“Đòi lại đất do Tập đoàn lấy chia cho người khác”, người cao tuổi trở thành bị đơn?!
Pháp luật - Bạn đọc 05/08/2023 09:33
Thông báo về việc thụ lí vụ án số: 327/2022/TB-TLVA ngày 26/12/2022 của TAND huyện Gò Công Đông về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” gửi: Viện KSND huyện Gò Công Đông; Bị đơn ông Lê Văn Ba, sinh năm 1952, ở khu phố 1, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có nội dung thể hiện:
Nguyên đơn là ông Đào Văn Đặng, ở khu phố Chợ 1, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông yêu cầu ông Lê Văn Ba trả lại phần đất có diện tích 71,5m2, thuộc thửa đất số 203, tờ bản đồ số 2, tọa lạc tại khu phố 1, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, do ông Ba đứng tên QSDĐ theo sổ mục kê của xã Vàm Láng ngày 8/1/2001. Nguyên đơn nộp cho Tòa án những tài liệu, chứng cứ sau:
UBND xã Vàm Láng trả lời “Đơn xin lại ruộng bị tập đoàn lấy chia cho người khác” đề ngày 9/12/1991 của bà Đào Thị Gừng. |
Đơn xin lại ruộng bị tập đoàn lấy chia cho người khác đề ngày 9/12/1991 của bà Đào Thị Gừng (bản sao); Giấy xác nhận đề ngày 30/9/2012 của ông Lê Văn Ba (bản photo); 2 Biên bản hòa giải đề ngày 24/11/2022 và ngày 7/12/2022 của UBND thị trấn Vàm Láng (bản sao); Tờ tường trình đề ngày 29/11/2022 của ông Đào Văn Nhiêm (bản chính); Văn bản số: 3067/VPĐKĐĐ-TTLT ngày 6/11/2020 của Văn phòng Đăng kí đất đai tỉnh Tiền Giang (bản sao); Trích lục hồ sơ địa chính ngày 28/6/2011 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang (bản sao); Đơn xin xác nhận tên trong sổ mục kê ruộng đất đề ngày 24/5/2022 của ông Đào Văn Đặng (bản sao); Căn cước công dân của ông Đào Văn Đặng và Đào Văn Nhiêm (bản sao); Công văn số 2026/UBND ngày 30/8/2022 của UBND huyện Gò Công Đông (bản sao).
Nhiều căn cứ thể hiện có thể không thụ lí đơn khởi kiện
Một: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao. Khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Điều khoản này đã quy định vừa mang tính nguyên tắc lại vừa mang tính định hướng. Do đó, quy định này là cơ sở pháp lí để cá nhân khẳng định Nhà nước Việt Nam là chủ thể duy nhất có quyền định đoạt đối với đất đai. Mặc dù theo quy định, đất đai được trao cho người dân nhưng theo quy định của pháp luật thì lại thuộc sự quản lí của Nhà nước. Đồng thời việc này cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất để giải quyết tình trạng khiếu kiện về các tranh chấp quyền sử dụng mang tính lịch sử. Các khiếu kiện đòi lại đất có ảnh hưởng không tốt đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc quy định như vậy là hết sức cần thiết để giải quyết triệt để các khiếu kiện lâu nay.
Quy định trên là cơ sở để nắm vững số lượng, chất lượng sự biến động đất đai trong phạm vi cả nước và ở từng địa phương. Nếu chấp nhận việc đòi lại đất không nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp làm cho Nhà nước có thể quản lí hiệu quả mà sự thay đổi về chủ sử dụng đất sẽ làm cho công tác quản lí tốn kém về thời gian, sức người và sức của.
Quy trình này xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhà nước quy định như vậy nhằm cụ thể chế độ sở hữu toàn dân về đất đai phục vụ cho lợi ích của Nhân dân lao động, bảo vệ quyền lực của người sử dụng đất.
Từ đây có thể thấy, Nhà nước không thừa nhận về việc đòi lại đất đã giao theo quy định của Nhà nước cho người dân hoặc người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách về đất đai của Nhà nước qua các thời kì. Các hộ gia đình khi được Nhà nước giao cho phần đất của gia đình mình là đúng theo các quy định pháp luật nên việc các hộ gia đình đòi lại được quyền sử dụng đất đã được Nhà nước giao cho hộ gia đình đó là không thể.
Hai: UBND xã (nay là thị trấn) Vàm Láng trả lời: “Ruộng của bà đã đồng ý giao lại cho hộ nghèo”, nay không giải quyết “Đơn xin lại ruộng bị tập đoàn lấy chia cho người khác” đề ngày 9/12/1991 của bà Đào Thị Gừng. Lí do: Căn cứ các chỉ thị, thông báo và quyết định của Đảng và Nhà nước, ngày 17/12/1991, UBND xã (nay là thị trấn) Vàm Láng trả lời “Ruộng của bà đã đồng ý giao lại cho hộ nghèo”, nay không giải quyết “Đơn xin lại ruộng bị tập đoàn lấy chia cho người khác” đề ngày 9/12/1991 của bà Đào Thị Gừng;
Văn bản trả lời của UBND xã Vàm Láng trên đây là hoàn toàn phù hợp pháp luât về quản lí đất đai. Theo đó, Khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ba: TAND huyện Gò Công Đông nhận “Đơn xin lại ruộng bị tập đoàn lấy chia cho người khác” đề ngày 9/12/1991 của bà Đào Thị Gừng (bản sao). Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”.
Căn cứ quy định nêu trên “Đơn xin lại ruộng bị tập đoàn lấy chia cho người khác” đề ngày 9/12/1991 của bà Đào Thị Gừng, không được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Bị đơn người cao tuổi yêu cầu Toà án không thụ lí đơn vụ kiện
Tại các phiên hòa giải ngày 23/2/2023 và ngày 27/7/2023, bị đơn Lê Văn Ba đưa ra ý kiến (bằng văn bản và có nộp cho Tòa án): Nguyên đơn là ông Đào Văn Đặng đã nộp những tài liệu, chứng cứ, trong đó có: “Đơn xin lại ruộng bị Tập đoàn lấy chia cho người khác đề ngày 9/12/1991 của bà Đào Thị Gừng (bản sao)”. Nguyên đơn thừa nhận đất đòi lại là đất do “Tập đoàn lấy chia cho người khác”. Nhưng sự thừa nhận này, là căn cứ để Tòa án không thụ lí đơn khởi kiện của ông Đào Văn Đặng. Khoản 2, Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.