Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa: Định hướng và giải pháp mới trong khai thác hải sản biển
Đời sống 19/12/2019 09:52
Hiện nay, Hậu Lộc đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi, cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản theo hướng đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá với các trang thiết bị hiện đại, công nghệ khai thác tiên tiến đủ điều kiện khai thác vùng khơi; phát triển với số lượng hợp lí đội tàu khai thác vùng lộng...
Phát huy lợi thế phát triển thủy sản, những năm qua huyện Hậu Lộc luôn đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt tái cơ cấu ngành thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư nuôi trồng, khai thác đạt hiệu quả cao. Hằng năm do chỉ đạo và thực hiện tốt công tác nuôi trồng, đánh bắt hải sản, nên kinh tế của Hậu Lộc có bước chuyển khá rõ rệt, đời sống của Nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, đánh giá thực trạng về vấn đề khai thác thủy sản của huyện, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện nhận định: “Vấn đề khai thác hải sản hiện nay trên địa bàn huyện tình trạng khan hiếm, thiếu lao động, biến động thuyền viên thường xuyên xảy ra, gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, thực hiện chính sách bảo hiểm thuyền viên của các chủ tàu cá. Chất lượng hoạt động của các Tổ đoàn kết trên biển chưa cao, một số tổ còn hình thức. Đội tàu khai thác hải sản của huyện chủ yếu là tàu cũ nên chất lượng vỏ tàu, máy móc, trang thiết bị nhanh xuống cấp, hỏng hóc, đây là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn tàu cá do gặp rủi ro thiên tai trên biển”.
Sau những ngày vươn khơi |
Mặc dù sản lượng khai thác ở Hậu Lộc tăng hằng năm, nhưng giá trị kinh tế các loài hải sản khai thác có chiều hướng giảm, do suy kiệt nguồn lợi từ việc khai thác với cường lực cao diễn ra nhiều năm. Bên cạnh đó nguồn lợi thủy sản có chiều hướng suy giảm do phương thức khai thác còn lạc hậu, ăn xổi, ảnh hưởng lớn đến khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ở Hậu Lộc hiện tỉ lệ tàu cá làm nghề lưới kéo còn cao (49,4% số lượng tàu cá toàn huyện) gây khó khăn và áp lực cho công tác quản lí bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng lộng và ven bờ.
Bên cạnh là việc triển khai Luật Thủy sản năm 2017, các tàu cá được cấp giấy phép theo hạn ngạch sản lượng theo loài, nhất là đối với tàu cá khai thác ở vùng khơi. Hiện toàn huyện còn 207 tàu cá chủ yếu làm nghề lưới kéo có chiều dài từ 12 đến dưới 15 mét, có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên, theo Luật Thủy sản năm 2003 được phép khai thác vùng khơi, nay theo Luật Thủy sản năm 2017 chỉ được khai thác vùng lộng, gây khó khăn và tác động rất lớn đến sinh kế của ngư dân.
Để khắc phục tình trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã ven biển tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân thực hiện quy trình cải hoán vỏ tàu và máy chính tàu cá để đáp ứng các điều kiện khai thác vùng khơi, báo cáo tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bổ sung hạn ngạch Giấy phép khai thác vùng khơi cho ngư dân.
Hiện Hậu Lộc sẽ tập trung chỉ đạo tuyên truyền và triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; xây dựng kế hoạch phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, nhằm tạo chuyển biến căn bản nghề khai thác biển theo hướng chuyển từ tự phát sang khai thác hải sản hiện đại, có trách nhiệm.
Trên tinh thần đó, huyện cơ cấu lại đội tàu khai thác theo hướng tăng tàu cá khai thác xa bờ, vùng khơi; áp dụng các tiến bộ kĩ thuật và công nghệ mới trong khai thác và bảo quản sản phẩm khai thác.
Hậu Lộc có 13,47 km bờ biển, trên 4.000 ha bãi triều, gần 400 ha rừng ngập mặn, nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng kinh tế - xã hội đang được đầu tư xây dựng tạo ra lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, vùng ven biển của huyện. Ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm: “Những năm qua huyện Hậu Lộc luôn xác định trọng tâm phát triển kinh tế biển là hướng đột phá của địa phương. Thực tế cho thấy hướng đi này là sự lựa chọn đúng đắn của huyện. Tuy nhiên, với quy mô dân số, mật độ dân số rất cao hiện nay ở các xã ven biển của huyện đang là thách thức và trở ngại rất lớn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện các dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực ven biển”.
Để tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và đất đai cho việc triển khai thực hiện các chương trình dự án phát triển khu vực ven biển của huyện và tỉnh trong những năm tới phù hợp với Nghi quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Huyện Hậu Lộc đang tiếp tục báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh tuyến đê biển từ km0 đến km13+470 (là tuyến đê nối đê hữu sông Lèn ở phía Bắc và đê tả sông Lạch Trường ở phía Nam) ra phía Đông cách vị trí đê cũ hiện tại khoảng 1,5 km để tạo nên một vòng khép kín nâng bãi bồi, kết hợp mặt bằng tạo bãi phát triển công nghiệp - dịch vụ hậu cần nghề cá và giãn dân cư trong những năm sắp tới.
Hiện nay Hậu Lộc đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn chủ tàu cá thực hiện nghiêm các quy định về đăng kí, đăng kiểm tàu cá; cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch khai thác; ghi nhật kí khai thác và cập cảng cá chỉ định; hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng cấp tỉnh tăng cường công tác quản lí các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; đồng thời tăng cường quản lí về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với tàu cá thuộc diện cấp Giấy chứng nhận ATTP tàu cá, để 100 % sản phẩm hải sản khai thác bảo đảm ATTP.