“Gửi trứng cho...” doanh nhân, lẽ nào lại phải “bắc thang đi hỏi ông giời” (!?)
Pháp luật - Bạn đọc 22/03/2022 09:01
Sau khi chuyển 30 tỉ đồng cho ông Ngọc, bà Nhung mới phát hiện ra dự án mới chỉ “bánh vẽ”, hai bên thỏa thuận dừng hợp tác. Ông Ngọc cam kết trả lại bà Nhung toàn bộ số tiền trong 4 tháng, nhưng đến nay đã gần 3 năm, ông Ngọc mới trả cho bà Nhung 800 triệu đồng…
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nhung, quê xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Binh. Từ năm học lớp 3, bà đã theo bà nội đi lễ chùa chiêm bái Phật, nên bà nội đặt cho danh phận là Y Nhung. Lớn lên đi học và có bằng cử nhân tài chính, Y Nhung khởi nghiệp kinh doanh mặt hàng điều hòa nhiệt độ Pansonic, lợi nhuận tích lũy có hàng trăm tỉ đồng. Y Nhung ăn chay trường, ngày ngày niệm Phật. Tại nhà ở, các trụ sở làm việc của công ty tại Hà Nội, Quảng Ninh và các dự án khác, ở đâu doanh nhân Nguyễn Thị Nhung cũng đặt tượng và thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đức Phật. Tại quê và một số địa phương bà phát tâm làm nhiều việc nghĩa, như tài trợ xây nhà tình nghĩa, cổng làng, nâng cấp chùa, đặc biệt trong nhiều năm đỡ đầu, bảo trợ hơn 100 cháu học sinh mỗi tháng 1 triệu đồng/cháu.
Phối cảnh mô hình Dự án Resort & Residences của ông Ngọc “giới thiệu” với bà Nhung. |
Có vốn, nữ doanh nhân trẻ này thành lập doanh nghiệp, thuê hàng chục ha đất ở nhiều địa phương, mua một số biệt thự, khách sạn, dự định làm khu du lịch sinh thái tâm linh, xây dựng “Làng dưỡng lão” dành cho người có công với cách mạng, người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, v.v... để phụng dưỡng, chăm sóc, bảo trợ.
Chia sẻ với phóng viên, doanh nhân Nguyễn Thị Nhung cho biết: Qua mối quan hệ thân thiết với bà Phạm Thị Quế, ở phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình giới thiệu với bà Nhung về ông Dương Tùng Ngọc, sinh năm 1972, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Phát triển nhà Hà Nội 17 (HANDICO 17), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Du lịch khách sạn Bãi Bằng (Phú Thọ). Biết bà Nhung có nguồn vốn đáng kể, ông Ngọc “giới thiệu” Dự án Resort & Residences có diện tích 64.593,84m2 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 844489, do UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 4/10/2007), mục đích sử dụng xây dựng kinh doanh thương mại tổng hợp, thời hạn thuê 50 năm tại khu Núi Trang, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ông Ngọc cho bà Nhung xem hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, khẳng định rằng khu đất này đã được UBND tỉnh Phú Thọ cho chuyển mục đích xây dựng nhà ở nên cần vốn đầu tư. Ý tưởng của bà Nhung cũng muốn có một phần đất đó để làm khu dưỡng lão nên sẵn sàng góp vốn.
Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 174: “4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a. Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”… So với quy định trên, số tài sản ông Ngọc có dấu hiệu chiếm đoạt của bà Nhung gấp gần 60 lần (không kể lãi suất ngân hàng trên tổng số tiền đó), nếu cơ quan chức năng xác định rõ ràng thì số phận ông ta thế nào đây? |
Sau khi bàn bạc thống nhất, ông Ngọc chuyển nhượng cho bà Y Nhung 43% cổ phần của Công ty CP Thương mại Du lịch khách sạn Bãi Bằng, với giá 43 tỉ đồng. Ngày 23/9/2019, hai bên kí kết Hợp đồng kinh tế số 27/2019/HĐKT, mục đích“… chuyển nhượng một phần tài sản thuộc quyền sở hữu… để bà Nguyễn Thị Nhung là cổ đông chính (cổ đông chiến lược) tham gia điều hành, phát triển hoạt động đầu tư và kinh doanh của công ty với tư cách thành viên Hội đồng quản trị”, với “giá trị sở hữu số cổ phần là 43% tương đương 43 tỉ đồng”. Chỉ trong 2 tháng (9 và 10/2019), bà Nhung chuyển tiền cho ông Ngọc 3 đợt tổng số 30 tỉ đồng để triển khai dự án. Đang trong lúc làm dự toán và hoàn thiện thủ tục xây dựng thì ông Ngọc đột ngột thông báo dự án phải dừng, không thể triển khai, do khu đất này Nhà nước sẽ thu hồi.
Trước thông tin đột ngột ấy, bà Nhung quyết định rút khỏi thành viên là nhà đầu tư, cổ đông chiến lược và rút về số tiền đã chuyển cho ông Ngọc. Ngày 4/12/2019, hai bên có họp thống nhất dừng việc đầu tư. Ngày 7/12/2019, lập biên bản thỏa thuận: “Hai bên thống nhất thanh toán theo đúng ý kiến của bà Nguyễn Thị Nhung đề ra và cùng nhau phối hợp hoàn thành công việc”. Theo thỏa thuận: “Trong vòng 4 tháng kể từ ngày 7/12/2019 đến 6/4/2020, ông Dương Tùng Ngọc có trách nhiệm hoàn lại toàn bộ số tiền là 30.000.000.000 đồng (Ba mươi tỉ đồng) đã nhận từ bà Nguyễn Thị Nhung. Lộ trình như sau:
- Lần 1 thanh toán trước ngày 6/1/2020 số tiền 10 tỉ đồng;
- Lần 2: Thanh toán trước ngày 6/2/2020 số tiền 10 tỉ đồng;
- Lần 3: Thanh toán trước ngày 6/4/2020 số tiền 10 tỉ đồng”.
Thế nhưng, suốt 4 tháng đầu năm 2020, ông Ngọc không thanh toán đồng nào cho bà Nhung. Nhận thấy lần 1 đã “trục trặc”, ngày 13/1/2020, bà Nhung gặp ông Ngọc yêu cầu và lập biên bản. Ông ta cam kết “đồng ý thời hạn cuối cùng là ngày 6/4/ 2020 sẽ thanh toán toàn bộ 30 tỉ đồng cho bà Nguyễn Thị Nhung”. Thế rồi qua ngày đó, món nợ vẫn bị treo lửng lơ vô lối. Và cứ thế, thời gian trôi đi như một sự lãng quên, rồi dịch Covid-19 tác động, giãn cách xã hội căng thẳng, hai bên hạn chế cơ hội găp nhau. Tính đến tháng 12/2021, ông Ngọc mới trả cho bà Nhung 800 triệu đồng (hai lần). Cho đến nay (cuối tháng 3/2022), ông Ngọc vẫn chưa thanh toán số còn lại là 29,2 tỉ đồng cho bà Nhung.
Bà Nhung cho biết thêm: Về nguyên tắc, ông Ngọc nhận 30 tỉ đồng để thực hiện đầu tư nhưng phải dừng vì “bất khả kháng”, chưa sử dụng đồng nào vào dự án thì khi dừng phải chuyển trả ngay cho đối tác vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, ông Ngọc đã sử dụng toàn bộ số tiền đó vào mục đích cá nhân. Việc đến nay (cuối tháng 3/2022) chỉ mới trả được 800 triệu đồng trên số tiền phải trả 30 tỉ đồng, cho thấy ông Ngọc có dấu hiệu lừa đảo tinh vi và trắng trợn.