Người cao tuổi cần cảnh giác khi cho vay tiền, tránh “tiền mất tật mang”
Pháp luật - Bạn đọc 19/07/2023 00:00
Vụ việc thực ra không mấy phức tạp, nhưng theo thời gian lại trở thành những diễn biến khó lường. Chuyện là bà Vũ Thị An cho bà Trần Thị Bản vay một khoản tiền lớn. Bà Bản không có khả năng thanh toán khoản tiền vay 1.048.620.000 đồng, dẫn đến việc bà An gửi đơn kiện và được TAND quận Nam Từ Liêm ra Bản án sơ thẩm số: 08/2014/DSST ngày 22/8/2014, với nội dung: “Buộc bà Trần Thị Bản phải trả số tiền còn nợ 1.048.620.000 đồng, kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà bên phải thi hành án không thanh toán số tiền trên thì hằng tháng còn phải chịu lãi suất nợ quá hạn do ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian thi hành án”.
Từ căn cứ đó, ngày 4/12/2014, bà An có đơn yêu cầu thi hành án khoản tiền nêu trên và đã được Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm thụ lí, ra Quyết định thi hành án theo Đơn yêu cầu thi hành án số: 166/QĐ-THA ngày 11/12/2014. Quá trình tổ chức thi hành án, mặc dù bà An đã cung cấp thông tin, tài liệu về việc bà Bản mượn khoản tiền nêu trên của bà An để mua, nhận chuyển nhượng thửa đất ở diện tích 54,7m2, thửa số 23, tờ bản đồ số 25, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, nhưng Chấp hành viên Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm vẫn xác minh, xác định người phải thi hành án không có tài sản, không có điều kiện thi hành án. Từ đó, Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm đã căn cứ điểm a, Khoản 1, Điều 51 Luật THADS năm 2008, ra Quyết định trả lại Đơn yêu cầu thi hành án số: 10/QĐ-CCTHA ngày 29/6/2015.
Thông báo của Cục THADS TP Hà Nội về việc thụ lí đơn tố cáo của bà An về việc thi hành không đúng quy định. |
Sau khi Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án và không tổ chức thi hành án, bà An đã làm đơn khởi kiện ra TAND quận Nam Từ Liêm để xác định tài sản quyền sử dụng diện tích đất 54,7m2 nêu trên là của bà Bản, ông Chiến, để chứng minh có tài sản bảo đảm thi hành án. TAND quận Nam Từ Liêm đã tiến hành xét xử và ra Bản án sơ thẩm số: 07/2016/DS-ST ngày 29/9/2016 và phiên phúc thẩm của TAND TP Hà Nội đã ra Bản án số: 96/2017/DS-PT ngày 16/6/2017.
Theo 2 Bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm của TAND quận Nam Từ Liêm và TAND TP Hà Nội tuyên: “Xác định diện tích 54,7m2 đất thuộc thửa đất số 23 tờ bản đồ số 25 phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội và công trình xây dựng trên diện tích 54,7m2 đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bà Trần Thị Bản và ông Nguyễn Đình Chiến để bảo đảm thi hành Bản án sơ thẩm số: 08/2014/DS-ST ngày 22/8/2014 của TAND quận Nam Từ Liêm và Quyết định phúc thẩm số: 264/2014/QĐ-PT ngày 24/11/2014 của TAND TP Hà Nội”.
Căn cứ vào 2 bản án vừa nêu, ngày 2/10/2017, bà An tiếp tục làm Đơn yêu cầu thi hành án, yêu cầu Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm tiếp tục thi hành án về khoản tiền bà Bản phải trả bà An và lãi chậm thi hành án. Ngày 3/10/2017, Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm đã thụ lí, ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu số: 36/QĐ-CCTHADS (Quyết định số 36/QĐ-CCTHADS), với nội dung: Bà Bản phải trả bà An khoản tiền 1.048.620.000 đồng và tiền lãi chậm thi hành án. Phân công Chấp hành viên Nguyễn Thị Sao Mai tổ chức thi hành án.
3 tháng sau, ngày 5/1/2018, Chấp hành viên Nguyễn Thị Sao Mai mới ban hành Quyết định về việc cưỡng chế kê biên, xử lí tài sản số: 09/QĐ-CCTHADS. Nội dung kê biên, xử lí tài sản của bà Trần Thị Bản, ông Nguyễn Đình Chiến là: “Quyền sử dụng đất có diện tích 54,7m2 thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 25, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội và công trình xây dựng trên đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bà Trần Thị Bản và ông Nguyễn Đình Chiến”.
