Huyện Tuy Phong, Bình Thuận: Chính quyền cưỡng chế thu hồi đất không có quyết định(!)
Đơn thư bạn đọc 22/09/2020 08:14
Khu vực Láng Trống thuộc địa bàn xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong |
Có hay không việc “Cưỡng chế” đất của dân đang canh tác cho “Đất sạch” nhằm giao cho công ty điện gió?
Có mặt tại khu vực Láng Trống, Rẫy Chiên, Bàu Le, Bàu Đề thuộc địa bàn xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, phóng viên được người dân cho biết, UBND xã Hòa Minh đã tổ chức cưỡng chế, chặt phá cây do họ trồng và đuổi họ ra khỏi khu đất của họ đang quản lí, sử dụng.
Ông Tạ Năm, sinh năm 1966, cư ngụ tại xóm 6, xã Hòa Minh, (là 1 trong 8 hộ dân gửi đơn kêu cứu), cho biết: Gia đình ông là dân địa phương, sinh sống từ trước năm 1975 đến nay. Năm 1985, gia đình ông đến khu khu vực Láng Trống để khai hoang, trồng hoa màu (các loại cây ngắn ngày), sau một thời gian khai thác, trồng trọt (khoảng 10 năm), do đất quá khô cằn, thời tiết lại khắc nghiệt, nên gia đình ông cũng như các hộ dân khác không tiếp tục khai thác, sản xuất, nhưng họ vẫn trồng một số cây keo lá tràm xung quanh khu đất của mình, với mục đích để giữ đất không bị người khác xâm lấn. Thi thoảng ông và gia đình vẫn vô lại khu vực trên để trông coi khu đất của mình. Thời đó ông Năm vừa làm rẫy vừa làm thêm công tác bảo vệ an ninh trật tự địa phương với trách nhiệm là đội phó dân phòng thôn Lâm Lộc II.
Năm 2013, Nhà nước cho làm một con đường nối từ ngoài Quốc lộ 1A vào trong khu vực đất nêu trên, đến năm 2014 con đường được xây dựng hoàn thành. Thấy đường xá thuận tiện cho việc đi lại nên bà con liền vào khu đất nêu trên để tiếp tục dọn dẹp và tiếp tục canh tác. Gia đình ông cũng như một số bà con khác đã trồng các loại cây ngắn ngày như (dưa hấu, đậu đen, đậu phộng..) và trồng các thêm xen canh loại cây lâu năm như xoài, ổi, măng cầu, dừa… Đến năm 2017, chính quyền xã có mời ông lên UBND xã để thông báo trả đất lại cho nhà nước. Đồng thời chính quyền xã nói nếu ai có nhu cầu sử dụng đất này thì làm đơn xin thuê đất, nhưng lúc đó (do không am hiểu pháp luật) ông Năm lại nghĩ, đất này là của gia đình ông đã khai hoang từ năm 1985, tại sao phải đi thuê lại đất của mình? Đáng lẽ ra chính quyền phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho gia đình ông mới đúng. Cũng từ suy nghĩ này, nên ông Năm không làm thủ tục thuê đất và tiếp tục vô lại khu đất của ông để canh tác, sản xuất.
Theo thông tin và hình ảnh người dân cung cấp, vào ngày 27/12/2018, ông Huỳnh Đoàn Thanh Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Minh đã dẫn khoảng 50, 60 người cùng lực lượng chức năng địa phương, với phương tiện cơ giới, máy múc, xe ben... Tiến hành nhổ trụ bê tông, dùng máy đập nát trụ, một số khác cắt dây kẽm gai, số còn lại nhổ cây trồng của người dân mà không có một văn bản, giấy tờ gì (!?). Khi mọi người yêu cầu UBND xã Hòa Minh cho xem các văn bản liên quan đến việc tổ chức cưỡng chế, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng lập biên bản sự việc, nhưng bị ông Trí từ chối, trả lời là: “Làm theo chỉ đạo cấp trên”, không cần văn bản (!?) Sau khi đoàn “cưỡng chế” ra về, người dân đo đếm cây cối, các tài sản trên đất, ước tính có hộ bị thiệt hại cao nhất là 70 triệu đồng, hộ thấp nhất là 5 triệu đồng.
