Lại chuyện lạ ở Lâm Đồng: Thân phận “hồn hàng thịt, da Trương Ba” của ông Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH!
Pháp luật - Bạn đọc 19/03/2020 09:45
“Vỏ” anh, “xác” em
Một cựu chiến binh cao tuổi trực tiếp cáo giác với phóng viên: Ông Trần Văn Kết, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Lâm Đồng man khai lí lịch, để “trèo cao, chui sâu” vào bộ máy Nhà nước. Cụ thể, từ Hà Nam, ông Kết lấy tên của anh trai để vào ngành Công an Lâm Đồng, công tác tại huyện Đạ Tẻh. Tại đây, sau khi phát hiện man trá, đơn vị đã cho ông nghỉ. Thế nhưng, chẳng rõ bằng cách nào, ông Kết lại “lọt” sang Huyện ủy, lên đến chức Chánh Văn phòng. Tuy nhiên, do cái “dớp” lí lịch như thế, nếu tiếp tục ở lại e sẽ khó yên ổn, nên ông chuyển lên tỉnh, giữ chức Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH, rồi “nhảy” tiếp sang ghế Chánh Thanh tra đơn vị này...
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Văn Kết “xin nhận mọi khuyết điểm, sai phạm”. Và theo ông, tên thật của ông là Trần Văn Mạnh, sinh ngày 21/7/1968, con út trong gia đình có 3 anh em trai ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Do muốn sớm đỡ đần mẹ, nên năm 16 tuổi ông được một người thân tên là Chính, cán bộ tỉnh Lâm Đồng về làm hồ sơ nhập học lớp sơ cấp công an tại TP Đà Lạt. “Toàn bộ hồ sơ đều đứng tên người anh thứ 2 Trần Văn Kết. Anh Kết sinh ngày 12/10/1965, hơn tôi 3 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3” - ông Mạnh, dưới cái tên Kết, tỏ ra thành thật.
Danh tính ông Trần Văn Mạnh tại website của Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng |
Cũng theo ông Mạnh, sau nửa năm học tập, ông được điều về Công an huyện Đạ Tẻh. Và ở cơ quan này, ông không hề bị kỉ luật bởi sự man trá như cáo giác, mà do ông tự nguyện xin chuyển sang Huyện ủy. Tại Huyện ủy, do công tác tốt, nên chỉ thời gian ngắn ông đã giữ chức Chánh Văn phòng, được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (Huyện uỷ viên). Tuy nhiên, do dư luận đeo bám nên việc gì đến sẽ đến, trước kì đại hội năm 2010, ông bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, xác minh rồi thi hành kỉ luật bằng hình thức “Cảnh cáo”, đồng thời “đánh tụt” chức xuống... Quyền Chánh văn phòng. Bị kỉ luật, song cán bộ Mạnh (Kết) không nản, vẫn làm việc tận tình, nên sau một năm, hạn kỉ luật hết, ông được “cắt Q”, khôi phục ghế “Chánh” rồi chuyển lên Sở LĐ-TB&XH tỉnh, giữ chức Chánh văn phòng và sau đó là Chánh Thanh tra cho đến tận bây giờ.
Ông Mạnh cho hay, trong thời gian “chưa bị lộ”, ông tranh thủ học đại học và lấy bằng tại chức luật, cũng như cao cấp chính trị. Và, “sau khi bị kỉ luật, tôi đã học bổ túc văn hóa để hoàn tất thủ tục” - ông Mạnh nói rồi thú nhận - tuy lấy bằng cấp 3 để “trả nợ”, hợp thức đầu vào đại học, song ông vẫn lấy tên Trần Văn Kết của anh mình. Lí giải việc này, vị Chánh Thanh tra ngành LĐ-TB&XH Lâm Đồng cho rằng: “Đổi lại tên tuổi, giấy tờ sẽ... rất phức tạp”(!). Đồng thời, khẳng định “Trong quyết định kỉ luật không có điều nào ghi tôi phải cải chính nhân thân”.
Bao giờ “trả lại tên cho em”?
Và như thế, tại mảnh đất Nam Tây Nguyên, rộng hơn là tại Việt Nam, tại địa này hiện đang có 2 người cùng mang tên Trần Văn Kết, cùng bản quán quê hương, cùng sinh 1 ngày, 1 tháng, 1 năm, nhưng người là cán bộ tại Đà Lạt, người đang nông dân làm vườn cách đó không xa (xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Mạnh, anh ông cũng từ Hà Nam di cư vào đã lâu).
“Liệu có ô dù nào chống lưng để ông ta lọt sổ, leo cao?” - người cáo giác là cựu chiến binh Nguyễn Minh Khai (bên phải) bức xúc |
Có thể nói, việc man trá, “hồn hàng thịt, da Trương Ba” trong đội ngũ công chức không phải là hiếm. Bởi gần đây, dư luận cả nước đã được phen dậy sóng trước việc bà Trần Thị Ngọc Thêm (ở Đà Lạt) lấy tên tuổi, bằng cấp của chị ruột là Trần Thị Ngọc Ái Sa, rồi sang Đăk Lăk thăng tiến đến chức Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy (và có bằng thạc sĩ). Tương tự, chính người viết bài này đã điều tra, phản ánh (trên Báo Người cao tuổi) việc bà Nguyễn Thị Ngát lấy chứng minh thư, bằng cấp 3 của chị gái để đi học, rồi “chui” vào Sở Văn hóa – Thông tin Bình Phước. Song khi “phát lộ”, chẳng những vị nữ công chức không thèm cải chính tên, trở về “chính chủ”, mà còn được “ân nhân” kéo về Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, ung dung làm kế toán!
Trở lại vụ lấy tên và giấy tờ anh trai của ông Trần Văn Mạnh, với những gì vị Chánh Thanh tra sở trình bày, rõ ràng vẫn còn nhiều điều chưa tỏ: Tại sao khi về quê quán xác minh để kết nạp Đảng, lẽ nào không ai phát hiện ra việc núp bóng, mượn danh (thời điểm đó ông Mạnh đang là cán bộ Huyện ủy và đã bị cáo giác)!? Chưa hết, suốt hơn 10 năm ông Mạnh giữ chức Chánh Văn phòng, các cơ quan kiểm tra Đảng “ở đâu”, sao không tiến hành xác minh đơn thư tố cáo, không làm việc trực tiếp với cán bộ bị tố, để vận động ông ta “đầu thú”, mà phải đợi vị Huyện ủy viên (đã được quy hoạch lãnh đạo UBND huyện) “chủ động báo cáo” (lời ông Mạnh với nhà báo), mới vào cuộc xác minh? Còn nữa, với hành vi man trá không hề nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín đội ngũ công chức, nhưng lại chỉ kỉ luật “Cảnh cáo” và vẫn cho giữ chức “quyền”, thì liệu có phải là dung dưỡng, bao che? Đã thế, tại sao trong quyết định kỉ luật không buộc người sai phạm phải cải chính, “trả lại tên cho em”, mà vẫn để ông ta “trong Mạnh, ngoài Kết”, mang kiếp vay mượn bền lâu? v.v... và v.v...
Thiết nghĩ, câu trả lời xin dành cho các cơ quan hữu trách tại Lâm Đồng.