Người cao tuổi cần sửa nhà để ở, nhưng bị ngăn cản buộc phải có đơn kêu cứu khẩn cấp
Pháp luật - Bạn đọc 12/10/2023 14:38
Để có chỗ ở ổn định, giữ sức khỏe an toàn, gia đình làm đơn xin sửa chữa nhà, được chính quyền thị trấn cho phép, nhưng lại bị phía Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy (Công ty thủy lợi Sông Đáy) cản trở. Đó là tình cảnh của gia đình ông Tô Hải Đăng, 78 tuổi, buộc ông phải làm đơn gửi đi các nơi kêu cứu…
Đơn ông Tô Hải Đăng trình bày: ông sinh ra và lớn lên ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (cũ), từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, chuyên tham gia thồ hàng, mở đường cho bộ đội đi đánh giặc. Năm 1967, ông bị thương, được đưa về Viện Quân y 103 điều trị. Vết thương lành, ông trở về đơn vị cũ, tiếp tục tham gia chiến đấu. Sau đó do sức khỏe yếu, ông được chuyển ngành về Cục Công trình 1, Bộ Giao thông vận tải. Năm 1970, ông kết hôn với bà Bùi Thị Lành, cán bộ Phòng Kĩ thuật Nhà máy đóng tàu Hạ Long, sinh được 4 người con. Do sức khỏe yếu, ông Đăng được cơ quan cho về nghỉ mất sức. Năm 1978, bà Lành được điều động về Phòng Thủy lợi huyện Chương Mỹ, làm nhân viên văn phòng, thuộc Trạm Thủy nông, theo Quyết định số: 31/GT-LĐ ngày 24/1/1978.
Ông Tô Hải Đăng bên trong ngôi nhà đã bị xuống cấp trầm trọng. |
Khi chuyển về huyện Chương Mỹ, gia đình được cơ quan phân cho một gian nhà tập thể, nhưng do bị mối xông, nên gia đình trả lại gian nhà tập thể cho cơ quan. Năm 1979, gia đình thấy phía trước khu tập thể là bãi đất hoang và thùng vũng, nên làm đơn xin UBND xã Ngọc Sơn (khi đó chưa sáp nhập vào thị trấn Chúc Sơn), cùng UBND huyện Chương Mỹ, được sự nhất trí nên gia đình tổ chức san lấp, vượt lập thành đất bằng làm nhà để ở và làm quán bán hàng, sửa chữa điện và loa đài để nuôi các con ăn học. Gia đình đã ở đó, xây dựng được ngôi nhà cấp 4, lợp mái Fibroximang, sử dụng ổn định từ năm 1979 đến nay, không có tranh chấp với ai. Năm 1993, bà Lành nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia công tác ở địa phương cho đến năm 2013, bà Lành mất.
Căn nhà của gia đình ông Đăng được cấp biển số nhà, mang số 22, tổ dân phố Yên Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ông Đăng cho biết: “Hiện căn nhà bị xuống cấp trầm trọng, mái nhà có chỗ bị đổ, sụt, dột nát. Nền nhà bị trũng do Tỉnh lộ 419 nâng cấp, mỗi khi mưa nước đều tràn vào nhà, gây mất vệ sinh, phải cất công lau dọn. Tường nhà nhiều chỗ bị nứt, có chỗ bị sập rất nguy hiểm. Từ tháng 2/2013, tôi đã làm đơn xin phép sửa chữa, cải tạo lại ngôi nhà để lấy chỗ ở an toàn, nhưng chưa được giải quyết. Vừa qua, tôi tiếp tục làm đơn gửi chính quyền thị trấn, được chính quyền thị trấn đồng ý, tôi tiến hành sửa nhà thì bị phía Công ty thủy lợi Sông Đáy cản trở, khiến tôi rất bức xúc”.
Tài liệu thu thập được cho thấy, gia đình ông Đăng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất từ năm 1979 đến nay. Gia đình ông Đăng, bà Lành sinh sống trên đất, làm nhà để ở ổn định, không có tranh chấp từ thời điểm đó đến nay. Theo quy định của pháp luật về đất đai, thửa đất gia đình ông Đăng đang sử dụng được công nhận hợp pháp, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất, thì được cấp sổ đỏ và không phải nộp tiền sử dụng đất”.
Ngôi nhà của gia đình ông Đăng không ảnh hưởng đến khuôn viên của Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ. |
Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 còn có quy định rộng rãi hơn: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đối với nơi đã có quy hoạch, thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty luật TNHH Hòa Lợi cho biết: Cho đến nay chưa có bất kì biểu hiện gì về việc tranh chấp giữa Công ty thủy lợi Sông Đáy với gia đình ông Đăng. Các tài liệu có trong hồ sơ và kết quả xác minh thực tế cho thấy, gia đình ông Đăng đáp ứng đủ các yêu cầu, xứng đáng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng hợp pháp đối với thửa đất, theo các quy định của pháp luật về đất đai.
Đặt giả thuyết đất này do cơ quan thủy lợi huyện Chương Mỹ (tiền thân của Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ, đơn vị thuộc Công ty thủy lợi Sông Đáy) cho gia đình ông Đăng ở trên đất, thì thuộc trường hợp chiếm hữu ngay tình và liên tục, quy định tại Điều 180 và Khoản 1, Điều 182 Bộ luật Dân sự năm 2015. Gia đình ông Đăng ở trên đất, quản lí và sử dụng thửa đất từ năm 1979, đến nay đã hơn 40 năm, mà không có tranh chấp, không có ai đòi đất. Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu…”.
Do vậy, cho dù là đất của cơ quan thủy lợi cho gia đình ông Đăng làm nhà ở, thì đến thời điểm này Công ty thủy lợi Sông Đáy không còn quyền đòi lại nữa, mà gia đình ông Đăng phải được bảo hộ quyền được quản lí, sử dụng thửa đất theo các quy định của pháp luật về đất đai. Việc gia đình ông Đăng được chính quyền thị trấn nhất trí, tiến hành sửa lại nhà để ở cho an toàn tính mạng, mà Công ty thủy lợi Sông Đáy lại đứng ra ngăn cản, vừa không đúng pháp luật, không hợp đạo lí.
Từ những căn cứ nêu trên, đề nghị chính quyền thị trấn Chúc Sơn cần có biện pháp bảo hộ cho gia đình ông Đăng sửa lại nhà để ở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi.