Kỳ lạ bản án chia tài sản sau ly hôn, thẩm phán bị tố vì quá “thương” nguyên đơn (!?)
Pháp luật - Bạn đọc 23/06/2020 15:00
Tài sản lớn, không cứu nỗi hôn nhân tan vỡ…
Theo hồ sơ: Ông Mẫn và bà Nguyễn Thị Nga kết hôn vào năm 2000, theo Giấy Chứng nhận kết hôn số 22 do UBND phường 2, quận 3 cấp ngày 29/3/2000. Cuộc hôn nhân lúc đầu chăn êm, nệm ấm,vợ chồng sinh được hai con trai. Công việc làm ăn thuận lợi, hai người mua được hàng chục bất động sản chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, cùng nhiều khoản tiết kiệm hàng chục tỉ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Mẫn bên hồ sơ tố cáo, kêu oan |
Chưa dừng lại, ngày 27/12/2013, Công ty TNHH Một thành viên Nông sản DK (Công ty Nông sản DK) được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 1101732668 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cấp, địa chỉ trụ sở chính tại 228 ấp Phước Hưng 2, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với số vốn điều lệ là 20 tỉ đồng. Công ty này do bà Nga làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.
Khi vợ chồng xảy mâu thuẫn không thể hòa giải, TAND quận 3 đã chấp thuận cho ông Mẫn và bà Nga được ly hôn theo Bản án số 128/2018/HNGĐ-ST ngày 30/1/2018. Trong bản án, phần tài sản chung hai bên tự phân chia.
Do hai bên đã không đạt được thỏa thuận chia tài sản, nên bà Nga làm đơn khởi kiện ngày 19/4/2018, đề nghị Tòa án phân chia đều toàn bộ số tài sản theo tỉ lệ là 50/50, mỗi người nhận một nửa. Liên quan đến Công ty Nông sản DK, bà Nga đưa ra “món nợ đầm đìa” gây sốc với tổng số tiền nợ lên đến 38,6 tỉ đồng, yêu cầu ông Mẫn cũng chia đôi, mỗi người chịu 19,3 tỉ.
Ông Mẫn thống nhất các bất động sản là tài sản chung. Riêng căn nhà số 664/90 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, quận 3 do cha mẹ đã lập Di chúc để lại cho ông, không phải là tài sản chung nên không chia.
Ông Mẫn không chấp nhận gánh món nợ của Công ty Nông sản DK. Theo ông, đây là những khoản nợ do Giám đốc Nga kê ra nên bà Nga phải tự chịu. Hơn nữa, các khoản nợ của Công ty Nông sản DK phát sinh năm 2018, 2019 là thời điểm sau khi ông và bà Nga đã ly hôn nên ông không có nghĩa vụ hay trách nhiệm phải trả.
Ngoài ra, ông Mẫn có đơn phản tố, yêu cầu Tòa án giái quyết số tiền 40 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm của Ngân hàng Eximbank mà ông và bà Nga thế chấp vay tiền cho Công ty Nông sản DK kinh doanh. Ông cùng bà Nga đã thanh lý các Hợp đồng vay vốn này và bà Nga đã tự ý tất toán các sổ tiết kiệm tổng giá trị 40 tỉ đồng, ông yêu cầu phân chia số tiền này theo tỷ lệ 50/50, ông được nhận 20 tỉ đồng.
Hầu toà lần hai, chia tài sản
Đơn khởi kiện của bà Nga được TAND quận 3 thụ lý ngày 25/5/2018. Hoàn tất các thủ tục, phiên toà ngày 5/3/2020 với thành phần Hội đồng xét xử gồm có thẩm phán Trần Thị Mỹ Ngọc làm chủ toạ, cùng hai Hội thẩm Nhân dân là bà Đặng Thị Ngọc Hằng và bà Lê Thị Xuân Mai.
Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn lại thay đổi, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến công sức đóng góp của bà Nga trong quá trình tạo ra tài sản. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn Luật sư Nguyễn Hải Vân (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) trình bày: Đề nghị Toà chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và bác yêu cầu phản tố của bị đơn. Đối với yêu cầu chia tài sản chung, bà Nga là người có công sức đóng góp nên đề nghị cho bà Nga được 60% giá trị tài sản.
Đối với Công ty Nông sản DK do bà Nga thành lập và điều hành hoạt động, bản thân ông Mẫn không có tranh chấp về pháp nhân công ty mà chỉ yêu cầu chia lợi nhuận trong thời kỳ hôn nhân cho đến cuối năm 2017 và số tiền 20 tỉ đồng vốn góp kinh doanh. Hiện nay, Công ty Nông sản DK đã có báo cáo kiểm toán đến ngày 30/9/2019 là âm (lỗ) hơn 12,51 tỉ nên đề nghị toà giao Công ty cho bà Nga được trọn quyền sở hữu (?).
Về khoản nợ của Công ty Nông sản DK, ông Mẫn phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ của Công ty. Cụ thể, khoản nợ này là 38,6 tỉ đồng, nguyên đơn “tự nguyện” trừ ra 5 tỉ đồng, còn lại 33,6 tỉ chia đôi, ông Mẫn chịu 16,8 tỉ.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ qui định pháp luật chia đôi tài sản chung theo tỷ lệ 50% cho mỗi bên, bởi ông Mẫn cũng có công sức đóng góp tạo lập khối tài sản chung chứ không chỉ có bà Nga.
Về số nợ chung và chia số tiền 40 tỷ đồng: Căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 về loại hình Công ty TNHH Một thành viên, thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với hoạt động kinh doanh của Công ty, các khoản vay vốn là do bà Nga tự chịu trách nhiệm vì bà Nga là Giám đốc và ký tên vay vốn chứ không phải ông Mẫn.
Báo cáo tài chính và Báo cáo nộp Cục Thuế tỉnh Long An của Công ty Nông sản DK |
Đối với số tiền 40 tỉ đồng tiền tiết kiệm là tài sản của vợ chồng ông Mẫn, bà Nga có trước khi thành lập Công ty Nông sản DK. Việc đưa 40 tỉ đồng là nhằm để bảo lãnh cho Công ty Nông sản DK được cấp hạn mức tín dụng chứ không phải là góp vốn vào doanh nghiệp. Do đó, bà Nga phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông Mẫn số tiền 20 tỉ đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.
Sau 6 ngày nghị án, chủ toạ Trần Thị Mỹ Ngọc tuyên đọc Bản án 178/2020/HNGĐ-ST ngày 11/3/2020. Cụ thể:
- Hội đồng xét xử xác định tài sản chung giữa bà Nga và ông Mẫn gồm 9 bất động sản trị giá 53,118 tỉ đồng, được chia theo tỉ lệ 6/4. Bà Nga được chia 60%; ông Mẫn được chia 40% (tương đương 21,216 tỉ đồng). Bà Nga được quyền sử dụng, sở hữu toàn bộ các bất động sản sau khi thanh toán cho ông Mẫn 21,216 tỉ đồng.
- Bà Nga được trọn quyền sở hữu Công ty Nông sản DK và có trách nhiệm thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với công ty theo quy định của pháp luật.
- Bác yêu cầu chia các khoản nợ chung liên quan Công ty Nông sản DK với tổng số tiền 33,6 tỉ đồng của bà Nga.
- Không chấp nhận yêu cầu phản tố chia đôi 40 tỉ đồng tiền tiết kiệm của ông Mẫn.
- Ông Mẫn có trách nhiệm hoàn trả bà Nga 50% chi phí kiểm toán là 75 triệu đồng.
- Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Nga phải nộp hơn 281 triệu đồng, ông Mẫn nộp hơn 257 triệu...
"Thương thì trái ấu… cũng tròn" (!)
Sau khi nhận được Bản án 178/ 2020/HNGĐ-ST, ngoài kháng cáo, ông Mẫn đã có đơn tố cáo thẩm phán Trần Thị Mỹ Ngọc lợi dụng chức vụ quyền hạn, ra bản án trái pháp luật, lộ rõ oan sai, gây thiệt hại cho ông hàng chục tỉ đồng. Cụ thể như sau:
1) Về phân chia các bất động sản: Trong đơn khởi kiện và xuyên suốt quá trình tố tụng kéo dài hơn 1 năm 8 tháng, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu chia 50/50. Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn đổi ý, đòi chia nhiều hơn nhưng không có căn cứ. Vậy mà thẩm phán Ngọc lại “tình thương mến thương”, chiều theo nguyên đơn Với cách chia mới 60/40 làm ông chịu thiệt hại hơn 5,2 tỷ đồng.
2) Về khoản tiền40 tỉ đồng trong các sổ tiết kiệm: Cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận có khoản tiền này gửi tại Eximbank. Ngày 20/3/2014 ông Mẫn với tư cách là đồng chủ sở hữu tài sản và bà Nga có ký Hợp đồng tín dụng số 2000-LAV-201401464 tại Ngân hàng Eximbank với tài sản bảo đảm là nhà đất số 277 Khánh Hội, quận 4, TP Hồ Chí Minh và các sổ tiết kiệm 40 tỉ đồng do bà Nga đứng tên (nhận tiền lãi hơn 200 triệu/tháng) để được cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Nông sản DK hoạt động kinh doanh.
Đến ngày 23/3/2015, ông và bà Nga ký lại Hợp đồng số 2000-LAV-201501119 với Eximbank chuyển tiếp từ Hợp đồng số 2000-LAV-201401464 với tài sản bảo đảm bảo như cũ.
Do mâu thuẫn chuyện gia đình nên bà Nga đã chuyển ra ngoài ở riêng từ tháng 5/2015. Ông yêu cầu bà Nga tiến hành từng bước chấm dứt toàn bộ các Hợp đồng đã ký với Eximbank và rút lại toàn bộ tài sản đảm bảo.
Mặc dù Hợp đồng số 2000-LAV-201501119 còn hiệu lực và không có bất cứ sửa đổi hay bổ sung nào nhưng bà Nga và một số cán bộ Eximbank đã cấu kết để tất toán các sổ tiết kiệm vẫn còn đang được thế chấp vào các ngày 20/6/2015 với số tiền 10 tỉ đồng, ngày 27/6/2015 với số tiền 7 tỉ và ngày 21/7/2015 với số tiền 4,215 tỉ. Cả 3 lần tất toán tổng cộng 21,215 tỉ đồng (Eximbank chỉ còn giữ lại các sổ tiết kiệm trị giá 18,785 tỉ đồng), ông Mẫn không hề biết cũng như không ký bất cứ chứng từ nào. Sau đó, có dấu hiệu bà Nga cùng một số cán bộ Eximbank đã gạt Mẫn ông ký vào ba Biên bản sửa đổi, bổ sung số của Hợp đồng số 2000-LAV-201501119 nhằm hợp thức hóa hành vi tất toán.
Ông Mẫn xác định, đã có đơn trình bày gửi TAND quận 3 về các Hợp đồng tín dụng trên, yêu cầu thẩm phán Trần Thị Mỹ Ngọc thu thập Báo cáo tài chính của Công ty Nông sản DK tại Cục Thuế tỉnh Long An cũng như các Hợp đồng tín dụng, các sổ tiết kiệm và tất cả các giao dịch từ 2 tài khoản của Công ty tại Eximbank vì ông phát hiện bà Nga đã tẩu tán số tiền 40 tỉ tiết kiệm qua 2 tài khoản này.
Ngân hàng Eximbank đã có công văn ngày 4/3/2019 trả lời về khoản tiền 40 tỉ đồng trong các sổ tiết kiệm. Cục thuế tỉnh Long An cũng đã cung cấp các chứng từ liên quan vào ngày 28/2/2019.Rồi Báo cáo tài chính của Công ty Nông sản DK (từ năm 2014 đến 2017) thể hiện năm 2017 có lợi nhuận (lãi) sau thuế hơn 7,32 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng được tăng lên 23,64 tỉ (so với vốn điều lệ là 20 tỉ). Điều này chứng minh Công ty Nông sản DK hoạt động có lãi chứ không phải “nợ đầm đìa” hàng chục tỉ đồng và “nuốt chửng” luôn 40 tỉ đồng tiết kiệm như bà Nga khai.
Ông Mẫn bức xúc: “Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, thẩm phán Ngọc “thương” nguyên đơn nên phớt lờ, không xem xét, làm rõ 40 tỉ đồng đã được sử dụng như thế nào. Trong khi đó, thẩm phán Ngọc tin vào lời khai của bà Nga, cho rằng toàn bộ 40 tỉ đồng đã được đưa vào sản xuất kinh doanh của Công ty Nông sản DK và “số tiền trên đã không còn”? Theo quy định của pháp luật, việc đưa tiền vốn vào công ty phải thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp và phải có tài liệu chứng minh. Trong khi tất cả báo cáo tài chính từ năm 2014 đến 2019 do Cục thuế tỉnh Long An và Công ty DK cung cấp, đều không thể hiện số tiền 40 tỉ đồng nàytrong vốn góp của chủ sở hữu. Lời khai của nguyên đơn không có căn cứ nhưng thẩm phán Ngọc vẫn chấp nhận vô điều kiện, không xem xét 08 tài sản đứng tên bà Nga và Công ty Nông sản DK được thế chấp làm tài sản đảm bảo cho vay tại 3 Ngân hàng UOB, HD Bank, MB với tổng trị giá hơn 55,7 tỉ đồng và 100.000 USD. Từ đó, thẩm phán Ngọc bác yêu cầu của tôi hết sức oan ức, khiến tôi mất trắng 20 tỉ đồng”.
3) Liên quan Công ty Nông sản DK: Từ khi thành lập năm 2013, Công ty có vốn góp 20 tỉ đồng là tài sản chung. Thẩm phán Ngọc đã được Cục Thuế tỉnh Long An cung cấp các báo cáo tài chính của Công ty Nông sản DK cho các năm 2014-2017 và chấp nhận để bà Nga kiểm toán Công ty Nông sản DK, cho ra con số “lỗ” cộng dồn từ năm 2014 đến ngày 30/9/2019 là hơn 12,51 tỉ đồng. Trong đó, có khoản “lỗ” hơn 3 tỉ đồng của năm 2018 - 2019 và “trích quỹ từ thiện” 575,6 triệu là phát sinh sau ly hôn được bà Nga “kê” ra, nhưng thẩm phán Ngọc cũng chấp nhận (!)
Theo lời nguyên đơn, vốn của Công ty Nông sản DK cũng còn lại hơn 7,48 tỉ đồng vốn, vậy mà thẩm phán Ngọc tiếp tục “thương" giao cho bà Nga được trọn quyền sở hữu Công ty Nông sản DK. Tệ hại hơn, cả phần chi phí kiểm toán công ty, thẩm phán Ngọc buộc ông Mẫn hoàn trả lại cho nguyên đơn 75 triệu đồng.
4) Nguyên đơn lộ rõ dấu hiệu gian dối: Chỉ tính ba khoản tiền, gồm khoản lỗ 12,51 tỉ đồng, khoản nợ tự vay 33,6 tỉ đồng, và khoản tiết kiệm 40 tỉ, thì Công ty Nông sản DK sau gần 6 năm thành lập, đã bị “bốc hơi” hơn 86 tỷ đồng! Chưa hết, bà Ngọc nộp cho Tòa án Báo cáo kiểm toán năm 2017 Công ty Nông sản DK lỗ hơn 5,2 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 11 tỉ. Thế nhưng, trong Báo cáo tài chính năm 2017 nộp Cục thuế thì công ty kinh doanh có lãi sau thuế hơn 7,32 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu lên hơn 23,6 tỉ đồng? Những con số “ma thuật” vẫn chưa được thẩm phán Ngọc giải mã, nên cho ra bản án thể hiện dấu hiệu oan sai.
Liên quan đến khoản nợ 33,6 tỉ đồng,tuy thẩm phán Ngọc không chấp nhận chia nhưng ông Mẫn vẫn lên tiếng vì bức xúc bởi những con số liên tục “nhảy múa”. Cụ thể: Trong đơn khởi kiện, bà Nga xác định Công ty Nông sản DK nợ 24 tỉ đồng. Tại biên bản làm việc ngày 19/11/2019, nguyên đơn “nổ” khoản nợ lên đến hơn 165,8 tỉ đồng, yêu cầu chia đôi với bị đơn. Đến ngày 03/02/2020, khoản nợ được giảm xuống còn 38,6 tỉ đồng. Tại phiên tòa ngày 05/03/2020, nợ được giảm tiếp còn là 33,6 tỉ đồng... Vài con số đưa ra để minh chứng cho tính thiếu trung thực của nguyên đơn.
Ông Mẫn lên tiếng:“Hôn nhân tan vỡ gây cú sốc lớn với tôi. Bản án chia tài sản chà đạp sự thật tiếp tục là một nỗi đau. Với sự vi phạm pháp luật thể hiện rõ trong bản án sơ thẩm, tôi nhất định sẽ đi đến cùng sự thật nhằm đem lại sự tôn nghiêm của pháp luật và sự công bằng cho người dân chịu nhiều oan ức như tôi. Trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, tôi hy vọng công lý sẽ được sáng soi”