Sau vụ việc xảy ra, người dân có làm đơn tập thể để yêu cầu UBND xã Hòa Minh bồi thường thiệt hại cây trồng, tài sản trên đất, nhưng không được giải quyết. Người dân cũng đã gởi đơn đến Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận, Sở Nội vụ yêu cầu can thiệp, các cơ quan này chuyển đơn đến UBND huyện Tuy Phong để được giải quyết, nhưng UBND huyện không có phản hồi gì về vụ việc.
Ông Nguyễn Vinh, sinh năm 1964, ngụ xóm 6, xã Hòa Minh nói: "Gia đình tôi khai thác đất ở khu này từ năm 1981, 1982 và và sử dụng đất một thời gian, sau này tôi có sang nhượng lại cho người khác (cũng là người ở địa phương) để tiếp tục khai thác, trồng trọt.” Ông Vinh cho biết thêm, rất nhiều người dân trước đây xin xác nhận về quá trình sử dụng đất để làm thủ tục cấp sổ đỏ, nhưng chính quyền địa phương không duyệt vì nói là đất này thuộc đất nhà nước quản lý nên không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Trong khi đó, cũng gần khu vực này một số người khác lại được cấp?
Trong buổi trao đổi với phóng viên tại khu đất, nhiều người dân xúc động: Họ là nông dân nên phải chịu nhiều áp lực, cuộc sống khó khăn, phải vay mượn, tích góp để có số tiền đầu tư vào cây trồng, đất đai để mong có một cuộc sống ổn định. Thế nhưng vốn liếng đầu tư vào việc chính đáng lại bị UBND xã huy động người đến phá nát trong mà chẳng biết kêu ai. Người dân cho rằng, chinh quyền đang cố tình “đẩy” họ ra khỏi khu đất này, để sắp tới sẽ giao cho các nhà đầu tư dự án nào đó? Theo người dân thì hiện nay cũng gần vị trí ngay sát khu vực này, có một số người đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (!?)
Chúng tôi đến UBND xã Hòa Minh để tìm hiểu thông tin, ông Huỳnh Đoàn Thanh Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh nói: “Người phụ trách lĩnh vực đất đai là Phó chủ tịch hiện không có ở Ủy ban. Đất khu vực người dân đang có đơn kêu cứu với báo chí nêu trên, là thuộc đất nhà nước quản lý (khoảng 300 hecta đất bằng, chưa sử dụng); bà con nói trước đây có khai thác ở đó là không sai”. Ông Trí khẳng định: “Khoảng 50, 70 năm trước bà con mình có làm trong đó (khu vực Láng Trống)…Sau nắng mưa không làm được, rồi cây mọc hoang dại người ta bỏ luôn, vì không có nước, người ta đã bỏ không sử dụng mấy chục năm nay rồi….”. Ông Trí nói thêm: “Người ta nói chính quyền xã tổ chức cưỡng chế là không đúng, xã có phát hiện tác động trên đất là trồng các trụ xi măng nhưng không biết là của ai, nên có phát thông tin trên đài.” Tuy nhiên ông Trí lại nói:“Người dân chỉ trồng các trụ xi măng chứ không có tác động, trồng gì trên đất” (!?). Trả lời thông tin có hay không cũng ở khu vực này đã có một số người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) rồi? Ông Trí nói: “Những trường hợp đó đã có phương án cho thuê đất thì được cấp sổ, một số hộ phía ngoài đã được cấp sổ rồi.”
Ông Tạ Năm, sinh năm 1965, ngụ xóm 6, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (người thứ 2 từ phải qua) cùng bà con trong xóm trao đổi với phóng viên
|
Những hình ảnh “cưỡng chế” san ủi, tháo dỡ trụ xi măng, cây trồng của người dân ngày 27/12/2018 (Ảnh do người dân cung cấp). |
Quyết định khởi tố bị can của cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phong |
Có dấu hiệu “hình sự hóa”, thể hiện để người dân “sợ”, bỏ đất?!