Tới ngày 16/1/2018, Chấp hành viên đã tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản trên. Sau đó, cơ quan thi hành án tổ chức thẩm định giá với kết quả giá trị tài sản thẩm định là 1.540.283.397 đồng và đã kí Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản ghi năm 2018 với Công ty Cổ phần đấu giá Hồng Hà để tổ chức bán đấu giá tài sản kê biên. Tuy nhiên, khi đưa tài sản ra bán đấu giá (lần 1) không thành do không có người đăng kí tham gia đấu giá.
Ngày 28/5/2018, bà An có đơn đề nghị Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm hoãn thi hành án để bà khởi kiện, yêu cầu bà Bản thực hiện nghĩa vụ thay thế (giao thửa đất diện tích 54,7m2 thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 25, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cho bà An để thay thế nghĩa vụ trả nợ bằng tiền) theo nội dung cam kết trong Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất ở đã kí giữa bà An và bà Bản ngày 26/11/2009. Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm và Chấp hành viên Nguyễn Thị Sao Mai đã dừng việc thi hành án từ đó đến nay. Tuy nhiên, Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm không ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại Điều 74, 75 Luật THADS trong trường hợp tài sản thi hành án được Tòa án thụ lí giải quyết tranh chấp.
Tòa án đã thụ lí giải quyết vụ án “yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thay thế” theo đơn khởi kiện của bà An. Quá trình TAND quận Nam Từ Liêm giải quyết vụ án, ngày 29/11/2018, bị đơn là bà Trần Thị Bản đã trình bày, ghi rõ trong Biên bản hòa giải của Tòa, thừa nhận việc vay tiền của bà An là đúng. Bà Bản và chồng bà là ông Chiến đã kí vào giấy chuyển nhượng (gán nợ) đất và tài sản trên đất diện tích 54,7m2 thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 25, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Bà Bản và chồng đề nghị được hòa giải với bà An, xin thanh toán trả bà An cả gốc và lãi đến thời điểm đó là 1.400.000.000 đồng. Bà Bản và chồng cam kết, nếu không thanh toán đầy đủ và đúng thời hạn (ngày 25/12/2018) thì sẽ giao thửa đất nêu trên cho bà An (Vân) để trừ nợ.
Văn bản của Cục THADS TP Hà Nội chỉ ra sai sót của Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm. |
Tuy nhiên, sau đó, đến ngày 25/12/2018, bà Bản không thanh toán như đã thỏa thuận, cam kết nên Tòa án đưa vụ án ra xét xử và đã có phán quyết theo Bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2019/DS-ST ngày 4/4/2019 của TAND quận Nam Từ Liêm và Bản án dân sự phúc thẩm số 274/2019/DS-PT ngày 18/9/2019 của TAND TP Hà Nội, với quyết định:
“Buộc bà Trần Thị Bản và ông Nguyễn Đình Chiến phải giao cho bà Vũ Thị An (Vân): Quyền sử dụng 51,5m2 đất và các tài sản gắn liền trên đất (của phần diện tích đất 51,5m2) thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 25, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng số S763403, tại địa chỉ: Tổ dân phố số 2, Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội đã xác định là tài sản của bà Bản và ông Chiến theo Bản án số: 08/2014/DSST ngày 22/8/2014 của TAND quận Nam Từ Liêm và Quyết định phúc thẩm số: 264/2014/QĐPT ngày 24/11/2014 của TAND TP Hà Nội. Diện tích đất và tài sản trên đất bà An được nhận có giới hạn bởi các điểm: 10, 11, 12, 13, 14, 15, 17, 10 trên sơ đồ kèm theo Bản án. Bà Vũ Thị An phải thanh toán trả cho vợ chồng ông Nguyễn Đình Chiến - bà Trần Thị Bản 83.757.000 đồng, giá trị các tài sản gắn liền trên diện tích 51,5m2 được nhận theo Khoản 2 của Quyết định bản án”.
Bản án là vậy, thế nhưng ngày 5/5/2021, Chấp hành viên Nguyễn Thị Sao Mai kí Công văn số: 400CV-CCTHADS gửi TAND TP Hà Nội đề nghị giải thích nội dung Bản án dân sự phúc thẩm số: 274/2019/DS-PT ngày 18/9/2019 của TAND TP Hà Nội về việc không có sơ đồ thửa đất đính kèm bản án. Được biết, theo quy định của Điều 20, Điều 23 Luật Thi hành án dân sự (THADS) hiện hành thì Chấp hành viên không được phép kí văn bản này.
Ngày 12/5/2021, Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm có Công văn số: 423/CV-CCTHADS gửi TAND TP Hà Nội về giải thích bản án, có nêu các nội dung khó khăn trong thi hành án.
