Một gia đình toàn là liệt sĩ
Đời sống 30/04/2023 13:00
Chủ hộ ấy là ông Nguyễn Bùi, Xã đội phó từ tháng 9/1947, Xã đội trưởng từ năm 1952, chỉ huy du kích Lộc Hoà lập nhiều thành tích xuất sắc, trong đó có trận đánh đồn Phú Mỹ vang lừng. Ông Bùi còn nổi tiếng “xuất quỷ nhập thần” diệt ác trừ gian, để xây dựng cơ sở của ta trong vùng địch kiểm soát. Ông trực tiếp bắt hoặc diệt những tên ác ôn nguy hiểm đối với cách mạng.
Công lao của ông Nguyễn Bùi góp phần rất quan trọng buộc quân địch phải rút khỏi Lộc Hoà và vùng tây Nam huyện Đại Lộc vào tháng 1/1950. Từ đây, ông cùng lực lượng dân quân xây dựng “Làng kháng chiến” bảo vệ vùng tự do, rèn kĩ thuật, chiến thuật đánh địch, hỗ trợ các xã bạn liên tục tập kích đồn địch, chặn các cuộc càn quét của chúng.
Nhà lưu niệm Gia đình Liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Bùi. Ảnh Ngọc Huân |
Sau Hiệp định Geneeve (1954), ông được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động, chờ tổng tuyển cử. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm lật lọng, phá Hiệp định. Chúng truy bắt, tra tấn, thủ tiêu cán bộ, đảng viên và những người ủng hộ cách mạng. Theo chỉ đạo của trên, ông Bùi đi vào hoạt động bí mật, làm liên lạc cho Tỉnh ủy Quảng Nam. Song, do một tên phản bội chỉ điểm, cuối năm 1959 đầu năm 1960 ông bị địch truy bắt. Sau nhiều ngày khảo tra đánh đập, không khuất phục được ông, quân giặc chặt đầu ông, mang cắm ở bến sông...
Ông Nguyễn Bùi hi sinh khi 34 tuổi. Nối tiếp khí tiết của chồng, của cha, vợ ông, bà Ngô Thị Sắc, người bạn chiến đấu và 4 người con (3 trai, 1 gái) vẫn một lòng theo cách mạng, cầm súng giết giặc và tất cả đã hi sinh (Bà Sắc, Hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Phú Mỹ hi sinh tháng 6/1972. Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; anh Nguyễn Hai, con cả kết hôn tháng 4/1969, đến tháng 10, vợ anh-chị Lương Thị Hồ hi sinh. Chưa đầy một năm sau, anh Hai ngã xuống trong một trận địch càn quét. Lúc ấy anh đang là Huyện ủy viên, Bí thư Nông hội huyện Đại Lộc. Ba người em của anh, sau đó lần lượt hi sinh khi đều còn rất trẻ - người em út mới 17 tuổi).
Tưởng nhớ công lao to lớn của gia đình liệt sĩ Nguyễn Bùi, tháng 7/2003, Đảng bộ và Nhân dân xã Đại Minh đã xây dựng "Nhà lưu niệm Gia đình Liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Bùi" ngay trên nền nhà cũ của ông bà, trong Khu văn hóa thôn Phú Mỹ.
Ngôi nhà được thiết kế hình lăng trụ đa diện đứng. Bên trong có khu trưng bày gồm: Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp dưới là bảng Tổ quốc ghi công 7 liệt sĩ: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Bùi (cha), Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô THị Sắc (mẹ), Nguyễn Hai (con trai), Lương Thị Hồ (con dâu), Nguyễn Đá (con trai), Nguyễn Thị Mai (con gái) và Nguyễn Năm (con trai).
Đây là công trình văn hóa giáo dục truyền thống cách mạng đối với các thế hệ, nhất là thanh thiếu niên địa phương; là nơi cán bộ, Nhân dân đến thắp hương, tưởng niệm cả một gia đình đã anh dũng hi sinh cho độc lập, tự do của dân tộc ta.