Đừng quên mình là... Tướng!
Trong mắt người già 07/01/2021 09:58
Làm Tướng trước hết phải đặt Tổ quốc lên trên hết. Ấy thế mà hơn 30 Tướng Công an, Quân đội không nhớ mình còn có một Tổ quốc trong tim. Điểm lại danh sách hơn 30 vị từ thiếu tướng đến thượng tướng bị xử lí kỉ luật, bị bắt giam, họ đều có một mẫu số chung, ấy là tham vọng quyền lực, “khát” giàu, coi thường kỉ cương, phép nước!
Phàm là Tướng thì phải “thuộc bài” của đạo làm tướng. Người xưa định ra 6 “Lễ” và 5 “Tài” của người làm tướng. Năm Tài ấy gồm: Dũng, Trí, Nhân, Tín, Trung. Dũng nghĩa là không để cho ai xúc phạm mình; Trí thì không rối loạn; Nhân thì thương dân; Tín thì không lừa dối; còn Trung thì không ăn ở hai lòng.
Như để cho chắc chắn, người xưa còn soạn 10 lỗi nhằm cảnh báo các tướng.
Đó là: Dũng cảm mà khinh chết; Làm gấp rút mà lòng nôn nóng; Tham lam mà mong lợi; Nhân ái mà bất nhẫn; Có mưu trí nhưng lòng khiếp sợ; Tín thực nhưng hay tin người; Có tính liêm khiết nhưng chẳng thương người; Có mưu trí nhưng lòng trễ biếng; Có tính cương nghị nhưng cậy mình; Có tính nhu nhược mà thích dùng người.
Dường như trong thời buổi yên bình, mở cửa, ta có phần “nới rộng” việc phong tướng? Phải tự hào, nước Việt chưa bao giờ thiếu Tướng tài. Nhưng hình như, trong đội ngũ Tướng hôm nay, một số người thiếu hẳn những tiêu chí cốt tử. Điều dễ nhận nhất là họ không dành thời gian “học bài”; số khác lại sa vào việc tăng thu nhập ngoài cấp bậc, chức vụ bằng các thủ đoạn bị người đời lên án.
Làm gì để có một đội ngũ “Tướng ra tướng” đủ uy dũng cho Nhân dân ngưỡng mộ? Cần nhắc lại một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ủy Công an Trung ương và Quân ủy Trung ương. Càng là công cụ bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước càng không được lơ là nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và công tác cán bộ.
Khi trao hàm cấp tướng cũng cần đòi hỏi ở mỗi người cao hơn về trách nhiệm, năng lực, sự trong sạch, liêm khiết; sự tự giác, gương mẫu. Đây chính là nhiệm vụ, giải pháp để các “ông tướng” không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng. Cạnh đó cũng cần sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cấp ủy về phòng chống tham nhũng, lãng phí; về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Có một đội ngũ Tướng tài là hồng phúc của nước nhà. Nhưng để các sĩ quan cấp tướng vững vàng trên vị trí của mình không thể thiếu việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Đặc biệt là kiểm tra dấu hiệu vi phạm và phát hiện sớm, xử lí nghiêm minh, kịp thời thay thế khi họ có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến danh dự các vị Tướng Việt Nam đã từng có những cống hiến to lớn cho Tổ quốc.