chí Minh. Hai bên lập Giấy mượn tiền có người làm chứng là ông Nguyễn Thành Trai và bà Lê Thị Bé. Giấy mượn tiền được lập một bản duy nhất, đã được bà Bế xé hủy sau khi ông Đê hoàn trả đủ tiền gốc và lãi. Hai bên không ghi nhận tài sản thế chấp là tài sản nào do ông Đê đưa cho bà Bế rất nhiều giấy tờ nhà đất.
Trong khuôn viên nhà đất số: 0934/3E có 1 ngôi mộ. Ngày 3/12/2011, ông Đê lập Giấy cam kết di dời mộ trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày kí cam kết nhưng sau đó không thực hiện.
Sau khi bán tài sản nêu trên, ông Đê bàn giao nhà đất số 0934/3E cho bà Bế, đồng thời xin bà Bế ở nhờ lại tại căn nhà số 272/13/3 một thời gian rồi sắp xếp về quê ở Long An sinh sống. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 8/2011, ông Đê không muốn quay về Long An nữa nên ngỏ ý muốn mua lại căn nhà 272/13/3, vì ông không còn nhà đất tại TP Hồ Chí Minh. Tại thời điểm đó, bà Bế cũng cần tiền trả các khoản vay của Ngân hàng ACB nên bà và ông Đê cùng thống nhất cho con gái của bà Bế là chị Vũ Thị Thu Hiền cùng chồng (anh Phan Hữu Tồn) đứng ra vay Ngân hàng TMCP Phương Tây 900 triệu đồng. Ông Đê phải có nghĩa vụ trả góp cho Ngân hàng Phương Tây cho đến khi hoàn tất thì căn nhà nêu trên sẽ sang tên lại cho ông Đê. Ông Đê đồng ý, đã trả tiền gốc và lãi cho Ngân hàng một thời gian thì không còn khả năng thanh toán.
Ngày 18/11/2013, ông Đê khởi kiện, yêu cầu Toà án huỷ 3 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đã công chứng ngày 11/8/2010 và ngày 9/11/2010, vì cho rằng cả 3 hợp đồng đều “giả cách”, che giấu việc vay mượn tiền.
Bản án sơ thẩm số 1449/2023/DS-ST ngày 21/8/2023, TAND TP Hồ Chí Minh, xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn; vô hiệu cả 3 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất số 0934/3E, nhà đất số 272/13/3 và QSDĐ 1.922m2; huỷ cả 3 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, QSDĐ do UBND quận 12 cấp cho bà Bế ngày 4/10/2010, ngày 6/10/2010 và ngày 29/12/2010.
Bản án phúc thẩm số 595/2024/DS-PT ngày 5/8/2024, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Lạ kì nhân chứng lúc họ “Lê”, lúc là họ “Võ” (!?)
Chứng cứ mà nguyên đơn đưa ra chính là Giấy mượn tiền lập ngày 11/4/2011 (bản phô tô). Vụ án kéo dài hơn 10 năm, ông Đê nhiều lần thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện thể hiện tại các đơn ngày 18/11/2013, ngày 10/11/2016, ngày 27/4/2023.
Về Giấy mượn tiền lập ngày 11/4/2011, có người làm chứng tên “Lê Thị Bé”. Ở giai đoạn sơ thẩm, nguyên đơn đưa đến tòa án một phụ nữ, xác nhận là người kí tên trong Giấy mượn tiền ngày 11/4/2011. Lạ thay, khi kí tên vào bản khai, “nhân chứng” người này lại ghi tên “Võ Thị Bé” (?!). Chỉ nhìn mắt thường cũng dễ dàng nhận ra, chữ kí và chữ viết tay ghi họ tên trong Giấy mượn tiền và bản khai tại Toà là của hai người khác nhau.
Bà Huỳnh Thị Bế bức xúc: “Theo Toà sơ thẩm, Giấy mượn tiền lập ngày 11/4/2011 mà nguyên đơn cung cấp là “chứng cứ cốt lõi” đã được Hội đồng xét xử “đối chiếu bản chính”, nhưng lại không có trong hồ sơ vụ án. Trong khi Giấy mượn tiền này chỉ lập một bản duy nhất đã được tôi xé hủy sau khi ông Đê hoàn trả đủ tiền. Như vậy, Giấy mượn tiền nếu tồn tại bản chính là lộ rõ có dấu hiệu ngụy tạo”. (Còn nữa)