Mỹ phẩm Hanayuki có dấu hiệu quảng cáo gian dối
Đơn thư bạn đọc 13/04/2022 07:47
Hình ảnh quảng cáo trên website (chưa được kiểm chứng) |
Sản phẩm Hana Melasma & Night có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật |
Thời gian qua, sản phẩm mang thương hiệu Hanayuki Empire of Beauty (Hanayuki) được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, nhiều người tiêu dùng tin rằng đây là một thương hiệu mỹ phẩm uy tín, sản phẩm chất lượng cao có tính năng vượt trội. Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), có vẻ Hanayuki đang được “nói quá” so với bản chất, tính năng thật của sản phẩm.
Phóng viên đóng vai khách hàng gọi vào số hotline xxx.800.855 ghi trên website , được một người phụ nữ hướng dẫn đến văn phòng đại diện của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group tại địa chỉ số 62/2 Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7, TP Hồ Chí Minh để mua hộp sản phẩm Hana Melasma & Night với giá 300.000 đồng; và cũng như quảng cáo trên các website, lời của người phụ nữ trong số hotline cùng người trực tiếp bán hàng cho PV đều khẳng định là sản phẩm Trị được nám.
Thế nhưng, bao bì sản phẩm Hana Melasma & Night lại ghi số công bố sản phẩm mỹ phẩm 045/21/CBMP-ĐN, có nghĩa sản phẩm này được xem là mỹ phẩm và sản xuất tại một cơ sở đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Vũ Phi Khanh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Căn cứ Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế thì sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Năm 2012, Cục Quản lý dược đã ban hành công văn số 1609/QLD-MP hướng dẫn phân loại mỹ phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm đã nêu rõ các từ như trị, điều trị, giảm cân,… sẽ không được chấp nhận trong việc công bố tính năng mỹ phẩm.”
Vậy có phải một số tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm nhãn hiệu Hanayuki đã cố tình quảng cáo sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch về tính năng, công dụng của sản phẩm để “móc hầu bao” người tiêu dùng?
Luật sư Trần Vũ Phi Khanh cho biết thêm: “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 đã có quy định cấm các tổ chức, cá nhân không được lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc quảng cáo hoặc cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp. Do đó, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc làm rõ việc quảng cáo, tư vấn sản phẩm Hanayuki mà báo chí phản ánh, nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Những năm gần đây, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý rất nhiều doanh nghiệp quảng cáo gian dối. Biết rằng doanh nghiệp cần bán được hàng để có lợi nhuận nhưng cũng không thể vì thế mà làm ăn theo kiểu chụp giật, đưa thông tin không đúng khiến người tiêu dùng ngộ nhận về tính năng, công dụng của sản phẩm.
Thiết nghĩ, trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, để phát triển trường tồn và bền vững doanh nghiệp không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp quy định của pháp luật để rồi đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.