Hành trình 30 năm khiếu nại, kêu oan chưa có hồi kết của một gia đình Liệt sĩ
Pháp luật - Bạn đọc 24/07/2020 07:51
Một trong những văn bản của Văn phòng Chính phủ liên quan đến khiếu nại của cụ Mơ. |
Từ thu hồi đất của gia đình Liệt sĩ …
Kèm đơn kêu cứu và tài liệu liên quan, đại diện gia đình của cụ Nguyễn Thị Mơ trình bày: Phần đất 16.320m2 (giải toả làm đường còn 14.592m2) ở khu phố 5, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, do cụ Nguyễn Văn Chấn (ông nội cụ Mơ) mua năm 1933, trên đất có Miếu thờ 4m2. Ngoài việc trồng cây tạo nguồn lợi, cụ Chấn và con trai Nguyễn Văn Thành (cha cụ Mơ) xây dựng, mở rộng Miếu trên khu đất để thờ cúng trong gia đình.
Năm 1945, gia đình cụ Mơ cất thêm căn nhà 3 gian, đào hầm bí mật tại khu đất để hoạt động cách mạng. Hơn 5 năm sau, cụ Nguyễn Văn Thành hy sinh (được công nhận là liệt sĩ). Cụ Chấn cũng lâm bệnh, mất năm 1950. Trước khi nhắm mắt, cụ Chấn giao lại nhà thờ, khu đất có Miếu thờ cho mẹ con cụ Mơ, tiếp tục quản lý sử dụng trồng cây, ủng hộ cách mạng đến ngày đất nước thống nhất.
Năm 1971, hoàn cảnh gia đình tham gia cách mạng, vì sợ bị lộ nên đã ủy quyền cho người chú nuôi là ông Nguyễn Văn Hữu đứng ra lập Hợp đồng cho ông Trần Kim Khử (sĩ quan chế độ cũ) thuê khu đất để kinh doanh cây cảnh. Thời hạn thuê là 3 năm, kể từ ngày 15/4/1971 đến ngày 15/4/1974.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Khử không thuê nữa và không ở đây, con trai là ông Trần Kim Khanh ở lại giữ hoa kiểng; và gia đình cụ Mơ đã về lại khu đất cất nhà ở, sinh sống, trực canh, trực cư, quản lý trên khu đất, có hộ khẩu. Năm 1976, ông Khanh vượt biên ra nước ngoài. Do khu đất không thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng cũng không thuộc đối tượng thu hồi nên năm 1983, chính quyền địa phương thông báo cho gia đình làm thủ tục, kê khai đăng ký đất theo Chỉ thị 299/TTg. Ngày 26/9/1984, UBND huyện Thủ Đức (nay là quận Thủ Đức) duyệt cho gia đình cụ Mơ, khu đất có số thửa 86, diện tích 14.592m2 loại đất thổ, quả. Gia đình đã quản lý toàn bộ khu đất, đã sử dụng, nộp thuế hàng năm cho Nhà nước.
Để hợp thức hóa cho việc chiếm dụng đất trái phép, ngày 30/6/1991 ông Khử đã cùng với ông Hữu ký “bản phụ kiện Hợp đồng” thuê đất (!) Nhưng, “phụ kiện Hợp đồng” này có dấu hiệu trái pháp luật. Bởi từ trước đó, đất đã có chủ sử dụng hợp pháp là gia đình cụ Mơ kê khai đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg; và UBND huyện Thủ Đức (nay là quận Thủ Đức) phê duyệt ngày 26/9/1984.
Ngày 21/11/1995, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định thu hồi khu đất giao huyện Thủ Đức quản lý, vì gia đình cụ Mơ cho “thuê mướn” đất. Gia đình cụ Mơ liên tục có đơn khiếu nại, bởi việc cho thuê đất đã chấm dứt ngày 15/4/1974; thực tế sau ngày này ông Khử không thuê đất nữa và ông Khử cũng không có ở đây.
