Huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: Sao chưa xử lí việc nuôi chim yến có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật?
Pháp luật - Bạn đọc 06/09/2019 09:59
Thế nhưng, bất chấp quy định, hộ bà Mai Thị Lệ Ngà, công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Nam ngang nhiên xây dựng cơ sở dẫn dụ và nuôi chim yến quy mô lớn giữa khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng…
Điều 4 của Quy định điều kiện về môi trường: Tổ chức, cá nhân dẫn dụ và gây nuôi chim yến phải lập hồ sơ bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chuồng trại từ 500m2 trở lên phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh. Chuồng trại từ 50m2 đến dưới 500m2, phải lập đăng kí kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND cấp huyện. Nếu không bổ sung hồ sơ môi trường phải bị xử lí. Các cơ sở hoạt động trước ngày Quy định này có hiệu lực, gây ảnh hưởng môi trường trong khu dân cư thì chủ cơ sở phải có biện pháp khắc phục. Cơ sở có sử dụng âm thanh để dẫn dụ, thiết bị phát âm thanh không vượt quá 70 đề-xi-ben A.
Điều 5 Quy định điều kiện vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh: Nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng ít nhất một lần/tuần. Không sử dụng chất khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Chất thải từ chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lí bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp… bảo đảm an toàn khi đưa ra môi trường…
Nhà nuôi chim yến của bà Ngà, kẹp giữa 2 nhà dân, trong khu dân cư đông đúc. |
Quy định của UBND tỉnh là vậy, nhưng theo đơn kèm theo hồ sơ của bạn đọc gửi đến Báo Người cao tuổi phản ánh thì bà Mai Thị Lệ Ngà lại làm ngược lại(!?) Tại mặt phố nơi dân cư đông đúc khu phố Lập Bình, thị trấn Thuận Nam, bà Ngà xây dựng cơ sở dẫn dụ và nuôi chim yến quy mô lớn từ đầu năm 2019.
Nhận thấy việc nuôi chim yến trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, người dân ở khu phố Lập Bình đã liên tiếp gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền. Tuy nhiên, UBND thị trấn Thuận Nam không có biện pháp ngăn chặn và hộ bà Ngà ngang nhiên hoàn thành và đưa công trình xây dựng dẫn dụ và nuôi chim yến trong khu dân cư.
Ngày 31/5/2019, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam có văn bản “Giao Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường khẩn trương kiểm tra cơ sở nuôi chim yến trong khu dân cư; trường hợp vi phạm thì củng cố hồ sơ, xử lí theo quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành trước ngày 26/6/2019”. Tới nay, đã quá 60 ngày, mà cơ sở nuôi chim yến của bà Ngà vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận và pháp luật.
Cuối tháng 6/2019, UBND thị trấn Thuận Nam kiểm tra việc xây dựng nhà ở của bà Ngà theo giấy phép được UBND huyện cấp ngày 25/5/2018. Kết quả cho thấy, hộ bà Ngà vi phạm trật tự xây dựng rất nghiêm trọng. Để có diện tích dẫn dụ và nuôi chim yến, chiều cao công trình của bà đã vượt 4,5m (4 tầng) riêng diện tích tầng trệt đã tăng 32,5m2 so giấy phép. Theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì trường hợp này, mức xử phạt vi phạm hành chính là 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Rõ ràng, bà Ngà không chỉ vi phạm Quyết định số 1402/QĐ-UBND ngày 4/6/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận về dẫn dụ, gây nuôi chim yến mà còn vi phạm trật tự xây dựng trong đô thị. Điều đáng nói là các cơ quan được Chủ tịch UBND huyện giao nhiệm vụ và chính quyền thị trấn Thuận Nam lại quá chậm trễ, để người dân phải gồng mình chịu đựng ô nhiễm trong một thời gian dài. Càng kì lạ hơn khi nhà Chủ tịch UBND thị trấn chỉ cách nhà bà Ngà 200m, phải chăng các vị lãnh đạo “quá nể” bà Ngà nên không dám lên tiếng?