Làm thêm giờ và giá của sức lao động
Trong mắt người già 30/03/2022 10:55
Một nghịch lí đang diễn ra với nước ta, đó là cả doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) đều “khát khao” được tăng thêm giờ làm vì những mục tiêu khác nhau: Doanh nghiệp cần tăng ca để nâng cao khối lượng sản phẩm, tiến độ sản xuất, tăng lợi nhuận; một bên cần tăng thêm thu nhập để bảo đảm cuộc sống.
Sự mong mỏi đó đã được phần nào đáp ứng khi ngày 23/3 vừa qua, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua nghị quyết về số giờ làm thêm trong năm. Theo đó, giờ làm thêm mỗi tháng của NLĐ được nâng từ 40 lên tối đa 60 giờ, khống chế 300 giờ/năm.
Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp được tăng ca cũng đồng nghĩa không cần tuyển dụng thêm một lực lượng lao động hay đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất; không bị áp lực tăng lương cho NLĐ dù mức sống của họ dần trượt xuống (do lạm phát hằng năm).
Với NLĐ hiện mức lương chỉ bằng hoặc dưới mức sống tối thiểu, (có ý kiến cho rằng hiện đang dưới mức sống tối thiểu 15%). Đây là lí do NLĐ luôn mong muốn được tăng ca, làm thêm giờ, thậm chí coi đó như một ưu ái của chủ sử dụng lao động với mình. Thực tiễn đang diễn ra việc công nhân nhảy việc sang nơi có chế độ tăng ca, làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập vì đồng lương quá thấp, không bảo đảm cuộc sống vật chất. Với thời lượng 10-12 giờ làm việc mỗi ngày, NLĐ sẽ không còn thời gian cho những nhu cầu cuộc sống văn hóa, tinh thần khác.
So sánh giữa quốc gia NLĐ chỉ cần làm 6 giờ/ngày, 5 ngày/tuần với người làm 11 giờ/ngày (giả sử mức sống tương đương về vật chất) thì đã thấy giá sức lao động cách nhau rất xa (quá rẻ và rất đắt).
Trước đây nhiều người tự hào coi ta có thị trường lao động cạnh tranh với giá nhân công rẻ, một lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài. Nay ít người nhắc đến chuyện này nhưng đây vẫn đang là thực tế không vui, một trong các nguyên nhân lựa chọn Việt Nam của nhà đầu tư FDI.
Thị trường những năm qua có những mặt hàng bất ổn cần quỹ bình ổn để giá cả không tăng quá cao hay giảm quá sâu. Trong nông nghiệp, chuyện giải cứu giá nông sản diễn ra “xuân thu nhị kì”.
Vậy, giá của sức lao động trên thị trường của ta có phải là vấn đề đáng quan tâm, cũng cần “giải cứu”?
“Lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, đó là mong mỏi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần nhắc tới khi làm việc với các doanh nghiệp cả trong nước và FDI. Kì vọng tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề này sẽ được quan tâm nhiều như chuyện tranh luận tăng thêm bao nhiêu giờ làm việc mỗi năm của NLĐ trong những năm qua.