Cụ Nguyễn Thị Mơ trên xe lăn tại khu đất |
… Đến duyệt cho lại một nửa diện tích (!)
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Địa chính, nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh tiến hành xác minh làm rõ. Ngày 28/12/2000, Tổng cục Địa chính có báo cáo kết quả đến Thủ tướng Chính phủ, trong đó có phần kiến nghị nêu rõ: Bác đơn đòi quyền sử dụng đất của ông Khử; công nhận cho gia tộc bà Mơ quyền sử dụng một nửa diện tích khu đất, đồng thời quản lý Miếu thờ; nửa diện tích còn lại giao quận Thủ Đức quản lý.
Ngày 15/01/2001, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo UBND thành phố giải quyết khiếu nại theo nội dung kiến nghị của Tổng cục Địa chính. UBND thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp, thận trọng xem xét tường tận ý kiến của các cơ quan chức năng và các bên liên quan.
Do vẫn còn khiếu nại nên UBND thành phố giao Thanh tra thành phố tiến hành phúc tra. Kết quả phúc tra không có gì mới phát sinh. Ngày 19/02/2003, UBNDTP ban hành Quyết định 718/QĐ-UB, khẳng định gia tộc bà Mơ được quyền sử dụng nửa khu đất và phần diện tích Miếu thờ; giao Chủ tịch UBND quận Thủ Đức thực hiện Quyết định.
Ngày 3/6/2003, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức lúc này là ông Trần Công Lý ký công văn gửi Bí thư Thành ủy nêu lý do chưa thực hiện Quyết định 718 là vì vẫn còn khiếu nại và kiến nghị UBND Thành phố sớm có cuộc họp để nghe các bên liên quan trình bày, cung cấp thêm chứng cứ. Ngày 1/8/2003, UBND thành phố tổ chức cuộc họp, có sự tham gia của đại diện Thanh tra Bộ TN&MT cùng các ban, ngành thành phố, quận Thủ Đức, phường Linh Trung và các bên liên quan. Do phía khiếu nại không đưa ra được chứng cứ gì mới nên UBND Thành phố yêu cầu quận Thủ Đức triển khai thực hiện Quyết định 718.
Ngày 30/9/2003, UBND quận Thủ Đức tổ chức thực hiện Quyết định 718, sau khi đo đạc thực tế và cắm móc ranh giới, gia tộc cụ Mơ được giao 6.554m2 đất cùng Miễu thờ rộng 375m2, lối đi riêng rộng 291m2. Diện tích còn lại 6.554 m2 được giao cho UBND quận Thủ Đức quản lý. UBND phường Linh Trung có trách nhiệm thông báo cho gia đình ông Khử trong hạn 15 ngày phải di dời toàn bộ vật kiến trúc và cây cảnh ra khỏi khu đất.
Ông Khử không chấp hành, ngày 25/11/2003, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức ký Quyết định cưỡng chế nhưng lại không thực hiện. Ngày 05/4/2004, Văn phòng UBND Thành phố có ý kiến truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố yêu cầu UBND quận Thủ Đức tiếp tục thực hiện Quyết định 718 và phải hoàn thành trước ngày 25/4/2004.
Do sự việc giậm chân tại chỗ, nên ngày 28/9/2004, Văn phòng UBND TP có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thiện Nhân (hiện là Bí Thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh), hạn trong vòng 10 ngày UBND quận Thủ Đức phải tổ chức thực hiện xong Quyết định 718.
Ngày 7/4/2005, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức ký văn bản gửi UBND TP xin được “điều chỉnh” Quyết định 718, giao ngôi Miếu thờ cho UBND phường Linh Trung quản lý và nâng diện tích lên 850,5m2. Sau khi trừ phần đất quy hoạch làm đường Xuyên Á, gia đình cụ Mơ được nhận 4.709,9 m2…
Rồi mất trắng khu đất gia tộc trong nỗi oan thấy trời (!)
Tuy Quyết định 718 bị Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Trần Công Lý “vô hiệu hoá”, nhưng khi Nhà nước thực hiện làm đường Xuyên Á năm 2004, gia đình cụ Mơ được nhận tiền đền bù, giải toả hơn 357,2 triệu đồng. Hằng ngày, gia đình cụ vẫn vào khu đất thắp nhang, trông coi Miếu thờ, giữ gìn cây lâu năm cùng căn nhà thờ 3 gian...
Gia đình cụ Mơ liên tục khiếu nại, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo thể hiện tại Văn bản số 847/VPCP-V.II ngày 5/2/2008; văn bản số 2405/VPCP-KNTN ngày 15/4/2009, giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp Thanh tra Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh, tổ chức đối thoại với cụ Mơ; giải quyết dứt điểm khiếu nại của cụ Mơ với ông Khử theo đúng quy định.
Ngày 23/9/2009, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 6585/VPCP-KNTC truyền ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP Hồ Chí Minh căn cứ kết quả kiểm tra của Bộ TN&MT về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng, hoàn cảnh gia đình để quyết định cụ thể diện tích đất giao cho gia đình cụ Mơ.
Ngày 25/10/2010, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4752/QĐ-UBND thu hồi Miễu thờ, giao trả cho gia tộc cụ Mơ (hơn 100 nhân khẩu) chỉ 1.000m2 đất.
Gia đình cụ Mơ tiếp tục khiếu nại. Ngày 4/2/2012, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT, UBND TP kiểm tra lại việc giải quyết khiếu nại của cụ Mơ, đề xuất biện pháp giải quyết theo quy định pháp luật.
Đại diện cụ Mơ bức xúc: Tại buổi họp, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Thị Thuỷ chủ trì, gia đình đã gửi bộ hồ sơ đầy đủ giấy tờ liên quan khu đất. Thế nhưng, không hiểu vì sao khi báo cáo gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ lại đề nghị giao trả cho gia đình cụ Mơ 1.000m2 đất ở vị trí khác, không nằm trong khu đất gia tộc.
UBND TP giao UBND quận Thủ Đức tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 4752. Ngày 26/6/2017, UBND quận Thủ Đức mời đại diện gia đình, nhận 1.000m2 đất tại khu phố 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức.
Quá oan ức, gia đình tiếp tục hành trình khiếu nại. Ngày 17/8/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 374/TB-VPCP, nêu rõ: Ngày 29/7/2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì họp về việc giải quyết khiếu nại của cụ Nguyễn Thị Mơ. Tham dự họp có Phó Tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huấn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm và đại diện Bộ TN&MT, có đại diện quận Thủ Đức. Sau khi nghe Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp nội dung vụ việc, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kết luận như sau:
“Giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh thanh tra, kết luận rõ nguồn gốc, quá trình quản lý sử dụng đất, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất và cấp đất liên quan đến việc khiếu nại của bà Nguyễn Thị Mơ, tổ chức đối thoại với cộng đồng dân cư và với chị em bà Nguyễn Thị Mơ; đề xuất biện pháp giải quyết; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 01/11/2017”.
Ngày 15/5/2019, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Văn bản số 4108/VPCP-V.I, nội dung: Xét báo cáo của Bộ TN&MT tại Văn bản số 264/BTNMT-TTr ngày 16/01/2019 về việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Mơ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo như sau: “Bộ TN&MT làm rõ phần đất liên quan đến việc khiếu nại của các gia đình chị em bà Mơ có thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất không; căn cứ pháp luật để giao phần đất trên cho UBND quận Thủ Đức quản lý; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 01/7/2019”…
Xin đừng để có lỗi với gia đình liệt sĩ…
Đại diện gia đình cụ Mơ trình bày trong nước mắt: Do các cơ quan chức năng bất nhất trong nhận định “sáng đúng, chiều sai” khiến gia đình Liệt sĩ mất trắng khu đất hương quả, gây nỗi oan thấu trời xanh. Trong chiến tranh, gia đình chúng tôi theo cách mạng, không tiếc xương máu hy sinh vì độc lập tự do, công bằng dân chủ. Trong thời bình, gia đình tôi chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, để rồi phải nhận lấy ngậm ngùi đắng cay!”.