Tại Công văn số: 1104/CV-TADS ngày 14/5/2021 của TAND TP Hà Nội trả lời Công văn số: 423/CV-CCTHADS của Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm, có nội dung: “Như vậy, nghĩa vụ thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số: 274/2019/DSPT ngày 18/9/2019 là thay thế nghĩa vụ phải thi hành án tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2014/DSST ngày 22/8/2014 của TAND quận Nam Từ Liêm và Quyết định phúc thẩm số: 264/2014/QĐPT ngày 24/11/2014 của TAND TP Hà Nội.
Còn Bản án dân sự sơ thẩm số: 07/2016/DSST ngày 29/9/2016 của TAND quận Nam Từ Liêm và Bản án dân sự phúc thẩm số: 96/2017/DSPT ngày 16/6/2017 của TAND TP Hà Nội là: “Xác định diện tích 54,7m2 đất thuộc thửa đất số 23 tờ bản đồ số 25 phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội và công trình xây dựng trên diện tích 54,7m2 đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bà Trần Thị Bản và ông Nguyễn Đình Chiến để bảo đảm thi hành Bản án sơ thẩm số: 08/2014/DS-ST ngày 22/8/2014 của TAND quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội và Quyết định phúc thẩm số: 264/2014/QĐ-PT ngày 24/11/2014 của TAND TP Hà Nội”. Cuối công văn của TAND TP Hà Nội yêu cầu Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 12/10/2021, Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm tiếp tục có Công văn số: 13/CV-THA gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với: Bản án 08/2014 và Quyết định 264/2014; Bản án 97/2017 và Bản án 03/2019. Trường hợp không kháng nghị thì đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội giải thích rõ trong trường hợp nêu trên, Chi cục sẽ tổ chức thi hành theo Bản án nào.
Ngày 28/1/2022, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có Công văn số: 42/CV-TA gửi Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm, trong đó có nội dung: (i) các vụ án đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; (ii) Nếu Chi cục cung cấp được tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định thì có văn bản kiến nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm.
Tại sao Chấp hành viên trả lại tiền cho người được thi hành án?
Theo bà Vũ Thị An, viện vào lí do cưỡng chế có “tốn kém”, Chấp hành viên Nguyễn Thị Sao Mai đã “gợi ý” bà phải nộp 1 khoản tiền. Tin lời Chấp hành viên, khoảng tháng 1/2018, bà An đã nộp số tiền 22 triệu đồng cho Chấp hành viên (được biết, mới đây Chấp hành viên Nguyễn Thị Sao Mai đã tới tận nhà bà An để trả lại số tiền trên và bà An đang lưu giữ các căn cứ trả lại tiền).
Sự việc Chấp hành viên Nguyễn Thị Sao Mai nhận tiền của bà An, đúng sai thế nào cần các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét kết luận. Dưới góc nhìn của những nhà làm luật, qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đưa ra quan điểm: Căn cứ theo Điều 3 Nghị định số: 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Cản trở việc thi hành án là hành vi trái pháp luật tác động đến quá trình thi hành án dẫn đến chậm thi hành, không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.Theo đó, nếu cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra phát hiện lãnh đạo và cá nhân của Chi cục THADS quận Nam Từ Liêm có dấu hiệu về hành vi làm trái pháp luật tác động đến quá trình thi hành án dẫn đến chậm thi hành, không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án thì được xem là cản trở việc thi hành án. Khi đó, cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ khởi tố vụ án để điều tra làm rõ sai phạm.
Luật sư Phạm Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Nếu cơ quan bảo vệ pháp luật xác định việc cản trở thi hành án có xảy ra tại Cơ quan THADS gây thiệt hại cho gia đình bà Vũ Thị An sẽ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định pháp luật.
Để có thêm góc nhìn, phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Phạm Văn Dũng, Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội nhằm mục đích thu thập thêm quan điểm, ý kiến cho các chuyên gia phân tích, đánh giá. Thế nhưng không hiểu vì lí do gì, tới nay phóng viên vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào từ phía ông Dũng và Cục THADS TP Hà Nội!
Từ vụ việc trên, thiết nghĩ người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng, cần phải thận trọng trước khi quyết định cho ai đó vay khoản tiền lớn. Đồng thời, người cao tuổi khi vướng vào các vấn đề liên quan pháp luật nên tìm hiểu kĩ càng, tham vấn thêm các ý kiến của những nhà nghiên cứu luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Điều 381 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội cản trở việc thi hành án quy định: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án; Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; d) Gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: c) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 200 triệu đồng trở lên; d) Gây thiệt hại 200 triệu đồng trở lên. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm |