Kiến nghị... “hạ cánh êm đềm”!
Trong mắt người già 13/06/2022 11:06
Lí do được nêu ra là trong số những người liên quan, có người nghỉ hưu, có người đã chết, nhiều người đã thôi việc, chuyển công tác hoặc bị kỉ luật trước đó, đồng thời cũng... hết thời hiệu xử lí kỉ luật!? Chi cục Kiểm lâm kiến nghị không thi hành hình thức kỉ luật khiển trách (hình thức thấp nhất) mà chỉ yêu cầu công chức kiểm điểm rút kinh nghiệm! Hiểu nôm na là... không xử lí ai cả!
Những năm gần đây, khi “lò” chống tham nhũng rực lửa khắp nơi đã không còn những trường hợp ung dung “hạ cánh an toàn” hay tâm lí yên tâm “hi sinh đời bố, củng cố đời con”…
Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (tại số 9 đường Hùng Vương, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) |
Vậy mà ngành kiểm lâm ở một tỉnh trọng điểm rừng nguyên sinh của cả nước làm mất hàng nghìn hec ta rừng lại xin không xử lí ai, chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm thì quả là chuyện quá lạ lùng! Không kể người chết rồi, những người khác chỉ là nghỉ hưu, chuyển công tác, thôi việc sao lại coi là đã xong? Sự vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vi phạm kỉ luật khi còn ở Bộ Khoa học và Công nghệ sang Hà Nội vừa bị Trung ương Đảng khai trừ ra khỏi Đảng đó sao? Rồi nhiều cán bộ nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm trong thời gian đương chức cũng vẫn bị xử lí nghiêm minh, chẳng có ai ngoại lệ, vậy thì sao Đắk Glong lại muốn được ngoại lệ?
Từ giữa năm 2016 khi ông Nguyễn Xuân Phúc còn là Thủ tướng Chính phủ từng tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, những tưởng các địa phương sẽ quyết liệt đồng tâm hiệp lực với Trung ương để giữ gìn nguồn tài nguyên hữu hạn là rừng nguyên sinh, song đến nay số vụ rừng bị tàn phá hầu như không giảm. Lãnh đạo các tỉnh, huyện… có rừng bị mất như thể đang đứng ngoài cuộc, chưa có trường hợp nào bị xử lí về trách nhiệm của người đứng đầu. Từ Quảng Nam, Đắc Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đến Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang… vẫn liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng. Những vụ bắt được thủ phạm, đưa ra truy tố trước pháp luật cũng chỉ dừng ở kẻ trực tiếp gây án…
Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đang triển khai chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Ban Bí thư cũng vừa ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố.
Hi vọng với cơ sở này, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ sớm được thành lập tại Đắk Nông và chọn ra những vụ việc làm điểm để vận hành “lò” chống tham nhũng tại địa phương. Chắc chắn khi đó sẽ không còn những đề nghị dạng “xin được hạ cánh an toàn” như vụ việc tại huyện Đắk Glong.