Trong đơn kêu cứu mới nhất, gia đình cụ Mơ đề nghị xem xét, làm rõ 4 vấn đề mấu chốt:
Thứ nhất, gia đình cụ Mơ mua khu đất có bằng khoán của chế độ cũ, đã có quá trình quản lý liên tục, sử dụng thực tế, thể hiện qua việc xây cất nhà, trồng cây trên đất; xây dựng, mở rộng Miếu thờ, thắp nhang, trông coi Miếu thờ, xây căn nhà 3 gian, có hộ khẩu trên đất...Gia đình đã thực hiện kê khai đăng ký chính thức quyền sử dụng đất theo Chỉ thị 299/TTg, có tên trong sổ Địa chính. Gia đình đã nộp thuế đất đầy đủ cho nhà nước, được chính quyền địa phương xác nhận và lưu trữ theo quy định nên đã hội đủ các điều kiện để được công nhận quyền sử dụng đất theo Điều 100, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định, là cơ sở pháp lý cao nhất.
Thứ hai, khu đất không thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng theo Quyết định số 188/CP năm 1976. Tại Văn bản số 2036/CV-ĐC-TTr ngày 28/12/2000, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Địa chính (nay là Bộ TN&MT) đã nêu rõ về nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất của gia đình cụ Mơ.
Thứ ba, Miếu thờ là di sản quý báu của gia đình cụ Mơ. Theo quy định, gia đình được sử dụng ổn định, lâu dài, được Nhà nước bảo hộ. Tại sao phải thu hồi để giao quận Thủ Đức quản lý gây bức xúc, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của gia đình liệt sỹ, gia đình, có công với cách mạng.
Cụ Mơ nức nở: “Gia đình tôi đã bám đất giữ làng, nhiều người theo cách mạng, ba tôi hy sinh, chị em tôi cống hiến tuổi thanh xuân và đóng góp vật chất cho đến ngày thống nhất đất nước. Khu đất và Miếu thờ do gia đình chúng tôi quản lý, sử dụng hợp pháp hơn 86 năm với đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Các cơ quan chức năng, từ địa phương đến Trung ương sau một thời gian dài, với nhiều lần xác minh, làm rõ mới có Quyết định cuối cùng 718/QĐ-UB nhưng không thực hiện, để vụ tranh chấp kéo dài suốt gần 30 năm khiến nỗi oan thêm chồng chất theo thời gian. Nay tôi đã gần 90 tuổi, sức khỏe ngày một suy tàn nhưng vẫn phải mỏi mòn chờ đợi. Còn nỗi buồn và đau đớn nào hơn khi gia đình Liệt sĩ càng kêu oan thì quyền lợi chính đáng càng bị teo tóp dần…”.
Dù trong cảnh bi đất nhưng cụ Mơ luôn tin tưởng và trông chờ Thủ tướng Chính phủ sẽ có kết luận chỉ đạo giải quyết rốt ráo vụ việc để cứu gia đình Liệt sĩ chịu quá nhiều oan ức, đau thương, mất mát…
Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền ý kiên chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Truơng Hoà Bình |
Văn bản của Văn phòng Chính phủ tiếp tục truyền ý kiên chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Truơng Hoà Bình |
Chị em cụ Mơ đều ở tuổi "cổ lại hy" |
Cụ Hoa khiếu nại từ lúc 58 tuổi, nay đã gần 90, nhưng vụ tranh chấp vẫn chưa hồi kết |