Hành hương đầu năm về Tây Bắc, nên chiêm bái cầu an ở những điểm nào?
Du lịch 14/01/2020 15:31
Đền ông Hoàng Bảy (Bảo Hà - Lào Cai)
Đền Ông Hoàng Bảy thuộc địa bàn xã Bảo Hà - huyện Bảo Yên - Lào Cai, cách thành phố Lào Cai tầm 60km về hướng nam. Đền được dựng ở chân con đồi Cấm, bên cạnh là nơi sông Hồng vào Việt Nam và chỉ cách ga xe lửa Bảo Hà chỉ 800m.
Lễ hội đền thờ ông Hoàng Bảy |
Trong tâm thức người dân Bảo Hà, từ khi khai thiên lập ấp, ông đã là “Thần vệ quốc” - một vị Thần bảo hộ cho dân tộc, một vị anh hùng trong huyền sử xa xưa từng đánh giặc phương Bắc. Khi thác về trời nhân dân tưởng nhớ lập đền thờ ông trên ngọn núi Cấm quay mặt ra phía sông Hồng, đúng thế “tựa sơn đạp thủy” để “trấn yểm” cho vùng đất biên giới được bình yên, thịnh vượng và trở thành ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Bảo Hà, Lào Cai.
Những ngày đầu xuân, đến đền Bảo Hà là dịp để du khách thư thái chiêm nghiệm, thăm quan và ngưỡng vọng về vị thần đã có công với dân tộc.
Quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan (Sa Pa - Lào Cai)
Trải dài từ độ cao hơn 1.600 m tới “nóc nhà Đông Dương” ở độ cao 3.143m, thuộc khu du lịch Sun World Fansipan Legend, quần thể tâm linh Fansipan gồm các công trình kiến trúc tâm linh được chia thành từng cụm, mang nét kiến trúc đặc trưng của những nếp chùa Việt, nép vào núi, lẫn vào mây, giữa chốn địa đầu Tổ quốc.
Sự linh thiêng nơi mạch nguồn linh khí, những hoạt động tâm linh và lễ hội mang đậm văn hóa Tây Bắc khiến nơi đây đang là điểm đến yêu thích bậc nhất ở phía Bắc của du khách và Phật tử bốn phương.
Quần thể văn hóa tâm linh tại Sun World Fansipan Legend hội tụ nhiều công trình Phật giáo tiêu biểu như Vọng lĩnh Cao đài, Bảo An Thiền Tự, Bích Vân Thiền Tự, Kim Sơn Bảo Thắng Tự, Đường La Hán, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát… Nổi bật nhất trong quần thể là đại tượng Phật A Di Đà cao 21,5 mét, đúc bằng đồng theo phương pháp cách ốp những miếng đồng nhỏ dày 5 mm lên một kết cấu khung sắt có thể tích gần 1.000 m3.
Đầu xuân năm mới, hành hương lên đỉnh thiêng của dân tộc, du khách sẽ được tham dự Lễ hội Khèn hoa và Mở cổng trời được tổ chức thường niên. Năm nay, Lễ hội bắt đầu từ ngày 27/01 - 27/3 (tức ngày 03 Tháng Giêng - 04/3 ÂL).
Lễ hội khèn hoa năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, với nhiều hoạt động đặc sắc như giã bánh dày, làm bánh cốm và nhiều trò chơi truyền thống như đua heo, bịt mắt bắt lợn, đi cà kheo… giữa không gian tràn đầy sắc xuân của phiên chợ Tết, với những sắc màu rực rỡ của các loại cây tulip, cúc lá nho, thu hải đường, cúc mâm xôi, xác pháo xen lẫn giữa đào, mận bung nở khắp nơi...
Độc đáo nhất sẽ là hội thi múa khèn, với sự tham dự của các đội khèn đến từ nhiều bản làng Tây Bắc. Các nghệ nhân sẽ cống hiến cho du khách những màn múa khèn vô cùng đặc sắc mà nếu không phải là người lăn lộn với Tây Bắc nhiều năm, chắc du khách cũng khó có cơ hội được thưởng thức.
Lễ hội khèn hoa rực rỡ sống động sắc màu Tây Bắc, trong khi Hội xuân mở cổng trời Fansipan lại dẫn lối du khách bước tới miền tâm linh linh thiêng trên đỉnh thiêng Fansipan, để được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc tâm linh được kiến tạo kỳ công giữa non ngàn, chiêm bái xá lợi Phật thiêng liêng trong lòng Đại tượng Phật cao nhất Việt Nam và thưởng thức, tham csc hoạt động tâm linh kết hợp văn hóa đặc sắc như: Trống hội tâm linh, múa Quán thế âm Bồ tát, phát ấn cầu an…
Đền Thác Bạc (Yên Bái)
Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà (Thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, Yên Bái) diễn ra vào ngày mùng 8 & 9 tháng Giêng ÂL. Tương truyền, từ thời các Vua Hùng, công chúa Minh Đạt được cắt cử trông coi vùng sông Chảy Thác Bà đã dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng lúa, dệt vải. Khi bà mất được nhân dân tôn kính, lập đền thờ phụng tại Thác Bà.
Đền Thác Bà trải rộng trên diện tích 1.800m2 nằm trên núi Hoàng Thi. Bạn sẽ phải vượt qua 365 bậc đá để tới cửa sân đền. Phóng tầm mắt ra xa, toàn cảnh vùng trời nước mênh mông, hữu tình của hồ Thác Bà nằm trọn trong tầm mắt.
Đây là ngôi đền vô cùng khác biệt khi hội tụ các sắc màu văn hóa đa dạng của 13 dân tộc sinh sống với nhiều lễ hội truyền thống độc đáo của người Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá… Tuy khiêm nhường về vật chất nhưng vẫn toát lên linh khí của đền xưa chốn cũ với dáng vẻ vừa mộng lại vừa thực, vắng mà không quạnh, lặng mà không đìu hiu, tĩnh động luôn hoà quyện.
Nếu may mắn có dịp đến đây từ đêm ngày mùng 8 tháng Giêng, bạn sẽ được tham gia lễ nấu và đánh chè kho. Đỗ xanh ngâm bỏ vỏ, rang lên nấu với mật mía, chè kho được đánh bằng đôi mái chèo nhỏ, đôi trai gái đánh chè theo nhịp điệu chèo thuyền, những người xung quanh hát các bài hò chèo thuyền hoặc vui chơi tâm tình bên bếp lửa ở khu vực đền.
Lễ hội bắt cá để tế lễ cũng diễn ra vào đêm mùng 8. Cá được nhốt lại chọn 2 con to, đẹp, ngon nhất vào sáng ngày hôm sau, cho vào thúng sơn son có nước, rước lên đền để tế sống. Sau phần lễ nghiêm trang là phần hội mang sắc thái của 13 dân tộc bản địa như: ném còn, đánh yến, chọi gà, vật, hội đánh đu, đua thuyền, đẩy gậy...
Trẩy hội mùa xuân, lễ Phật cầu an... chỉ một hành trình Tây Bắc, bạn đã có thể dừng chân ở rất nhiều điểm đến tâm linh để tận hưởng tiết xuân, mùa hội thật rộn ràng. Tây Bắc đang chờ bạn, với tất cả những gì xuân nhất.