Lòng tự trọng
Cùng suy ngẫm 28/07/2020 09:40
Người có lòng tự trọng là người có đạo đức, có tư tưởng nhân nghĩa, không bao giờ làm điều xấu, việc ác với bất cứ ai.
Từ xưa đến nay, lòng tự trọng luôn được ông bà cha mẹ coi trọng trong việc giáo dục dạy dỗ con cháu như: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, hay “Đói cho sạch, rách cho thơm”, v.v. Lòng tự trọng khác với tính tự ái, nhiều người, thường hay nhầm lẫn hai khái niệm này với nhau. Lòng tự trọng là coi trọng nhân nghĩa, phẩm cách và giá trị con người của mình với mục đích là vì người khác, tôn trọng người khác, tôn vinh nét đẹp cho xã hội, cho cộng đồng. Nói cách khác, lòng tự trọng chính là bản chất văn hóa và tinh thần nhân văn của mỗi con người. Những người có lòng tự trọng thường thể hiện bằng những lời nói, cử chỉ, hành vi lịch thiệp, nhã nhặn, từ tốn, biết tự kiềm chế, họ được tiếp thụ bởi sự giáo dục đúng đắn, chu đáo, tốt đẹp ngay từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Ba môi trường giáo dục này có tính quyết định rất lớn đến nhân cách của một con người.
Ảnh minh họa |
Còn tính tự ái là chỉ biết yêu chính bản thân mình, cho mình là trên hết, chỉ cốt được lợi cho riêng mình, bất chấp danh dự và quyền lợi chính đáng của người khác, là “mảnh đất” màu mỡ sinh ra những thói hư, tật xấu, tính hẹp hòi, ích kỉ. Tuy nhiên, bản thân mỗi người cũng phải biết tự giáo dục, tự điều chỉnh hành vi của mình theo truyền thống đạo lí dân tộc và lối sống có văn hóa, mới có thể trở thành con người lương thiện, tử tế và có lòng tự trọng.
Có một câu chuyện về lòng tự trọng mà tôi không bao giờ quên. Hôm đó là chủ nhật, tôi cùng mấy người bạn đi tắm biển, tôi dẫn theo con trai đi cùng, đến nơi chúng tôi trải tấm bạt ra ngồi tán gẫu. Có một bà già bán vé số đến mời chúng tôi mua nhưng tất cả chúng tôi đều từ chối. Vì mải vui nên tôi không để ý đến cậu con trai hiếu động của mình đang đùa giỡn với sóng. Một lúc sau bà bán vé số bế ngửa trên tay con tôi đến và hỏi: “Đây có phải con hay cháu của các anh không? Nếu tôi không để ý thì cháu đã bị sóng cuốn đi ra xa rồi”. Tôi ẵm lấy con trai từ tay bà và cảm ơn rối rít. Tôi lấy trong túi ra tờ 200.000 đồng biếu bà nhưng bà từ chối, bà nói: “Giúp người không cần phải trả ơn đâu cậu ạ! Tôi làm việc này sau này có ông trời sẽ trả ơn cho con cho cháu tôi, cậu cất đi”. Nói rồi bà định đi, tôi và mấy người bạn nói: “Vậy thì tụi cháu mua hộ bà mỗi người mấy cái vé số”. Bà cười: “Lúc nãy tôi mời các cậu mua thì có ai mua đâu, thôi nếu không có nhu cầu thì đừng tỏ lòng thương hại, tôi cũng có lòng tự trọng của tôi chứ”, nói xong bà đi ngay. Qua sự việc trên tôi thầm nghĩ: Người già đi bán vé số để kiếm tiền mưu sinh nhưng không vì đồng tiền mà đánh mất đi lòng tự trọng.
Có thể nêu ra rất nhiều biểu hiện của lòng tự trọng như: Không tham tiền bạc, của cải bất chính; nhặt được của rơi, trả lại người mất; lỡ va quệt xe cộ vào người đi đường thì đỡ người ta dậy, hỏi han và xin lỗi, hoặc đưa vào bệnh viện; đi xe không lạng lách, đánh võng, vượt ẩu, thực hiện tốt văn hóa giao thông; ăn nói và ăn mặc lịch sự, khiêm nhường; cử chỉ đứng đắn, hiền hòa; sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, không làm việc gì trái với lương tâm.
Một xã hội mà cái ác, cái xấu ngang nhiên tồn tại và lấn lướt cái tốt, cái đẹp là một xã hội rất đáng lo ngại. Trái lại, sống trong một xã hội càng có nhiều người có lòng tự trọng thì xã hội càng tốt đẹp, cuộc sống sẽ vô cùng hạnh phúc, đất nước mới phát triển ổn định và bền vững; danh dự dân tộc mới được bè bạn quốc tế kính trọng, tin yêu và cảm phục