Khi người cao tuổi “xắn tay” làm nông nghiệp sạch
NCT làm kinh tế giỏi 10/10/2023 16:00
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ở mang lại thu nhập cao tại xã Yên Nguyên |
Hiện trên địa bàn huyện có gần 200 NCT làm kinh tế giỏi từ sản xuất nông nghiệp như: Chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi cá lồng vùng vùng nước ngập của lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa và trên sông Gâm; trồng rừng liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa, gieo ươm bán giống cây lâm nghiệp, cây cảnh, doanh thu từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng/năm.
Một tấm gương được bà con ghi nhận, đánh giá rất cao như ông Trần Đình Niên, thôn Hợp Long II, xã Yên Nguyên, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 3.600 đôi bồ câu thương phẩm, với giá bán 160.000 đồng/1 cặp bồ câu thịt, 240.000 đồng một cặp bồ câu giống (2 tháng tuổi), khoảng 300 - 400 đồng một cặp bồ câu đang sinh sản. Ngoài nuôi bồ câu Pháp, với diện tích hơn 3.000m2 ao, gia đình ông còn thả các loại ca trắm, trôi, mè, chép, chim, rô phi; 3,7ha chủ yếu trồng cây cam và hồng xiêm theo hướng hữu cơ…. Trừ chi phí, ông tổng thu 1 tỉ đồng/1 năm.
Mô hình trồng cây lâm nghiệp, ăn quả, cam, bưởi, chăn nuôi trâu, bò, dê gia cầm, kết hợp đào ao thả cá công nghệ cao của các ông: Quan Ngọc Lầu, ông Vũ Mạnh Đức, Hà Văn Điệt, Dương Đức Toán (xã Xuân Quang), Hà Đức Vàn (xã Nhân Lý) cho thu nhập mỗi năm gần 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3-10 lao động với thu nhập bình quân từ 5 -7 triệu đồng/người/tháng.
Còn các bà: Ma Thị Ình (xã Tân Mỹ), Nguyễn Thị Đích (xã Yên Nguyên) và Trần Thị Đường (thị trấn Vĩnh Lộc) có hơn 4ha đất sản xuất nông - lâm nghiệp. Các bà mạnh dạn vay vốn Ngân hàng đầu tư cải tạo để trồng rừng, sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp đào ao thả cá, chăn nuôi trâu, lợn, gà trên nền đệm lót sinh học… thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 4 - 6 lao động.
Với phương châm “Hội viên còn sức khỏe còn lao động để tăng thu nhập chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội”, nhiều hội viên sức khỏe tốt đã giúp hội viên sức khỏe yếu để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Hội chủ động phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp triển khai sâu rộng nhiều biện pháp sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân.
Qua đó giúp hội viên NCT thay đổi tập quán canh tác cũ, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội còn chung tay tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ hội viên NCT nghèo tự tin vượt khó vươn lên làm giàu.
Để phong trào “NCT làm kinh tế giỏi” ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, ông Hà Kim Cương, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện chia sẻ: Hội mong muốn Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách cho NCT được vay vốn từ các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất phù hợp, để họ có vốn sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, phong trào NCT thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cũng rất cần sự đoàn kết giúp nhau của NCT cả về kiến thức, kinh nghiệm và giống vốn, tạo động lực thúc đẩy để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và xã hội, góp phần thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương./..