Điển hình về phát triển kinh tế trang trại tổng hợp
NCT làm kinh tế giỏi 15/02/2023 09:46
Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, ông Nam luôn nung nấu ý chí trở về góp phần xây dựng quê hương. Năm 2015, sau khi được sự nhất trí của UBND huyện Yên Định về việc tích tụ ruộng đất để chuyển đổi từ đất canh tác kém hiệu quả, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Nhân dân trong xã, gia đình ông đã chuyển đổi thành công vùng đất vốn là vùng chiêm trũng, trồng lúa khó khăn, không hiệu quả sang xây dựng trang trại tổng hợp, với quy mô gần 10 ha.
Ông Trịnh Xuân Nam |
Ngay sau khi được giao đất, ông Nam đã vay vốn đầu tư, xây dựng trang trại tổng hợp. Ông thuê máy ủi, máy múc để cải tạo thành ao thả cá, trên bờ trồng các loại cây ăn quả như bưởi, nhãn, mít; chăn nuôi gà, lợn, bò..., với tổng vốn đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng. Đến nay, trang trại tổng hợp Hương Quê của ông Trịnh Xuân Nam với quy mô 12 ao cá, trong đó dự án chăn nuôi cá lóc (trong 2 năm 2020 - 2021) đạt trên 200 tấn; cá truyền thống đạt 15 tấn/năm; có 7 khu chăn nuôi gà, mỗi lứa nuôi 3,5 vạn con, một năm 3 lứa. Ngoài ra, ông nuôi 60 lợn nái để lấy giống chăn nuôi, hằng năm trang trại xuất chuồng hơn 120 tấn lợn thịt. Bên cạnh đó, trang trại Hương Quê trồng trên 4.500 cây ăn quả các loại như bưởi da xanh, bưởi diễn, nhãn, mít,... Bình quân hằng năm, trang trại tổng hợp Hương Quê có tổng doanh thu 15 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho các lao động thời vụ khác với mức thu nhập bình quân 180.000 đồng/ngày.
Để trang trại tổng hợp phát triển hiệu quả, ổn định bền vững, tạo những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, ông Nam không ngừng ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, áp dụng các chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Năm 2020, trang trại Hương Quê được Sở Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa cho phép thực hiện Dự án: “Ứng dụng khoa học - công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cá lóc đạt tiêu chuẩn VietGap tại huyện Yên Định”. Kể từ thời điểm triển khai dự án, trang trại đã liên kết sản xuất với một số hộ ở địa phương tiến hành nuôi cá lóc thành công. Hiện tại dự án sẽ mở rộng liên kết với nhiều hộ trong huyện để nhân rộng nuôi cá lóc đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến nay dự án đã được nghiệm thu đạt kết quả tốt.
Ông Nam tâm sự: “Tuy tuổi đã cao nhưng tôi nghĩ mình còn sức khoẻ và kinh nghiệm tích luỹ trong quá trình sản xuất, kinh doanh có thể làm được gì có ích cho gia đình và xã hội thì nên làm. Hơn nữa, tham gia lao động cũng là một cách để rèn luyện sức khoẻ và làm gương cho con cháu noi theo”.
Hằng năm, trang trại đón hàng chục đoàn khách tham quan học hỏi kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức sản xuất, trong đó có các đoàn của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các huyện, các đoàn của Hội Làm vườn và Trang trại các huyện trong tỉnh và các xã trong huyện. Ngoài ra, ông Nam còn tuyên truyền, chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho những ai có nhu cầu học hỏi; liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ các chủ trang trại, hộ làm vườn khác phát triển sản xuất. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Trịnh Xuân Nam còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, luôn gương mẫu đi đầu thực hiện tốt các phong trào của địa phương.
Với những kết quả đạt được, những đóng góp của ông Nam đã được các cấp, các ngành khen thưởng. Đặc biệt, đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu Thanh Hóa năm 2022”, được Hội Làm vườn Việt Nam tặng Bằng khen và UBND huyện Yên Định tặng Giấy khen.