Theo hồ sơ vụ việc, cũng bởi vì “giữ đất” của mình mà nhiều người dân địa phương đã “vướng” vào tội hình sự, một số người đã bị UBND xã Hòa Minh lập biên bản, chuyển hồ sơ qua cơ quan Công an huyện Tuy Phong đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, theo khoản 1, Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015” , và cơ sở để cơ quan Công an huyện Tuy Phong truy cứu trách nhiệm, khởi tối vụ án hình sự là: Do những người dân này đã lấn chiếm đất, UBND xã đã xử phạt vi phạm hành chính rồi, nhưng lại tiếp tục lại lấn chiếm nữa (2 lần vi phạm) nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng: Chính quyền địa phương UBND xã Hòa Minh chuyển hồ sơ người dân “lấn chiếm” đất qua Công an huyện Tuy Phong, và Cơ quan cảnh sát điều tra huyện này đã khởi tố bị can với tội danh “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo “khoản 1, Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015”, là có dấu hiệu “hình sự hóa” vụ việc, cần xem xét lại “mặt khách quan, khách thể, mặt chủ quan” của tội danh này có “đúng người, đúng tội” hay không? Bởi khu vực đất mà chính quyền cho rằng người dân “lấn chiếm” này vẫn là đất hoang hóa (đất bằng), không phải là đất quốc phòng, an ninh, đất rừng phòng hộ… Hơn nữa, người dân đã từng canh tác hàng chục năm trước và vẫn còn duy trì đến ngày hôm nay; chính quyền địa phương cấp xã cũng thừa nhận là người dân đã từng có khai hoang, sử dụng đất này hàng chục năm trước đây. UBND xã Hòa Minh không thể cứ áp dụng quy định pháp luật một cách “cứng nhắc” là cứ lập biên bản 2 lần thì chuyển hồ sơ “ngay và luôn” qua cơ quan công an, rồi truy cứu trách nhiệm hình sự với người dân như vậy. Chưa hết, việc UBND xã Hòa Ninh tổ chức cưỡng chế, phá dỡ trụ xi măng, nhổ bỏ cây trồng của người dân nhưng không đưa ra một quyết định nào về thu hồi đất, cũng như không có những chính sách đền bù, hỗ trợ nào cho người dân về tài sản trên đất theo quy định. Việc áp dụng các biện pháp hành chính của chính quyền địa phương như trên liệu có đúng các quy định của pháp luật khi lãnh đạo xã thì khẳng định là: khi “tổ chức cưỡng chế” thì đoàn công tác chỉ có nhổ bỏ các cây trụ xi măng (không có cây trồng gì trên đất).
Rất mong các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, UBND huyện Tuy Phong, UBND xã Hòa Minh quan tâm, lắng nghe, tạo điều kiện cho người dân địa phương được canh tác, trồng trọt, để sinh sống ổn định ngay chính trên quê hương mình; tổ chức cuộc họp dân, lập đoàn công tác để khảo sát, thống kê những trường hợp nào là thật sự đã khai hoang, sử dụng đất trước và sau này, trường hợp nào đủ diều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và trường hợp nào không đủ điều kiện. Ngoài ra, nếu có chủ trương thu hồi, quy hoạch sử dụng đất như thế nào thì nên phổ biến rộng rãi cho bà con được biết (qua các thông báo đến các hộ gia đình, các cuộc họp cử tri, cuộc họp thôn, xóm, v.v.). Tránh tình trạng người dân thiếu thông tin rồi tự ý vô khu vực quy hoạch, lấn chiếm, mua bán đất trái phép, để rồi bị những thiệt hại về tài sản, vô tình lại “gánh” cả những hậu quả pháp lý, bởi hành vi “lấn chiếm” đất quy hoạch.
Tạp chí Ngày mới online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tại Quyết định số 2307/QĐ-UBND ngày 26/9/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận, về việc xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu ( 2011 - 2015) của huyện Tuy Phong, thì đất ở khu vực Hoàng Lan, Láng Trống, Rẫy Chiên, thuộc xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong là đất bằng chưa sử dụng, có tổng diện tích 418.756,4m (được ký hiệu số 69 trên bản đồ địa chính được đo đạc theo dự án tổng thể 920).
Đơn kêu cứu khẩn cấp của nhiều hộ dân ngụ tại xóm 6, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong |
Đơn kêu cứu khẩn cấp của nhiều hộ dân ngụ tại xóm 6, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong |
Đơn kêu cứu khẩn cấp của nhiều hộ dân ngụ tại xóm 6, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong |