Huyện Sa thầy, Kon Tum: Cơ quan chức năng lý giải về việc rừng, đất lâm nghiệp bị tàn phá, lấn chiếm.
Pháp luật - Bạn đọc 04/04/2020 07:45
Trao đổi với chúng tôi, bà Tống Thị Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy cho biết: Xã được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ trên 16 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó 9 ngàn ha đất có rừng, 7 ngàn ha là đất trống, đồi núi trọc. Nhiệm vụ bảo vệ những diện tích rừng còn lại, luôn được xã đặt lên hàng đầu. Chính quyền xã luôn tuyên truyền vận động, sâu rộng đến người dân, không lấn chiếm đất rừng, không phá rừng làm nương rẫy.
Những diện tích rừng tiếp tục bị người dân lấn chiếm, được ống kính PV ghi lại |
“Trên địa bàn xã, có tới 96% là người đồng bào Gia Rai, họ định cư, sinh sống bao đời nay, với tập tục sống du canh dẫn đến nạn lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy là có thật, trải qua thời gian dài, người dân nơi đây cứ thế phát nương làm rẫy. Hậu quả là những diện tích đất trống đồi núi trọc mà các anh chứng kiến đã bị người dân lấn chiếm từ rất lâu, nó có yếu tố lịch sử để lại. Đến năm 2014, số diện tích đồi bị “cạo trọc, lấn chiếm” đã được thống kê là đất trống, đồi trọc và người dân đang canh tác hàng chục năm trước”. Bà Nghĩa phân trần.
Bà Tống Thị Nghĩa, Chủ tịch xã Ya Tăng, lý giải với PV về vụ việc rừng bị phá, lấn chiếm. |
Song, về vụ việc, diện tích đất có rừng vẫn đang bị người dân chặt phá, lấn chiếm làm nương rẫy, bà Nghĩa cho hay, số diện tích này nằm trong rẫy của người dân lấn chiếm trước đó, mỗi ngày người dân chỉ lấn một ít, khiến việc ngăn chặn xử lý gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, so với trước đây thì việc lấn chiếm đất rừng đã được hạn chế rất nhiều. Một mặt người dân đã biết lợi ích mà rừng mang lại nên ít phá rừng làm nương rẫy. Mặt khác họ đã nêu cao ý thức chấp hành pháp luật nên cũng ít chặt phá rừng. Đặc biệt là chính sách định canh, định cư đã được thực hiện triệt để, nên người dân chỉ canh tác trên đất đã khai hoang trước đây mà ít phá rừng.
Những quả đồi bị cạo trọc, chỉ còn sót lại cây bụi tại xã Ya Tăng |
Tuy nhiên, hiện nay nạn chặt phá rừng làm nương rẫy vẫn còn nhưng cũng là số ít. Sau khi nhận được phản ánh từ báo chí, chúng tôi đã nhận được sự chỉ đạo của cấp trên và đã kết hợp với đoàn liên nghành vào những điểm báo chí phản ánh để khảo sát làm việc. Chúng tôi sẽ nghiêm khắc chấn chỉnh và tăng cường kiểm soát để hạn chế tối đa tình trạng này. Bà Nghĩa cho biết thêm.
Nhiều diện tích rừng bị đốt làm nương rẫy. |
Về phía huyện Sa Thầy, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện cho hay: Sau khi báo chí phản ánh, ông đã chỉ đạo thành lập đoàn liên nghành xuống hiện trường để xác minh, làm rõ. Kết quả báo cáo sơ bộ cho thấy, những quả đồi bị “cạo trọc” là có thật, nó đã diễn ra từ rất lâu. “Xã Ya Tăng, với 96% đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trải qua hàng chục năm, với thói quen phát nương làm rẫy, du canh đã khiến nhiều diện tích rừng bị đốn hạ, lấn chiếm.
Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy (trái) và Ông Nguyễn Hữu Thạnh Phó Chủ tịch UBND huyện (phải) cho rằng, việc hàng ngàn ha rừng bị lấn chiếm, cao trọc là do yếu tố lịch sử đề lại |
Song, trong 5-7 năm trở lại đây với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, quyết liệt ngăn chặn, tích cực tuyên truyền vận động bà con thì tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy đã được làm rất tốt. Nhiều diện tích đồi trọc đã được trồng mới, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân, tích cực tham gia dự án trồng rừng, để phủ xanh đồi trọc. Thêm nữa chúng tôi cũng đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc trên địa bạn huyện”. ông Sâm chia sẻ.
Cũng theo ông Sâm, về việc rừng do UBND xã Ya tăng quản lý bị phá, lấn chiếm ngay trước mặt Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Tăng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sa Thầy, chúng tôi yêu cầu các chủ rừng phải tăng cường phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng. Nếu có phát hiện lâm phần của chủ rừng khác bị phá lấn chiếm cần báo cho chính quyền sở tại, lực lượng công an, các cơ quan chức năng của huyện để phối hợp xử lý tránh tình trạng rừng hàng xóm bị phá bình chân như không có chuyện gì xảy ra là không nên. Nghe như vậy là rất phản cảm".
Nhiều lóng gỗ được tập kết bên đường. |
Thực tế nhức nhối là tại huyện Sa Thầy nói riêng và Kon Tum nói chung hàng triệu ha rừng đã bị cạo trọc lấn chiếm làm nương rẫy hoặc trở thành đất trống, đồi núi trọc. Thêm nữa diện tích đất có rừng thì chất lượng rừng cũng rất thấp trước nạn lâm tặc khai thác gỗ trái phép để trục lợi bất chính từ rừng.
Do đó, việc các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum nói chung và ngành nông nghiệp, lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng như: Kiểm lâm, chính quyền các cấp, Công an cần phải vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ những cánh rừng còn sót lại để bảo vệ lá phổi xanh của chúng ta nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay./.